Xử nghiêm việc nhập các container rác thải công nghiệp
Các Website khác - 24/03/2006
Dư luận chưa hết bức xúc trước vụ nhập khẩu trái phép các container ắc-quy chì vào nước ta qua cảng Hải Phòng thì mới đây, ngày 21-3, khi tiến hành mở kiểm tra 46 container chứa thiết bị văn phòng đã qua sử dụng được nhập về cảng Hải Phòng, lực lượng chức năng lại phát hiện hàng hóa trong các container này là rác thải công nghiệp.
Ông Nguyễn Sĩ Tráng, Ðội trưởng Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết: 46 container (loại 40 phít) này được nhập từ Hồng Công về cảng Hải Phòng cuối năm 2005. Xét thấy việc vận chuyển các lô hàng này có dấu hiệu nghi vấn, Cục Hải quan Hải Phòng đã phối hợp Cục Ðiều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Công an Hải Phòng xác minh nguồn gốc. Số container này chia thành 18 lô hàng, được khai là thiết bị văn phòng đã qua sử dụng, đơn vị đứng tên làm dịch vụ là Công ty TNHH Liên Quốc, địa chỉ tại 169B Lê Thánh Tông, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng), song đến nay vẫn không có chủ hàng nhận. Ðể bảo đảm quản lý Nhà nước về hải quan và các quy định của pháp luật, Cục Hải quan Hải Phòng đã ra quyết định kiểm tra toàn bộ số hàng nêu trên.

Trong ngày 21-3, Ðội kiểm soát Hải quan phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra lô hàng bốn container trong số 46 container nói trên, kết quả đây là khay giấy máy photocopy, máy in kim, máy in laser đã tháo nhiều bộ phận bên trong; bóng hình và máy thu hình, điện thoại cố định... hầu hết đều đã cũ,nhiều chiếc vỏ bị vỡ, giập nát. Sơ bộ, các cơ quan chức năng nhận định, đây là chất thải được loại bỏ từ thiết bị văn phòng đã qua sử dụng.

Tiếp đó, ngày 22-3, đoàn kiểm tra tiếp tục mở hai container trong lô hàng thì một container chứa bản vi mạch điện tử, còn container kia là máy thu hình nguyên chiếc cỡ lớn (30-45 inh), đều đã qua sử dụng. Trong ngày 23-3, container thứ bảy được kiểm tra, kết quả cũng chỉ là "chất thải từ thiết bị văn phòng". Theo đại diện của Công ty TNHH Liên Quốc, công ty chỉ là đại lý vận tải và giao nhận, không biết chủ hàng là ai, và họ có thể sẽ không đòi được cước phí vận chuyển và phí tổn lưu kho bãi.

Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, công việc kiểm tra và điều tra xác minh vụ việc vẫn tiếp tục, chỉ đến khi hoàn tất việc kiểm tra, làm rõ toàn bộ 46 container nêu trên chứa hàng hóa gì mới có thể xác định được hành vi, đưa ra kết luận và hướng giải quyết cuối cùng. Trước mắt, các đơn vị liên quan đang xúc tiến việc kiểm tra, cố gắng hoàn thành cuối tuần tới. Tùy theo mức độ vi phạm, có thể khởi tố hình sự hoặc xử phạt hành chính ở mức cao nhất.

Theo Nghị định 138/NÐ-CP, mức phạt cao nhất là 70 triệu đồng/lần vi phạm, thực tế ít doanh nghiệp bị xử phạt ở mức này. Mức xử phạt như trên là tương đối nhẹ, chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm. Theo một số cơ quan bảo vệ môi trường, Nhà nước cần có chế tài mạnh hơn để xử lý, ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Với loại hàng hóa là rác thải công nghiệp, trong mọi trường hợp đều bị buộc tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nếu như không tìm ra người nhận, các cơ quan chức năng sẽ buộc Công ty TNHH Liên Quốc chịu trách nhiệm liên hệ với chủ hàng phía bên kia để tái xuất trở lại.

Ngày 23-3, UBND thành phố Hải Phòng đã có công văn 1496/UBND - MT về xử lý 46 container trên, yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng xác định rõ trách nhiệm của các chủ phương tiện vận chuyển, chủ hàng hoặc đại lý giao hàng đã vận chuyển trái phép chất thải vào nước ta, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, kiên quyết buộc vận chuyển số chất thải trên quay về nơi xuất phát và hoàn thành trước ngày 20-4, đồng thời, giao Sở Tài nguyên - Môi trường căn cứ thẩm quyền theo quy định chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc việc xử lý.

QUANG HƯNG