Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng cơ bản
Các Website khác - 11/11/2005
Bài viết dưới đây của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm nêu rõ: Tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ở hầu hết các khâu với diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Song kết quả phát hiện, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng còn thấp, tỷ lệ tội phạm ẩn còn cao. 
Thực hiện đường lối đổi mới về phát triển kinh tế, trong những năm qua Chính phủ đã đầu tư vốn cho xây dựng cơ bản chiếm khoảng 30 - 35% GDP. Trong năm năm 2001 - 2005, vốn đầu tư xây dựng trong toàn xã hội đạt khoảng 50 tỷ USD, trong đó riêng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư khoảng 35 tỷ USD. Hàng chục công trình trọng điểm của Nhà nước đã được đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng, cải tạo, như quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh; Thủy điện Sơn La; Khu lọc dầu Dung Quất; Khu công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau; các công trình phục vụ SEA Games 22...

Những công trình nói trên cùng với hàng trăm công trình khác đã làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế đất nước đạt bình quân 7,5 %/năm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của toàn xã hội.

Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được thì tình hình vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng xảy ra ngày càng nhiều, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thất thoát nghiêm trọng ngân sách Nhà nước. Theo báo cáo của Ðoàn giám sát Quốc hội, trong số 1.505 dự án về xây dựng được kiểm tra, có 176 dự án vi phạm quy định về thẩm định dự án; 198 dự án, công trình vi phạm quy chế đấu thầu; 802 dự án, công trình thi công sai thiết kế, sai chủng loại vật tư, thiết bị, không phê duyệt khối lượng phát sinh, vi phạm các quy định về trình tự thủ tục trong quản lý đầu tư xây dựng, về quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán công trình; 415 dự án, công trình vi phạm về thiết kế, khảo sát; 720 dự án, công trình vi phạm quy định trong giai đoạn đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Trong hai năm 2002 - 2003, thanh tra chuyên ngành xây dựng đã tổ chức thanh tra 31 dự án xây dựng với tổng vốn đầu tư là 17.300 tỷ đồng, thì cả 31 dự án đều có sai phạm với số tiền thất thoát, lãng phí lên đến 2.070 tỷ đồng.

Báo cáo của Tổng hội Xây dựng Việt Nam về 59 công trình xây dựng có biểu hiện lãng phí, thất thoát cho thấy, có 27% các công trình do chất lượng kém, phải bổ sung kinh phí mới sử dụng được; 36% các công trình không sử dụng được do chọn địa điểm xây dựng không thích hợp, chất lượng kém (đặc biệt là các công trình của chương trình 135); 25% các công trình do quyết toán khống làm thất thoát gần 300 tỷ đồng, riêng Công trình đường Thạch Yên - Công Sự của tỉnh Kiên Giang thất thoát tới 58,6% vốn đầu tư...

Từ năm 2001 đến nay, lực lượng công an đã liên tục phát hiện, điều tra nhiều vụ án tham nhũng lớn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, như: Vụ xây dựng khu vui chơi giải trí Thủy cung Thăng Long - Hà Nội; vụ xây dựng tuyến đường Nậm Pục - Pắc Ma của huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu; vụ Lã Thị Kim Oanh và đồng bọn ở Công ty Tiếp thị và Thương mại nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vụ tham ô, cố ý làm trái tại Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Vietsovpetro; vụ tham ô, cố ý làm trái trong thi công xây dựng Kho cảng Thị Vải, và gần đây là vụ lừa đảo trong đầu tư xây dựng của Nguyễn Ðức Chi, Chủ tịch HÐQT Công ty liên doanh Rusalka - Nha Trang...

Tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ở hầu hết các khâu, từ lập dự án, khảo sát, thiết kế, đầu tư đến thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình, diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Song kết quả phát hiện, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng còn thấp, tỷ lệ tội phạm ẩn còn cao. Hậu quả của tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng đã làm cho nhiều tỷ đồng tiền vốn của Nhà nước bị thất thoát, khó có khả năng thu hồi; nguồn vốn của Nhà nước trong đầu tư xây dựng bị phân tán; chất lượng công trình trước mắt cũng như lâu dài đều bị ảnh hưởng. Trong số những người vi phạm pháp luật, có nhiều người là cán bộ khoa học, cán bộ lãnh đạo, kỹ sư và công nhân có tay nghề cao.

Tình hình nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, trước hết là do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự yếu kém trong quản lý kinh tế, sự sơ hở và thiếu đồng bộ của hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó là vai trò của cơ quan chủ quản trong việc tuân thủ pháp luật, và trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác xây dựng. Về mặt chủ quan, công tác phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng của lực lượng công an nói riêng và các cơ quan chức năng nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chính vì vậy, Ðảng, Quốc hội cũng như Chính phủ đã có nhiều nghị quyết quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Bộ Công an và các ngành chức năng cũng đã xác định đây là một trong những lĩnh vực trọng điểm cần bảo vệ.

Nhân dân, các nhà khoa học, nhiều cán bộ hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp, quản lý kinh tế, xây dựng cơ bản... rất quan tâm vấn đề này và đã có nhiều công trình khoa học, bài viết về phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng. Năm 1998, Cục CSÐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ: "Thực trạng tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và giải pháp phòng ngừa, đấu tranh". Năm 2003, Bộ Xây dựng và Tổng Hội xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học: "Chống thất thoát trong đầu tư xây dựng nhìn từ nhiều phía"; Năm 2004 -2005, Tổng Hội xây dựng Việt Nam nghiên cứu đề tài khoa học: "Xác định mức độ thất thoát trong đầu tư xây dựng" và đang triển khai nghiên cứu tiếp đề tài "Chống khép kín trong đầu tư xây dựng".

Xây dựng là một ngành sản xuất ra cơ sở vật chất kỹ thuật, làm tiền đề cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công trình xây dựng thường là đơn chiếc, yêu cầu thời gian dài, kinh phí lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, liên quan nhiều mặt quản lý, chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu, tự nhiên và chịu nhiều rủi ro, bất khả kháng. Trong những năm qua, việc quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản đã đạt được nhiều thành tựu lớn, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng cũng đã trưởng thành và không ngừng lớn mạnh, sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước và của cộng đồng xã hội ngày càng phát huy hiệu quả, phát hiện được nhiều yếu kém, tiêu cực trong công tác đầu tư xây dựng, góp phần hạn chế và khắc phục vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng ngày càng cao, phạm vi ngày càng mở rộng, cộng thêm năng lực quản lý yếu kém và việc chấp hành kỷ cương, pháp luật của Nhà nước chưa nghiêm đã dẫn đến thất thoát ở nhiều công trình, ảnh hưởng đến công tác xây dựng trên nhiều mặt. Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, những năm tới, tình hình đầu tư xây dựng ở nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh, nhất là việc tập trung vốn xây dựng các công trình trọng điểm của quốc gia.

Tội phạm tham nhũng nói chung, tình hình tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng nói riêng vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn mới; tính chất, quy mô sẽ tinh vi, phức tạp và nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, phải tìm ra các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ chất lượng các công trình xây dựng, nhất là những công trình mang tính thế kỷ, công trình văn hóa, nghệ thuật..., bảo vệ các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng và bảo vệ đội ngũ cán bộ (trong đó có việc bảo vệ uy tín và sự trong sạch của cán bộ ngành xây dựng).

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Công an là coi trọng giải pháp phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm minh những hành vi cố tình vi phạm pháp luật. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, kể cả pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Ðấu thầu... và pháp luật về hoạt động tư pháp như thông tư liên ngành. Xây dựng cơ chế thực thi trong phối hợp giữa các ban, ngành, các lực lượng liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng, trong đó, chú ý sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, giữa Bộ Công an với Bộ Xây dựng, giữa công an - viện kiểm sát - tòa án - thanh tra - kiểm toán - giám định... Bên cạnh đó, cần có các chế độ, chính sách về tiền lương, khen thưởng, kỷ luật phù hợp, thỏa đáng, tạo yếu tố kích thích những người làm công tác xây dựng nhiệt tình, hăng hái trong lao động và không vi phạm pháp luật.

Cơ quan công an nói riêng, cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung luôn xác định hạn chế tối đa việc bắt giam và xử lý hình sự. Biện pháp này chỉ được áp dụng trong trường hợp không còn cách nào khác tốt hơn đối với những người cố tình vi phạm pháp luật, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước. Ðiều quan trọng là phải chủ động phát hiện tình hình, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp có biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót để bảo vệ tài sản của Nhà nước và bảo vệ đội ngũ cán bộ.

Thượng tướng LÊ THẾ TIỆM,
Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Bộ Công an