* Nguyên nhân nào dẫn đến việc các hãng hàng không liên tục chậm chuyến, hủy chuyến trong thời gian qua, thưa ông?
- Tôi cho rằng, việc chậm chuyến, hủy chuyến trong hoạt động hàng không là điều khó tránh, không chỉ đối với Việt Nam, mà tất cả các nước trên thế giới đều có thể xảy ra tình trạng tương tự. Bởi hoạt động hàng không phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan (thời tiết...). Bên cạnh đó, máy bay là một phương tiện cực kỳ đắt, do đó, phải sử dụng quay vòng tối đa công suất, nên khả năng dự phòng của ngành hàng không khó khăn hơn so với các loại hình vận tải khác.
* Và vì bất khả kháng nên Dự thảo Luật mới quy định việc xử phạt?
- Khi chính thức hội nhập, chúng ta phải xem xét đến các công ước quốc tế mà chúng ta đã và sẽ tham gia. Những công ước này đều đề cập việc phải đền bù thiệt hại cho hành khách khi xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến bay vì lý do chủ quan, và sẽ không phải đền bù khi có lý do khách quan. Theo tôi, luật của ta cũng phải tuân thủ những quy định quốc tế đó.
* Vậy điểm yếu của ngành hàng không nước ta là gì?
- Hàng không Việt Nam vẫn là một ngành còn rất non trẻ. Nó phát triển rất nhanh, nhưng còn nhiều điểm yếu cần phải khắc phục. Thứ nhất, Việt Nam chưa có điều kiện để mua thật nhiều máy bay cho dự phòng. Thứ hai, các hãng hàng không của ta ngoài hoạt động kinh doanh còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị khác. Vì vậy khi có những điều bất khả kháng xảy ra thì cũng có thể thông cảm được. Tuy nhiên, ngành hàng không cũng cần phải tiến những bước dài để giảm thiểu tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến.
* Cụ thể Dự thảo Luật sẽ chế tài việc chậm chuyến, hủy chuyến ra sao, thưa ông?
- Chính từ đòi hỏi của cuộc sống mà Ban soạn thảo Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã cố gắng đưa vào luật quy định theo hướng nhà vận tải phải chịu trách nhiệm về mặt tinh thần, như xin lỗi và có thông báo rõ ràng về việc chậm chuyến hay hủy chuyến bay cho hành khách; đồng thời phải chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề phát sinh đối với hành khách do việc chậm chuyến, hủy chuyến gây ra. Tôi cho rằng, với những quy định này, chúng ta có thể xem là đã có những bước tiến trong việc xác định trách nhiệm của nhà vận tải hàng không đối với hành khách. Điều này cũng phù hợp với quy định trong các công ước quốc tế về hoạt động hàng không.
* Trách nhiệm ở đây là gì?
- Hiện nay, trên thế giới chỉ có duy nhất Liên minh châu Âu (EU) có quy định về mức phạt đối với việc hủy chuyến bay, chưa có phạt về chậm chuyến. Theo đó, mức phạt khi hủy chuyến bay là 250 - 600 Euro. Tuy nhiên, bản thân các quy định này cũng đang bị các hãng hàng không kiện ra tòa, bởi họ cho rằng, quy định đó không phù hợp với điều kiện thực tế của các hãng hàng không châu Âu.
Còn ở Việt Nam, Dự thảo Luật quy định, khi phải hủy chuyến bay ngoài việc phải giải quyết những nhu cầu của hành khách, các hãng hàng không còn phải chịu một khoản tiền phạt. Mức phạt này giao cho Bộ Giao thông - Vận tải quy định.
* Vậy Bộ trưởng dự kiến sẽ xây dựng mức phạt trên thế nào?
- Nếu Dự án Luật được thông qua, chắc chắn Bộ Giao thông - Vận tải sẽ ban hành một quy định về mức phạt khi chậm chuyến, hủy chuyến. Mức phạt này sẽ được tính toán trên cơ sở xem xét các quy định quốc tế và còn phải phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta, cũng như khả năng của các hãng hàng không đang hoạt động ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ xây dựng một mức phạt bảo đảm công bằng cho cả hành khách lẫn các hãng hàng không.
|