Hỏi: Đối với những cá nhân và tập thể có hành vi sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để làm giống thì sẽ bị xử phạt hành chính ra sao?
(Hoàng Thị Thủy, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên)
Trả lời: Vấn đề trên được quy định tại Nghị định 129/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, cụ thể như sau:
Phạt từ 500.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:
- Sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để làm giống:
- Sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y, Danh mục chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, chữa bệnh cho động vật, sử dụng nguyên liệu làm thuốc để phòng, chữa bệnh cho động vật không theo đúng quy định.
- Phạt gấp 2 lần mức phạt theo các quy định nêu trên nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức chăn nuôi động vật tập trung.
....................................................
Những quy định liên quan đến phiên tòa xét xử trẻ vị thành niên
Hỏi: Cháu tôi đang ở độ tuổi vị thành niên, vừa qua bị bắt về một tội liên quan đến ma túy. Xin hỏi việc xét xử một vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên có gì khác so với người đã thành niên không?
(Thế Hiền, Hà Tĩnh)
Trả lời: Nói chung, việc xét xử vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục xét xử áp dụng chung đối với tất cả các vụ án hình sự. Tuy nhiên, điều 307 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định ba điểm khác biệt chỉ áp dụng đối với bị cáo là người chưa thành niên đó là:
- Thành phần Hội đồng xét xử bắt buộc phải có một hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ đoàn thanh niên:
- Đối với các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên, nếu thấy cần thiết thì Tòa án có thể quyết định xử kín;
- Khi xét xử vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên thì Tòa án không bắt buộc trong mọi trường hợp phải áp dụng hình phạt. Nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với bị cáo thì căn cứ vào tính chất của tội phạm và đặc điểm nhân thân của bị cáo chưa thành niên, Tòa án có thể quyết định áp dụng một trong hai biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa sau đây: giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 1 đến 2 năm hoặc đưa vào trường giáo dưỡng từ 1 đến 2 năm.
....................................................
Di sản dùng vào việc thờ cúng
Hỏi: Tôi được cha mẹ để lại di chúc cho quyền thừa hưởng một căn nhà để thờ phụng ông bà, có công chứng tại địa phương. Các anh em ruột của tôi không đồng tình, muốn bán nhà để chia. Đòi hỏi của các anh em tôi có chính đáng không?
(Phan Tam, TP Hồ Chí Minh)
Trả lời:
1. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản cho người thừa kế hoặc để lại di sản để thờ cúng và chỉ định người quản lý di sản thờ cúng theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế.
Tại Điều 673 Bộ Luật Dân sự quy định di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
- Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế, thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng, thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết, thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
- Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó, thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Như vậy, nếu trong di chúc cha mẹ bạn đã quyết định để căn nhà dùng vào việc thờ cúng và chỉ định bạn là người quản lý di sản (căn nhà) để thờ phụng ông bà thì các anh em của bạn không có quyền yêu cầu bán nhà để phân chia thừa kế.
2. Căn cứ vào di chúc của cha mẹ bạn để lại, bạn có quyền tiến hành thủ tục khai trình di sản thừa kế theo di chúc của cha mẹ bạn.
Khi có tranh chấp sẽ phải do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo pháp luật như đã nêu ở trên.
|