Thủ đoạn trốn thuế biến tướng từ hàng xách tay
Các Website khác - 28/11/2005
Ai đã từng ra nước ngoài đều biết rõ về hàng xách tay chủ yếu là quà của người thân ở nước ngoài gửi về hay quà biếu khi đi du lịch, công tác... Lợi dụng việc này, một số người đã "cải trang" và "phân nhỏ lẻ" để được coi là hàng xách tay, nhưng thực chất đây là một kiểu buôn lậu trá hình.
Qua cuộc điều tra của hãng Sony ở Việt Nam cho thấy đối với sản phẩm kỹ thuật số là mặt hàng chính hãng của sản phẩm tại thị trường nội địa chỉ chiếm hơn 30%; còn lại là hàng xách tay, hàng lậu, hàng trốn thuế... không có chứng từ hóa đơn. Tuy vậy, tất cả các loại hàng "không chính hãng” nói trên khi giới thiệu cho người tiêu dùng, giới kinh doanh đều cho rằng đây là hàng xách tay và được tiêu thụ rất mạnh vì vừa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng vừa cạnh tranh với hàng chính hãng, nhất là giá lại rẻ. Chẳng hạn, máy ảnh kỹ thuật số giá chính hãng là 8.900.000 đồng/chiếc trong cùng một cửa hàng thì hàng xách tay cùng loại trên được chào bán chỉ có 7 triệu đồng/chiếc.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám sát Phòng Thương mại hãng Sony cho biết: "Với những sản phẩm không phải chính hãng thì khách hàng dễ bị mắc lừa vì mua hàng cũ đã "mông má" lại. Chất lượng máy không bảo đảm, thiết bị hư hỏng do va đập trong quá trình vận chuyển". Còn với mặt hàng điện thoại di động (ĐTDĐ), thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường hay sử dụng để tránh sự kiểm tra - kiểm soát của các lực lượng chức năng là tháo rời thành từng bộ phận nhằm dễ dàng vận chuyển qua đường hàng không, đường bộ và đường biển. Tuy nhiên với thủ đoạn này sau khi lắp ráp lại ĐTDĐ thì các bộ phận bên trong thường bị hư hỏng.

Hướng vào đối tượng thích dùng hàng xách tay là giới trẻ thích thời trang và sành điệu nên các mặt hàng xách tay mà các cửa hiệu quảng cáo thường là hàng có giá trị cao: nước hoa, mỹ phẩm, giày dép, túi sách... gắn made in England, France, USA...; nhưng giá lại chỉ bằng 1/3 hay nửa giá trị hàng thật nên rất có sức thu hút - hấp dẫn với đông đảo người tiêu dùng.

Mặc dù yếu tố bắt buộc đối với sản phẩm ngoại nhập khi lưu hành trên thị trường nước ta phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, trong đó ghi đầy đủ các thông tin về thành phần, công dụng, xuất xứ, ngày sản xuất, thời gian sử dụng nhưng hàng xách tay tuyệt nhiên không có điều này nên hậu quả đối với người tiêu dùng là sau khi sử dụng hàng xách tay mới biết là hàng dởm, hàng nhái!

Với nhu cầu sử dụng hàng hiệu ngày càng cao của người tiêu dùng thì hàng xách tay quả là thị trường khá "béo bở" đối với giới kinh doanh. Nhưng thực tế là hàng xách tay hiện đã và đang là hành vi trốn thuế biến tướng của hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả đang tràn ngập thị trường ở khắp các tỉnh, thành phố, gây hậu quả làm rối loạn thị trường nội địa, thất thu tới hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.

Sáu tháng đầu năm 2005, lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối họp với công an và các ngành chức năng phát hiện 1.777 vụ vi phạm, trong đó có đến 1.517 vụ vi phạm vận chuyện tàng trữ và kinh doanh hàng hóa gian lậu.

Thiết nghĩ để ngăn chặn tình trạng hàng xách tay đang lan rộng ra thị trường nội địa thì ngoài sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các ngành Công an, Hải quan, Quản lý thị trường ở các địa phương thì người tiêu dùng trong nước cần phải cảnh giác, không tiêu thụ những hàng hóa không có nhãn phụ tiếng Việt để khỏi "tiền mất tật mang” cũng như không “tiếp tay” cho kẻ buôn lậu trục lợi "rút ruột mình".

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam