Khuất tất giá đền bù
Hơn 900 hộ dân của huyện Kim Bôi nằm trong diện phải di dời hoặc bị thu hồi một phần diện tích đất để mở đường Hồ Chí Minh. Trước khi thu hồi đất của dân, Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Kim Bôi không thông báo chi tiết dự án cho dân biết, không niêm yết bảng giá đền bù, không công khai chi tiết từng loại đất phải thu hồi... mà cán bộ GPMB đến từng hộ đo đất, đo nhà, đếm cây, yêu cầu các hộ dân ký vào phương án đền bù, không chuyển quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân (kể cả quyết định thu hồi đất chung của xã Cao Dương).
Việc trả tiền đền bù không có phiếu chi, phương án đền bù không có dấu, chữ ký của các bên liên quan. Nhiều hộ dân mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lâu dài nhưng chỉ được nhận tiền đền bù theo giá đất nông nghiệp? Các xã liền kề cùng trên tuyến quốc lộ 21A được mở rộng thành đường Hồ Chí Minh, nhưng mỗi địa phương lại áp dụng một giá đền bù khác nhau. Xã Cao Dương, Tân Thành của huyện Kim Bôi được đền bù 230.000 đồng/m2 đất ở; xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn được đền bù 750.000 đồng/m2 đất ở; xã Cao Thắng được áp giá 360.000 đồng/m2 đất ở. Một số hộ mặc dù không phải dỡ nhà nhưng được nhận tiền hỗ trợ di dời, tiền lán trại, tiền thuê nhà, tiền thưởng tiến độ, thậm chí còn được nhận đất tái định cư... Trong khi đó, rất nhiều hộ phải dỡ nhà, dỡ công trình phụ, chấp hành tốt chính sách lại không được hưởng chế độ ưu đãi. Những bất hợp lý trên đã khiến một số hộ dân kiên quyết không bàn giao mặt bằng. Vì thế, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua huyện Kim Bôi vẫn tồn tại nút "cổ chai".
Tại nhà anh Lê Văn Dũng (một trong những hộ không bàn giao mặt bằng), trú thôn Quèn Chùa, xã Cao Dương. Ba anh em anh Dũng được thừa kế 1.180m2 đất. Khi Hội đồng GPMB lên phương án đền bù, hai người em trai anh Dũng là Lê Đức Cường và Lê Đức Thịnh được bồi thường với đơn giá 230.000 đồng/m2, số diện tích còn lại của anh Dũng chỉ được đền bù 14.700 đồng/m2 (mặc dù mảnh đất của anh Dũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lâu dài). Anh Dũng là sĩ quan quân đội, thời điểm lập phương án đền bù, đang thực hiện nghĩa vụ tại quần đảo Trường Sa, vợ con phải sang ở nhà bà ngoại tại Quảng Ninh. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại đảo, anh Dũng về nhà và gửi đơn khiếu nại đi khắp nơi nhưng đến nay vẫn không có cấp nào giải quyết.
Khi người dân đến UBND huyện khiếu nại về khuất tất này thì huyện giải thích vòng vo. Người dân lên tỉnh được giới thiệu về huyện, lên Bộ Tài nguyên Môi trường hỏi lại được giới thiệu về tỉnh! Trong khi xác minh tại xã Cao Dương, chúng tôi còn nhận được nhiều thông tin liên quan đến những khuất tất trong việc cấp đất tái định cư. Điển hình là hộ ông Nguyễn Đức Tính, cán bộ xã Cao Dương. Mặc dù chưa được chia đất tái định cư nhưng ông Tính đã ngang nhiên san lấp một khu ruộng canh tác, xây dựng ngôi nhà hai tầng rộng hơn 200m2 (chưa kể diện tích sân và đường đi).
Ông Nguyễn Văn Hướng, chủ tịch UBND xã Cao Dương cho biết, mảnh đất đó xã tạm giao, ông Tính xây nhà, lấp ruộng làm đường đi là sai. Sai phạm đã rõ ràng như vậy nhưng đến nay, ngôi nhà của ông Tính vẫn sừng sững ven đường quốc lộ như thách thức pháp luật.
Biết sai vẫn làm
Ông Bùi Văn Lập - Phó chủ tịch UBND huyện Kim Bôi kiêm chủ tịch hội đồng GPMB huyện nói: "Tôi mới được đề bạt làm phó chủ tịch nên việc này không rõ lắm" (mặc dù trước đó ông Lập là thành viên Hội đồng GPMB huyện từ những ngày đầu có dự án).
Ông Quách Tân Thản - Phó chủ tịch Hội đồng GPMB cho biết, việc áp giá đền bù căn cứ vào quyết định số 21 của UBND tỉnh Hòa Bình. Nhưng do sơ suất của một cán bộ trong Hội đồng GPMB "ghi nhầm" hạng đất nên người dân hiểu sai! Còn việc không có phiếu chi, không đưa quyết định thu hồi đất và một số văn bản khác xuống cho dân thì ông Thản cho rằng đây là lần đầu tiên có dự án đền huyện Kim Bôi nên khó tránh khỏi thiếu sót, bên cạnh đó để hoàn thành GPMB đúng tiến độ nên các cán bộ Hội đồng GPMB không đủ thời gian hoàn thiện hồ sơ.
Ông Thản nói: "Ai muốn lấy phương án đền bù, phiếu chi, lên huyện chúng tôi cho ngay... Chúng tôi không nghĩ là người dân sẽ thắc mắc!". Nhưng khi chúng tôi đề nghị được xem một số phương án đền bù của dân thì ông bảo đã nộp hồ sơ về Sở Tài chính để xem xét, chỉnh sửa. Theo ông Thản, cả huyện Kim Bôi có hơn 900 hộ thuộc diện giải tỏa và bị ảnh hưởng, tổng số tiền đền bù lên tới 38 tỷ đồng, hiện đã chi trả hơn 36 tỷ đồng. Số tiền hơn 36 tỷ đồng được đem ra chi trả mà không có một phiếu chi như vậy là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tài chính. Những trường hợp khi ký vào phương án đền bù thì một giá, còn thực nhận lại ít hơn - ông Thản lập luận: "Sau khi người dân ký vào phương án đền bù, Hội đồng GPMB đem photo tờ phương án này gửi lên Sở Tài chính thẩm định, nếu có thiếu sót gì Sở Tài chính chỉnh sửa luôn rồi gửi đến các đơn vị liên quan, cuối cùng là chuyển tiền đền bù xuống dân. Chính vì vậy, một số hộ được nhận tiền ít hơn phương án đền bù đã ký trước đó". Số tiền hụt ấy, người dân không biết lý do tại sao và cho đến nay họ vẫn chưa nhận được một lời giải thích rõ ràng.
Ông Thản hoàn toàn đồng ý với những thắc mắc của người dân trong việc nhận tiền thưởng tiến độ, tiền hỗ trợ di dời... (chính ông ký tên và đóng dấu vào đơn khiếu nại của dân). Ông Thản cho biết, năm 2004, tỉnh Hòa Bình ra quyết định hỗ trợ 1,6 tỷ đồng cho hơn 200 hộ (huyện đã trả tiền hỗ trợ theo quyết định này cho một số hộ), nhưng đến khi chuyển quyết định lên Ban quản lý dự án thì chỉ có 80 hộ được duyệt. Hiện nay, chính UBND huyện cũng không biết phải xử lý thế nào vì đã trót ghi vào phương án đền bù mục tiền hỗ trợ mà không được Ban quản lý dự án duyệt chi.
Ngày 4-4-2005, Ban quản lý dự án có Công văn số 79 nêu rõ: Sau khi kiểm tra danh sách các nhà được hưởng tiền hỗ trợ, Ban quản lý dự án nhận thấy có một số hộ dân nằm ngoài cọc GPMB vẫn được hỗ trợ nhà tạm là chưa đúng với chủ trương đã thống nhất giữa Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh Hòa Bình.
Thưởng tiến độ cũng là chuyện dở khóc dở cười. Hội đồng GPMB thông báo với dân: Hộ nào bàn giao mặt bằng sớm sẽ được thưởng 2 triệu đồng. Để được nhận tiền thưởng tiến độ, mỗi hộ dân phải bỏ ra 15.000 đồng chụp ảnh, làm hồ sơ chứng minh đã tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng đúng ngày quy định gửi lên Hội đồng GPMB nhưng đến khi lĩnh tiền đền bù, hầu hết người dân bị trừ 2 triệu đồng mặc dù họ vẫn phải ký nhận phương án đền bù có ghi rõ cả khoản tiền thưởng tiến độ.
Những khuất tất trong vụ việc nêu trên cần được các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình sớm làm sáng tỏ.
|