Thương vụ mua điện kế điện tử từ "nhà cung cấp" Linkton của Công ty Điện lực TP HCM không phải bây giờ mới phanh phui mà đã bị phát hiện cách đây hơn 3 năm. Tại lô hàng đầu tiên Linkton mang đến chào, đã có nhiều sai sót "chết người" nhưng đã được "phù phép" thành hàng "chuẩn" và đưa vào lắp đặt.
![]() |
Quang cảnh khám xét nơi làm việc và bắt tạm giam một số cán bộ Điện lực TP HCM. |
Từ tháng 1 đến cuối tháng 12/2004, công ty đã mua tổng cộng 312.000 chiếc điện kế điện tử "chất lượng dỏm, giá xịn" của Công ty Linkton thông qua 14 hợp đồng. Ít ai biết rằng, ngoài số điện kế trên, trước đó giữa Điện lực TP HCM và Linkton đã mua bán với nhau 150 điện kế khác vào năm 2002. Đây là hợp đồng đầu tiên giữa 2 công ty. Lô hàng dù là của Singapore chính hiệu (không phải từ "lò" 43 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận) nhưng cũng đã có nhiều sai sót và rồi cũng được hợp thức hóa.
150 điện kế trên mang ký hiệu là TLE66, là loại kỹ thuật số, 1 pha được quản lý khá đặc biệt: đọc chỉ số từ xa bằng sóng radio. Sau khi nhận hàng về, Công ty Điện lực TP HCM lên kế hoạch cho lắp thí điểm tại Điện lực Phú Thọ nhưng ngay từ đầu đã bộc lộ nhiều sai sót, không đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn. "Chỉ có thể niêm phong bằng 1 chì hộp số phía trên nên có thể tiếp cận các bộ phận bên trong mà không cần tháo niêm phong; anten của mạch transmitter bắt dính với vỏ bằng tán nên có thể mở từ bên ngoài; nắp đậy hộp số có joint cao su nhỏ vì vậy khi siết ốc chặt nhưng bụi và nước vẫn có thể xâm nhập vào điện năng kế...", Trung tâm Thí nghiệm điện báo cáo cho Điện lực thành phố ngày 25/9/2002.
Thấy hàng không đạt, công ty đã giao cho Phòng Hợp tác quốc tế để bàn giao lại cho nhà cung cấp vào ngày 6/12/2002. Nhưng 12 tháng sau, ngày 6/12/2003, số hàng này bỗng dưng được phía tiếp nhận trở lại với lý do "phía Linkton đã cho điều chỉnh, sửa chữa lại". Tuy nhiên, dù đã được sửa chữa nhưng lô hàng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn.
Trung tâm thí nghiệm điện nhận xét về lô hàng này: "Nắp đậy bộ đấu dây quá ngắn, dễ bị cấn dây trong công tác lắp đặt; toàn bộ kết cấu của bộ số được bao quanh bằng nhựa nên không thể trả về số "000,0" sau khi kiểm định cũng như trong công tác bảo trì sau này".
Số điện kế trên còn có một số hạn chế như: "Không thể xác định được khoảng cách kết nối giữa remote và điện năng kế bằng sóng vô tuyến. Theo quy định, bộ nhớ của điện kế khi bị mất điện không bị xóa trong thời gian 4 tháng nhưng bộ nhớ của điện kế này không thể hiện...". Dù lô hàng có nhiều khiếm khuyết nhưng khi nhận được báo cáo của Trung tâm thí nghiệm điện, 9 ngày sau, ngày 13/3/2003, Phó giám đốc Lê Văn Hoành đã ký công văn đồng ý nhận hàng. Số điện kế này (tổng cộng là 147 chiếc, trừ vài chiếc không đạt chuẩn) sau đó được Điện lực thành phố cho xuất xưởng để lắp đặt cho cư xá Nguyễn Trung Trực 4 thay cho các điện kế cơ.
Dù có tên là gọi là điện kế điện tử nhưng bản việc tính tiền điện cho người dân lại không... kỹ thuật số. Khi đưa vào sử dụng, Điện lực thành phố không biết quản lý chỉ số khai thác điện của số điện kế này như thế nào nên đã "làm liều" bằng cách tổ chức đọc từ xa bằng thiết bị ghi điện cầm tay kết hợp đọc chỉ số trực tiếp trên điện kế rồi ghi vào... phơi giấy. Do chỉ có thể đọc chỉ số điện kế này từ xa bằng sóng radio nhưng vào lúc này, ở Việt Nam chưa ban hành một tiêu chuẩn nào để quản lý nên phía công ty đã... tự soạn thảo ra một tiêu chuẩn gọi là "tiêu chuẩn kỹ thuật điện kế đọc chỉ số bằng sóng radio". Doanh nghiệp lấy ý kiến các bộ phận trong công ty nhằm hợp thức hóa chuyện chưa đạt tiêu chuẩn của số điện kế kỹ thuật số trên. Trên thực tế, toàn bộ hàng của Linkton nhập về sau này đều không cần đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam mà chỉ cần theo "tiêu chuẩn" của công ty.
Khắc phục sai sót "kỹ thuật số" bằng cách... thủ công
Sau đợt chào hàng nói trên, từ ngày 4/1 đến 16/5/2004, công ty đã ký 5 bản hợp đồng, mua về 92.000 chiếc điện kế điện tử 1 pha của Linkton. Cũng như lần chào hàng đầu tiên, các lô hàng sau này của Linkton đều có sai sót. Nhận xét của Trung tâm Thí nghiệm điện về 2 trong số 5 hợp đồng trên: "Nắp đậy hộp số được niêm phong bằng 2 chì hộp số phía dưới, phía trên cố định bởi ba ngàm nhưng vẫn có thể nạy bung các ngàm này tạo khoảng trống tiếp cận với các bộ phận bên trong mà không cần tháo niêm phong; nắp đậy bộ đấu dây ngắn, dễ bị cấn dây trong công tác lắp đặt...". Số điện kế trên còn ẩn chứa nhiều vấn đề có thể dẫn đến sai sót như: "Không có thông số kỹ thuật cũng như remote đọc dữ liệu từ xa để truy cập vào bộ nhớ của ĐK nên không thể xác định được các thông số như: bộ nhớ lưu giữ chỉ số khi mất điện trong thời gian tối thiểu bao lâu (quy định là phải trong 4 tháng để dễ quản lý dữ liệu trong trường hợp bị mất điện)". Đáng chú là điện kế có "biên độ hiệu chỉnh của điện năng kế quá lớn, từ -16% đến +26% trong khi theo quy định thì biên độ này chỉ dừng lại ở con số -2% đến +2%". Đây là yếu tố hết sức quan trọng vì ở biên độ quá lớn như thế người tiêu dùng không thể kiểm soát được chiếc điện kế của gia đình mình chạy có chính xác hay không.
![]() |
Ông Lê Văn Hoành (áo trắng). |
Trước tình huống này, Phó giám đốc Lê Văn Hoành đồng ý cho phía Linkton nhận lại toàn bộ 13.000 điện kế điện tử trên về để khắc phục lại. Tuy nhiên, phía Linkton lại khắc phục sự cố "biên độ hiệu chỉnh quá lớn" bằng cách cho... mài mòn một số chi tiết để vô hiệu hóa chuyện sai số của các biên độ hiệu chỉnh. Ngày 31/5/2005, ông Hoành đồng ý cho công ty tiếp nhận lại 10.000 trong số 13.000 điện kế điện tử trên để tổ chức lắp đặt. Như vậy, sai sót "chết người" của Linkton, cùng một số sai sót khác đã bị ém nhẹm, "cho qua". Ngày 7/6/2004, lô hàng đầy "thương tích" trên được giao cho Điện lực Tân Thuận và Điện lực Gia Định lắp đặt cho khách hàng.
Sau khi các sai sót trên bị khỏa lấp, Linkton ồ ạt đổ hàng vào Điện lực TP HCM, tổng cộng là 312.000 chiếc thông qua 12 hợp đồng khác mà không gặp bất cứ một trở ngại nào, kể cả chuyện đấu thầu.
Trong một diễn biến khác liên quan đến nguồn gốc của các lô hàng ĐKĐT, trong một văn bản gửi cho đoàn kiểm tra của Bộ Công nghiệp, ông Lê Minh Hoàng (Giám đốc Điện lực TP HCM) giải trình: "Công ty Điện lực thành phố không có tờ khai hải quan và bản sao các vận đơn vì nhà thầu không giao...". Về vấn đề vì sao 4 hợp đồng mua 67.000 chiếc không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), ông Hoàng đã thừa nhận có sai sót nhưng lại đẩy trách nhiệm cho cấp dưới bằng cách lý giải: "Khi trình ký thanh toán, chuyên viên báo cáo là có đủ chứng từ. Chúng tôi tin tưởng là có đủ và tin tưởng vào nghiệp vụ chuyên môn lâu năm của chuyên viên...".
Một nguồn tin cho biết, sau khi bị khởi tố và bắt giam, ông Lê Văn Hoành, khai nhận rằng ông có sai phạm trong việc xét thầu, đấu thầu và ký hợp đồng mua bán, lắp đặt điện kế điện tử với Linkton nhưng tất cả đều do sự chỉ đạo của giám đốc Lê Minh Hoàng.
(Theo Thanh Niên)
Theo dòng sự kiện: |
▪ Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu (19/09/2005)
▪ Quy định về đăng ký hộ khẩu (19/09/2005)
▪ Mạo danh người khác để khai báo với công an (19/09/2005)
▪ Băng cướp tình nhân sa lưới (19/09/2005)
▪ Giám đốc Lâm Viên tố cáo điều tra viên Nguyễn Văn Yên (19/09/2005)
▪ Phát hiện một doanh nghiệp sản xuất hàng nhái Võng xếp Duy Lợi (17/09/2005)
▪ Phát hiện một doanh nghiệp sản xuất hàng nhái Võng xếp Duy Lợi (17/09/2005)
▪ Ngăn chặn và đẩy lùi việc lập doanh nghiệp "ma" để chiếm đoạt thuế (17/09/2005)
▪ Ngăn chặn và đẩy lùi việc lập doanh nghiệp "ma" để chiếm đoạt thuế (17/09/2005)
▪ Ách tắc trong dự án xây dựng Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh (17/09/2005)