Sẽ công khai danh sách các doanh nghiệp cố tình trốn tránh thi hành án
Các Website khác - 13/10/2005
Phòng thi hành án TP Hồ Chí Minh vừa có công văn gửi Bộ Tư pháp và Cục thi hành án dân sự xin chủ trương thực hiện kế hoạch công khai danh sách các doanh nghiệp trốn thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng. Phó Trưởng thi hành án TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lực cho biết:
- Năm 2004, còn đến 800 trên tổng số 1.215 vụ việc kinh tế mà ngành thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh phải tổ chức thi hành chưa thực hiện được.

Qua 6 tháng đầu năm 2005, số việc chưa thực hiện được là 890/1.054, với số tiền phải thi hành án lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Có nhiều trường hợp chưa thi hành được là do doanh nghiệp (doanh nghiệp) phải thi hành án trốn tránh thực hiện phán quyết của tòa.

Nhận định trong thời gian tới, với xu hướng ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp thi hành ánm gia thương trường, thì chắc chắn số vụ việc tranh chấp kinh tế sẽ tăng, kéo theo số lượng việc phải thi hành án không dừng ở mức độ hiện tại.

Vì vậy thi hành án TP Hồ Chí Minh mạnh dạn xin thực hiện việc công khai danh sách các doanh nghiệp chây ỳ, trốn tránh thi hành án để đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án.

- Những đối tượng nào sẽ được đưa vào danh sách công khai, thưa ông?

- Có hai dạng doanh nghiệp sẽ được công khai danh sách. Thứ nhất là các doanh nghiệp đang phải thi hành án, vẫn hoạt động thương mại bình thường nhưng qua xác minh cho thấy không có tài sản, không có tiền trong tài khoản. Thứ hai là các doanh nghiệp không còn tại trụ sở đã đăng ký, không còn hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

- Thi hành án TP Hồ Chí Minh dựa vào cơ sở pháp lý nào để đề xuất việc công khai danh sách?

- Chúng tôi dựa trên nguyên tắc “án xử công khai”, do đó việc thi hành án cũng phải được công khai cho mọi người biết.

Ngoài ra, theo quy định tại điều 34 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 thì thông báo về thi hành án được niêm yết tại địa phương, nơi ở hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, do đó có thể vận dụng quy định này để công khai danh sách các doanh nghiệp trốn tránh thi hành án.

- Theo ông, biện pháp này sẽ mang lại hiệu quả như thế nào?

- Chúng tôi tin rằng việc công khai danh sách này sẽ giúp ngành thi hành án TP Hồ Chí Minh giải quyết dứt điểm một phần việc tồn đọng.

Một khi danh sách được công khai sẽ tạo áp lực khiến các doanh nghiệp phải tự nguyện thi hành án để bảo vệ thương hiệu; đồng thời thi hành án thành phố và thi hành án quận – huyện có thể nhận được thông tin từ người dân về tài sản, tài khoản, các khoản vốn góp vào doanh nghiệp khác mà bên phải thi hành án đang giấu giếm.

Việc thông tin này cũng sẽ cảnh báo các doanh nghiệp khác cần thận trọng khi muốn xác lập quan hệ thương mại với các doanh nghiệp có tên trong danh sách; cũng như gián tiếp nhắc nhở các doanh nghiệp khác tự nguyện thi hành án nếu có bản án, quyết định của tòa án và phán quyết của trọng tài thương mại có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, danh sách được thông tin sẽ là cơ sở góp phần giúp địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về “hậu kiểm” doanh nghiệp, trong lĩnh vực cấp giấy phép đầu tư mới, giấy đăng ký kinh doanh mới, thuế, hải quan…

Thực tế hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động độc lập với nhau, từ đó dẫn đến tình trạng ngành thi hành án cứ phải truy tìm tài sản, tài khoản của các doanh nghiệp này, trong khi các doanh nghiệp cứ thoải mái đến cơ quan chức năng xin bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc tăng vốn đầu tư.

- Việc công khai danh sách được thực hiện như thế nào?

- Danh sách các doanh nghiệp chây ỳ, trốn tránh thi hành án sẽ được công khai trên trang web của Sở Tư pháp/UBND TP Hồ Chí Minh và một số báo khác, đồng thời thông báo trong chương trình “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh.

Nếu được thông qua, ngay trong tháng 10 chúng tôi sẽ tập hợp danh sách doanh nghiệp để thông tin.

Nội dung chúng tôi công khai gồm: tên doanh nghiệp phải thi hành án, trụ sở, tên các thành viên quản trị – sáng lập, tên giám đốc và phó giám đốc; số ngày bản án, quyết định và nơi xét xử, phán quyết; số tiền, tài sản, công việc phải thi hành án; tên và địa chỉ bên được thi hành án; các yếu tố cần thiết khác.

Danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên về tiến độ thực hiện, thêm vào những vụ việc mới phát sinh và loại khỏi danh sách những doanh nghiệp đã thi hành xong.

- Thi hành án TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ gặp khó khăn gì, thưa ông?

- Việc công khai danh sách này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh, đến thương hiệu của doanh nghiệp, do đó có thể chúng tôi sẽ gặp phản ứng của chính các doanh nghiệp có tên trong danh sách và từ Hiệp hội doanh nghiệp.

Chính vì vậy chúng tôi chọn lọc, chỉ công khai danh sách những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không hợp tác với cơ quan thi hành án để thực hiện nghĩa vụ của mình. Còn những doanh nghiệp thật sự gặp khó khăn, đang hoạt động kinh doanh bình thường, cần được hỗ trợ để tiếp tục hoạt động thì chúng tôi sẽ cân nhắc.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Sài Gòn giải phóng