Thủ tục hành chính tại cảng biển sẽ thông thoáng, thuận tiện hơn
Các Website khác - 24/03/2006
Kể từ ngày 24-3, Công ước về tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế (Công ước FAL 65) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Nhân sự kiện này, ông Trần Thanh Minh - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã cho biết về một số vấn đề liên quan.
* Ông có thể cho biết khái quát về mục đích điều chỉnh của Công ước FAL 65?

- Công ước do Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thông qua ngày 9-4-1965, có hiệu lực từ ngày 5-3-1967 và đã qua 10 lần sửa đổi. Đến ngày 24-3-2006 đã có 105 quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam).

Mục đích điều chỉnh của công ước là nhằm tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế bằng việc đơn giản hóa quy trình và giảm thiểu các loại giấy tờ, tài liệu liên quan tới thủ tục khai báo khi đến, lưu lại và rời cảng đối với tàu biển hoạt động tuyến quốc tế.

Công ước đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng tại cảng và áp dụng thống nhất mẫu các loại giấy tờ khai báo với việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin.

* Thưa ông, vậy việc gia nhập Công ước FAL 65 sẽ đem lại lợi ích gì cho Việt Nam?

- Với lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện phát triển kinh tế biển, hệ thống cảng biển Việt Nam là "đầu mối", vừa là "cầu nối" quan trọng của nước ta với thế giới cũng như khu vực. Thủ tục hành chính tại cảng biển càng thông thoáng, thuận tiện thì hoạt động hàng hải, thương mại, du lịch,... càng có điều kiện thuận lợi để phát triển, hội nhập.

Hiện nay, tại nhiều cảng biển của các nước đều đã áp dụng chế độ "một cửa" trong giải quyết thủ tục thông quan tàu, hàng hóa, thuyền viên, hành khách khi đến, rời cảng. Có nước đã áp dụng phương thức xử lý thủ tục "không giấy tờ" bằng việc sử dụng kỹ thuật xử lý số liệu qua ứng dụng hệ thống mạng công nghệ thông tin máy tính. IMO cũng khuyến khích các nước sử dụng phương thức này, nếu bằng giấy tờ thì áp dụng mẫu thống nhất theo quy định của Công ước.

Việc nước ta gia nhập Công ước không những góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước và nâng cao uy tín quốc gia, mà còn đáp ứng mục tiêu của Chương trình cải cách hành chính nhà nước.

* Thời gian qua, thủ tục hành chính tại các cảng biển đã được cải cách khá nhiều. Phải chăng đây là động thái chuẩn bị để "đón nhận" Công ước FAL 65?

- Để gia nhập Công ước, chúng ta đã chủ động chuẩn bị các công việc liên quan từ gần năm năm nay. Đầu tiên là Đề án cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển do Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm tại năm cảng biển lớn (TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng và Quảng Ninh). Kết quả thí điểm của Đề án đã chính thức được áp dụng thống nhất tại tất cả các cảng biển của nước ta theo Nghị định số 160/2003/NĐ-CP ngày 18-12-2003 của Chính phủ. Nghị định đã vận dụng sát với thực tiễn của Việt Nam các nội dung liên quan của Công ước như: hình thành cơ chế "một cửa", thiết lập đầu mối hệ thống mạng công nghệ thông tin máy tính, giảm thiểu tối đa các loại giấy tờ, vận dụng thống nhất các mẫu biểu khai báo, xoá bỏ một số thủ tục không cần thiết, gây phiền hà.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt nội dung của Nghị định và bước đầu đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, được IMO và các nước đánh giá cao, doanh nghiệp trong nước đồng tình ủng hộ. Đây là điều kiện thuận lợi ban đầu làm cơ sở để chúng ta tổ chức thực hiện Công ước trong thời gian tới.

* Tới đây, chúng ta cần làm gì để triển khai thực hiện hiệu quả Công ước này, thưa ông?

- Công việc sẽ không ít và liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhưng việc cần làm đầu tiên đó là tập trung rà soát để kịp thời sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật về hàng hải, thương mại, hải quan, biên phòng, kiểm dịch, du lịch và các ngành, lĩnh vực khác phù hợp với nội dung điều chỉnh của Công ước.

Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư phương tiện, thiết bị cần thiết và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng vi tính, tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan chức năng tại cảng. Những hạn chế này đang là khó khăn đặt ra đối với chúng ta trong việc tổ chức thực hiện công ước sắp tới.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Công an nhân dân