Tiền thất thoát đủ trả lương cho bộ máy hành chính cả nước?
Các Website khác - 11/11/2005
Cọc 86 bị “rút ruột” ở công trình
nhà A2, Kim Giang.
“Hằng năm, số tiền đầu tư cho xây dựng cơ bản (XDCB) khoảng 100.000 tỷ đồng. Nếu tỷ lệ tham nhũng, tiêu cực, thất thoát là 30% thì số tiền bị mất lên đến 30.000 tỷ đồng. Số tiền đó rất lớn, có thể đủ trả lương cho bộ máy hành chính, sự nghiệp của cả nước”.
Đó là phát biểu trong phần tham luận của Thượng tá Nguyễn Đức Long, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ CA TP Hà Nội tại hội thảo khoa học “Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong xây dựng cơ bản - thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”, do Bộ Công an tổ chức sáng 10-11 tại Hà Nội.

Cũng theo ông Long, bên cạnh thiệt hại về tiền, tham nhũng, tiêu cực, thất thoát trong đầu tư XDCB về nhà còn để lại những hậu quả khôn lường về chất lượng công trình, nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng con người. Thượng tá Long đưa dẫn chứng vụ thi công cọc khoan nhồi nhà A2 Kim Giang (Hà Nội) của Công ty Cổ phần xây dựng số 1 Vinaconex, có hạng mục thất thoát lên đến 50%.

Cùng chung quan điểm với Thượng tá Long, TS Nguyễn Thanh Hoá - Trưởng phòng 5 - Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) Bộ Công an cho biết: Thất thoát, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư. Đây không phải con số “vu vơ” mà là ước tính của các nhà nghiên cứu kinh tế và quản lý.

Liên hệ với thực tế một số vụ án, Thượng tá Nguyễn Trọng Long – Trưởng phòng 6 C15 cũng khẳng định, thất thoát trong XDCB phổ biến ở mức 10 – 40%.

Khâu nào cũng “có vấn đề”

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm, tiêu cực, tham nhũng trong XDCB xảy ra ở hầu hết các khâu, từ lập dự án, khảo sát, thiết kế, đầu tư, đến thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình... Với diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng.

Thứ trưởng Lê Thế Tiệm và Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng TS.Dương Văn Cận cùng đưa ra dẫn chứng: Theo thống kê của Đoàn giám sát Quốc hội, trong số 1.505 dự án đầu tư XDCB bị kiểm tra có 176 dự án vi phạm quy định thẩm định dự án, 198 dự án vi phạm quy chế đấu thầu, 802 dự án thi công sai thiết kế, chủng loại vật tư, vi phạm quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán..., 415 dự án vi phạm thiết kế, khảo sát, 720 dự án vi phạm quy định khi đưa vào sử dụng. Có công trình thất thoát vốn đầu tư đến 58,6% như công trình đường Thạch Yên – Công Sự (Kiên Giang), có công trình vốn đầu tư chỉ 72,6 tỷ đồng nhưng quyết toán lên đến 218,6 tỷ đồng như công trình cảng cá Cát Lở.

Trước thực tế này, PGS.TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - đã phải thốt lên: “Tham nhũng trong đầu tư XDCB đã trở thành tham nhũng phổ biến và thuộc dạng tham nhũng quan liêu của các công chức. Dạng tham nhũng này thường được tổ chức theo chiều dọc, nếu không được kìm chế kịp thời sẽ dần dần trở thành tham nhũng ăn sâu, rất khó đối phó!”.

Vì sao tội phạm “ẩn” còn cao?

Nhìn lại năm 2001 đến nay, lực lượng CA đã liên tục phát hiện nhiều vụ án lớn trong đầu tư xây dựng, như các vụ: Thủy cung Thăng Long (Hà Nội); vụ Lã Thị Kim Oanh; vụ tham ô, cố ý làm trái tại Vietso Petro, kho Cảng Thị Vải; gần đây nhất là vụ “trùm lừa” Nguyễn Đức Chi.

Bên cạnh kết quả trên, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm thẳng thắn thừa nhận, kết quả phát hiện, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng còn thấp, tỷ lệ tội phạm “ẩn” trong lĩnh vực đầu tư XDCB còn cao.

Theo ông Tiệm, việc này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Sự yếu kém trong quản lý kinh tế; sự sơ hở, thiếu đồng bộ của các văn bản pháp quy; vai trò của cơ quan chủ quản; trách nhiệm, đạo đức của người làm công tác xây dựng; đặc biệt công tác phối hợp giữa CA và các cơ quan chức năng chưa đáp ứng được tình hình.

Ở các vụ án cụ thể, cơ quan điều tra cũng gặp không ít khó khăn khi đấu tranh với tội phạm. Thượng tá Nguyễn Trọng Long nêu thí dụ: Tại công trình tu bổ, tôn tạo Nhà hát Lớn Hà Nội, cơ quan điều tra đã xác minh hạng mục nào cũng vượt dự toán từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng, song cho đến nay, qua 7 năm công trình được đưa vào sử dụng vẫn chưa thể khởi tố vụ án hình sự chỉ vì... công trình chưa quyết toán, chưa có cơ sở xác định thiệt hại!

Ông Long bức xúc: án kinh tế mà càng chậm, càng để lâu càng cận kề thất bại, nhiều vụ việc đã bị “để lâu hóa bùn”.

Thượng tá Trần Đức Vĩnh – Trưởng phòng 10 C15 lại nêu thí dụ vụ án Lã Thị Kim Oanh, bị can khai đã tổ chức hàng trăm cuộc họp từ cấp xã trở lên trong quá trình thực hiện dự án, họp đi họp lại, phải chi phí tiền trái pháp luật. Cuối cùng Toà phúc thẩm đã phải căn cứ vào tình hình thực tế trên trừ cho bị cáo Oanh... hơn 4 tỷ đồng chi phí vào dự án, để chấp nhận bị cáo chỉ “cố ý làm trái” mà không có tham ô, đưa hối lộ. Oanh cũng khai ra các cán bộ đã nhũng nhiễu đòi tiền, song không đủ cơ sở để truy tố!

Thứ trưởng Lê Thế Tiệm đã giao Cục C15 tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo để chỉnh lý và xây dựng một báo cáo hoàn thiện về thực trạng tình hình tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư XDCB để Bộ Công an báo cáo Chính phủ.

Thứ trưởng Lê Thế Tiệm cũng cho biết Bộ Công an sẽ khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện KSNDTC và TANDTC xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự những hành vi vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng.

Theo Tiền phong