Thẩm phán có xu hướng 'khoán' thư ký quản lý hồ sơ án
Các Website khác - 03/12/2005
Ngành tòa án thành phố đang nỗ lực đẩy lùi tiêu cực.

Tại hội thảo phòng ngừa tiêu cực trong ngành tòa án TP HCM, hôm qua, Chánh tòa dân sự, TAND thành phố Dương Bửu Chánh cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tệ tham nhũng trong ngành là do thẩm phán có khuynh hướng khoán việc quản lý hồ sơ vụ án cho thư ký.

Theo ông Chánh, thực tế, thư ký thường tự tiến hành các hoạt động tố tụng như lấy lời khai, đối chất, tiến hành các hoạt động định giá, kê biên tài sản, xác minh và tống đạt các văn bản của tòa... Còn công việc của thẩm phán chủ yếu là nghiên cứu hồ sơ, lên kế hoạch giải quyết, tham gia hòa giải và ngồi chủ tọa phiên tòa. Hậu quả là thẩm phán không nắm vững hồ sơ vụ án, không nắm bắt được các hoạt động của thư ký, dễ tạo cơ hội cho những tác động tiêu cực từ phía đương sự, kẻ môi giới, móc ngoặc tìm cách mua chuộc thư ký, thẩm phán...

Còn theo ông Phan Tánh, Phó chánh án TAND thành phố, quan điểm chủ quan và sự thiếu bản lĩnh của cán bộ, công chức trong ngành trước cám dỗ của tiền tài, vật chất thời kinh tế thị trường là nguyên nhân cơ bản dẫn tới tệ nạn này.

Cũng theo ông Tánh, 5 năm qua, ngành tòa án thành phố đã có 12 cán bộ, công chức sai phạm, bị xử lý. Ngoài 2 trường hợp vi phạm về nghiệp vụ, số còn lại đều có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, đòi tiền hoặc nhận quà đương sự của các vụ án mà các cán bộ này đang thụ lý. Trong đó, có 3 thư ký -1 người của TAND quận Bình Thạnh là Trương Ngọc Hạnh, 2 người của TAND TP HCM là Bùi Thanh PhúNguyễn Huỳnh Tú Anh, 2 thẩm phán của TAND TP HCM - Võ Trọng HiếuNguyễn Thị Hường, đã bị truy tố và đưa ra xét xử với các tội "môi giới hối lộ", "nhận hối lộ", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản".

Gần đây nhất là trường hợp thư ký Phan Đăng Dũng nhận 110 triệu đồng của đương sự với hứa hẹn "giúp đỡ". Dũng đã bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi "nhận hối lộ". Ngoài ra, qua xác minh đơn thư của đương sự, lãnh đạo tòa đã quyết định chuyển công tác 2 cán bộ có dấu hiệu sai phạm, bị tố cáo đã nhận tiền, quà của đương sự sang vị trí khác...

Trưởng ban liên lạc Hội thẩm nhân dân của TAND quận Phú Nhuận, cũng nhận xét, trong 826 cán bộ, 12 công chức của ngành tòa án vi phạm là một con số rất lớn. Ngành tòa án là cơ quan duy nhất ra quyết định cuối cùng đối với 1 vụ việc liên quan tới luật định. Vì vậy, lãnh đạo ngành càng tổ chức quản lý chặt chẽ thì càng hạn chế được tiêu cực. Tuy nhiên, không gì chặt chẽ hơn bằng chính cán bộ công chức phải tự mình đấu tranh và quản lý chính mình.

Trưởng ban liên lạc Hội thẩm nhân dân của TAND Phú Nhuận, phản ánh thêm, đời sống vật chất của cán bộ tòa án hiện chưa được đảm bảo. Đồng lương, thu nhập, trợ cấp cho ngành tòa án là quá lạc hậu khiến "sức đề kháng" của cán bộ yếu đi. "Nhưng nguyên nhân chính của sự tham nhũng là nhận thức chủ quan của cán bộ, công nhân viên trong ngành và sau đó nữa là lòng tham, không kìm chế được bản thân, để sa ngã trước sự cám dỗ của đồng tiền", ông này nói.

Đề xuất các giải pháp nhằm phòng ngừa tiêu cực trong ngành, bà Bích Thủy, Chánh án TAND quận Bình Thạnh cho rằng, cán bộ, công chức ngành tòa án nên thường xuyên bàn bạc tập thể về các vụ án phức tạp, nhằm ngăn ngừa tư duy chủ quan của thẩm phán hoặc cán bộ khác vì động cơ tiêu cực dẫn đến xét xử không đúng. Ban lãnh đạo ngành tòa án thành phố cần giải quyết tốt về đơn thư khiếu nại, đó như là biện pháp đầu tiên để ngăn ngừa, chấn chỉnh sai phạm của cán bộ có thể xảy ra.

Ông Mai Xuân Bình, Chánh án TAND quận 1, đưa ra giải pháp mà quận này đã áp dụng hiệu quả là lãnh đạo tòa "xin số điện thoại của các cán bộ địa phương trên địa bàn, để khi cần có thể gọi kiểm tra việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ của cán bộ tòa có đúng pháp luật không, có hành vi tiêu cực để làm sai lệch hồ sơ vụ án không". Ông Bình cũng cho biết, tòa án quận 1 niêm yết công khai quy trình giải quyết từng loại án, thủ tục khởi kiện, án phí, lệ phí từng loại án, lịch xét xử... cho đương sự theo dõi, thậm chí tòa còn phục vụ cả sách báo, nước uống cho đương sự.

Nguyễn Hải