Sự thật của những cổ phiếu "lãi ròng"
Các Website khác - 29/03/2006
Ngày 21-3, Phòng CSĐT, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lý Thị Trúc Quỳnh về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Thông qua việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu của một số ngân hàng trên thị trường "chợ đen", từ tháng 12-2004 đến tháng 1-2006, Quỳnh đã lừa đảo tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng.
Mua đắt, bán rẻ

Lý Thị Trúc Quỳnh (SN 1978), Trưởng phòng Khu vực 9, Công ty CP Bảo hiểm Bảo Minh, ĐKHK tại 26 ngõ 45 Phan Đình Phùng, Ba Đình, hiện ở 10b đường Hỏa Lò, xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Đầu tháng 12-2005, lợi dụng việc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) chuẩn bị phát hành trái phiếu tăng vốn để sắp tới cổ phần hóa, Lý Thị Trúc Quỳnh (Lý Quỳnh) đã tung tin với nhiều người là mình đang có nguồn mua 12 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu VCB với giá rất hấp dẫn, chỉ bằng 80-85% mệnh giá trái phiếu: Lý Quỳnh "rỉ tai" sở dĩ mua được giá rẻ như vậy bởi đây là "suất" của các cán bộ trong ngân hàng được mua với giá ưu đãi. Nhưng người mua phải chuyển tiền trước cho Quỳnh để trả cho người bán và đến 26-12-2005 sẽ giao trái phiếu. Sau đó, Lý Quỳnh thông qua chị Lê Thị Trúc Quỳnh (Lê Quỳnh) và anh Nguyễn Anh Dũng - cán bộ Công ty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện Hà Nội thu tiền của 8 người có nhu cầu mua trái phiếu VCB với số tiền 9,088 tỷ đồng để mua số trái phiếu VCB có mệnh giá 9,706 tỷ đồng.

Cho đến giữa tháng 1-2006, Lý Quỳnh vẫn không giao trái phiếu cho mọi người như đã hứa hẹn. Bị đòi rát, Lý Quỳnh đã mua trên thị trường tự do 1,3 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu VCB với giá bằng 150% mệnh giá để trả cho khách hàng nhằm "xoa dịu" tình hình. Cùng thời điểm này, nắm được nhu cầu mua bán cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần đang tạo nên "cơn sốt ảo" trên thị trường giao dịch chứng khoán tự do, Lý Quỳnh tiếp tục tung tin với Lê Quỳnh có lô cổ phiếu mệnh giá 11 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại Phương Nam (PNB) bán với giá 1.0 (bảng 11 tỷ đồng), trong khi đó giá cổ phiếu của PNB trên thị trường đang có giá 1.73-2.0 đồng. Nếu muốn mua phải chuyển ngay cho Quỳnh 12,1 tỷ đồng gồm tiền mua cổ phiếu và 10% tiền đặt cọc.

Bằng thủ đoạn trên, từ ngày 16-12-2005 đến 17-1-2006, Lý Quỳnh đã thu tiền của 15 người với tổng số 13,516 tỷ đồng. Để tạo lòng tin đối với mọi người, Lý Quỳnh ra thị trường tự do mua 2,6 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu PNB với giá từ 2.55 đến 3.0 so với mệnh giá tương đương số tiền 9,055 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt 4,461 tỷ đồng. Ngay trong số cổ phiếu PNB mệnh giá 2,6 tỷ đồng đã giao cho khách hàng, Lý Quỳnh còn nợ người bán số tiền 1,350 tỷ đồng.

Trong khi các "con nợ" đang ráo riết tìm Lý Quỳnh để đòi tiền, đòi trái phiếu thì giữa tháng 1-2006, Lý Quỳnh lại tung tin bản thân đang nắm lô cổ phiếu mệnh giá 5 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP nhà Hà Nội (Habubank - HBB) bán với giá 2.0, trong khi đó trên thị trường giá cổ phiếu của HBB thời điểm đó là 2.5. Với thủ đoạn trên, Lý Quỳnh đã thu số tiền 2,540 tỷ đồng của 6 người và dùng để trang trải nợ nần.

Cơ quan điều tra cũng làm rõ ngoài công tác chính là Trưởng phòng KV9 - Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Hà Nội, tháng 5-2005 Lý Quỳnh còn thành lập Công ty TNHH Phát triển viễn thông Phương Linh, thuê Nguyễn Mạnh Cường làm Giám đốc. Tuy nhiên, trên thực tế, vị giám đốc thuê này chỉ có nhiệm vụ làm tài xế chở Quỳnh đi giao dịch, "lòe" thiên hạ trong các phi vụ lừa đảo. Công ty Phương Linh chỉ hoạt động kinh doanh điện thoại di động Nokia mua từ Công ty phân phối FPT và thẻ cào Vinacard mua của một số cá nhân. Lý Quỳnh đã mua của Công ty FPT số điện thoại di động trị giá trên 26 tỷ đồng và mua thẻ cào Vinacard trị giá hơn 33 tỷ đồng nhưng ngay sau đó, Quỳnh đã bán rẻ số hàng trên (lỗ tổng cộng 11 tỷ đồng) để lấy tiền trả nợ và ăn tiêu.

Như vậy, tổng số tiền mà Lý Quỳnh đã thu của mọi người lên tới 32,600.662 tỷ đồng, sau đó dùng tiền của người cho vay sau để trả cho người cho vay trước 17,875.690 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt 14,724.972 tỷ đồng sử dụng cá nhân.

Cảnh báo về loại tội phạm mới

Theo khai nhận của Lý Thị Trúc Quỳnh, để gây lòng tin với mọi người, Quỳnh đã dùng số tiền do lừa đảo để mua sắm một xe ô-tô BMW X5 trị giá 125.000 USD và một ô-tô Mercedess CLS 500 với giá 135.000 USD. Bản thân Lý Thị Trúc Quỳnh cũng "tự thưởng" gần 2 tỷ đồng trong số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân để mua sắm quần áo, đồ trang sức, son phấn, giày dép cho riêng mình. Cho đến khi Quỳnh bị "lộ mặt" vẫn còn nợ khoảng 100 triệu đồng tiền thời trang. Các chủ hàng đến nhà Quỳnh đòi nợ đành ngậm ngùi thu lại một số bộ quần áo trị giá hàng nghìn USD mà trước đó đã được chủ nhân của nó vung tiền không cần suy nghĩ.

Không chỉ thế, "siêu lừa" này còn tỏ ra rất hào phóng khi mua nhũng món quà đắt tiền, đồ hiệu để tặng mọi người. Riêng trong dịp Tết 2006, Quỳnh bỏ ra 245 triệu đồng để mua hoa, cây cảnh, đá phong thủy tặng cho các "nạn nhân". Có lần, một người góp số tiền lớn cho Quỳnh "làm ăn" rất hỉ hả khi chỉ sau một tháng bỏ tiền ra đã được Lý Thị Trúc Quỳnh mang chiếc xe máy SH đến trao, nói là "tiền lãi" từ phi vụ làm ăn. Nhưng đến khi sự việc vỡ lở Lý Thị Trúc Quỳnh trừ béng món quà ấy vào tiền nợ.

Từ vụ án trên cho thấy hoạt động buôn bán cổ phiếu hiện nay trên thị trường "chợ đen" rất sôi động, thậm chí phát triển mạnh hơn cả thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức. Nguyên nhân của hiện tượng trên, theo các chuyên gia lạ do những doanh nghiệp lớn chưa tham gia thị trường chứng khoán có tổ chức bởi theo Nghị định 144/CP của Chính phủ quy định những doanh nghiệp muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán phải hội đủ một số điều kiện như doanh nghiệp hoạt động phải có lời, phải có số lượng lớn nhà đầu tư nắm giữ cổ phần; tuân thủ nguyên tắc chịu sự kiểm toán của cơ quan kiểm toán độc lập và mọi hoạt động của doanh nghiệp phải được công bố công khai, minh bạch. Trong khi đó buôn bán chứng khoán ở thị trường "chợ đen" không bị kiểm toán, việc mua bán cổ phiếu chưa bị điều chỉnh bởi văn bản pháp luật nào, lợi nhuận thu được rất lớn từ hoạt động này cũng chưa phải chịu nộp khoản thuế nào; giá cả do hai bên tự thỏa thuận. Do không có trung tâm giao dịch nên đã xuất hiện một đội ngũ "cò", đầu cơ lòng vòng, tạo nhu cầu "ảo" để đẩy giá lên cao bán kiếm lời. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tình hình này để hoạt động phạm tội.

Theo An ninh thủ đô