Dường như không có một sự chuyển động nào, cả khán phòng lặng ngắt. Thời gian như dừng lại vài mươi giây rồi vỡ òa bởi tiếng khóc từ hàng ghế thân nhân. Một chút ngỡ ngàng thoáng qua khuôn mặt chủ tọa Vũ Phi Long. Đó là những gì người ta ghi nhận được khi bị cáo Trần Xuân Hà nói lời sau cùng: “Tôi biết tội mình đáng chết. Tôi xin hiến cơ quan nội tạng mình cho người nghèo”. Hình ảnh này trái ngược với những gì diễn ra trong những ngày xét xử trước đó: Trần Xuân Hà thản nhiên khai nhận và tường thuật tỷ mỉ từng chuyến vận chuyển, mua bán heroin đến nỗi ai nghe qua cũng có thể hình dung hành động tội ác tày trời của Hà diễn ra thường xuyên, liên tục và đơn giản như mua một món hàng, bán một gói kẹo.
Trước khi trở thành kẻ tử tội, Trần Xuân Hà từng là một sinh viên. Đúng hơn, là một sinh viên nghèo vượt khó. Năm 2000, từ Nghệ An, Hà vào TP Hồ Chí Minh thi đại học. Thi trượt, Hà quyết định ở lại TP tiếp tục ôn thi. Trong khoảng thời gian đó, Hà làm đủ thứ nghề để sống. Bà Hoàng Thị Kim Anh (dì ruột Hà) nói: “Biết nhà mình nghèo, nó luôn nhắn với mẹ cha rằng nó có thể vừa làm vừa học, ở nhà đừng lo gì cho nó cả”. Suốt mấy năm trời, Hà không chịu nhận trợ cấp của gia đình. Bán sức lao động, Hà làm đủ thứ nghề để lấy tiền trang trải. Một năm sau, Hà thi đậu một lúc hai trường (ĐH Xây dựng Hà Nội - chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Cao đẳng Công nghệ - quản trị doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh). Hà quyết tâm theo học cả hai trường. Học được một năm, do điều kiện khó khăn, Hà không đủ sức theo học hai trường nên quyết định chọn học khoa kỹ thuật công trình của trường cao đẳng cho phù hợp với hoàn cảnh.
Gia đình Hà vốn là gia đình “cơ bản”, bố Hà là cán bộ lâm nghiệp huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã nghỉ hưu, mẹ Hà vẫn đang là giáo viên toán cấp II của trường huyện. Kể từ ngày Hà bị bắt, mẹ đã không thể đứng lớp, nhà trường vẫn động viên bà đi dạy cho khuây khỏa. Mẹ Hà từng rất tự hào về gia đình và hai đứa con trai ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, luôn là học sinh giỏi của huyện. Hà là con út. Anh Hà đã từng thi đỗ một lúc ba trường đại học, nay đang là kỹ sư cầu đường.
Người ta nói tương lai của Hà đang “thênh thang trên đường cái quan đột nhiên lại rẽ vào ngõ cụt” khi ngỏ lời nhờ cậu ruột của mình là Hoàng Trọng Bảo (kẻ đã tẩu thoát khi biết cháu mình bị bắt) tìm cho một việc gì đó để làm. Trước tòa, Hà nói: “Lần đầu cậu Bảo khuyên tôi học hành chăm chỉ, cứ cố gắng học, thiếu thốn gì cậu hỗ trợ cho”. Và Hà được cậu hỗ trợ thật, cứ mỗi lần gặp nhau Hà được cậu cho vài chục nghìn đồng.
Tạo được lòng tin ở đứa cháu, một hôm ông cậu gọi Hà đến và bảo đã có việc làm, việc nhẹ nhàng, chỉ cần đi gặp một người lấy một gói hàng đem về cho cậu. Lần thứ nhất, Hà chẳng biết hàng gì nhưng đến lần thứ hai Hà hiểu ra tất cả. Hà thấy sợ. Hà biết rõ cái giá phải trả khi nhúng tay vào “thứ ấy”, thế nhưng Hà lại được cậu trấn an “không sao đâu, ai mà biết được”... Và rồi Hà cảm thấy vững tin hơn khi mỗi chuyến đi nhận “hàng” có thêm một ông cậu và một ông dượng (Hoàng Trọng Hưng và Trần Văn Thân) cùng đi theo.
Và thế là Hà lao vào như một con thiêu thân, trở thành một công cụ đắc lực cho cậu mình, đảm nhận cả việc nhận và giao thứ hàng trắng chết người ấy. “Nghề” dạy Hà trở nên ranh mãnh hơn, lì lợm hơn, biết hẹn giờ giao nhận chính xác đến từng giây, biết cất “hàng” dưới bình nước suối, trong thùng mì tôm. Người ta nói “buôn ma túy, một lời mười”, bị cáo Hà bị quy kết buôn bán số lượng heroin cao nhất trong bọn, 152 bánh với trọng lượng gần 52kg nhưng Hà lại là bị cáo nghèo nhất trong vụ án.
Trong tang vật tịch thu, các bị cáo khác có nhà lầu, xe hơi, tiền bạc đến hàng chục nghìn USD nhưng Hà chỉ có mỗi chiếc xe Wave Trung Quốc vẫn dùng đi giao nhận “hàng”. Tài sản này là những gì bị cáo thu được từ việc “bán” lòng tin cho những người cậu, người dượng của mình. Bởi mỗi lần giao nhận “hàng”, Hà chỉ được cậu mình “trả công” vài chục nghìn đồng.
Suốt cả phiên tòa, Hà luôn tỏ ra lạnh lùng, một mực nhận hết tội lỗi về mình và luôn miệng xin hội đồng xét xử khoan hồng cho cậu, dượng mình vì: “Họ đã bị bị cáo lợi dụng”. Ngược lại, trong suốt phần thẩm vấn, cậu Hưng và dượng Thân của Hà luôn đổ tội cho đứa cháu của mình. Có lúc giọng chủ tọa Vũ Phi Long chùng xuống: “Tội của ai người đó phải nhận, bị cáo nên nghĩ nhiều về cha mẹ mình, có đáng không khi bị cáo nhận tội để bào chữa cho những người lẽ ra phải là chỗ dựa, là người giáo dục bị cáo lại đẩy bị cáo vào con đường phạm tội”.
Suốt phiên tòa, tôi luôn nghĩ đến những câu cửa miệng mà người đời thường nói: “người cậu cũng như người mẹ”, “hổ đói cũng không bao giờ ăn thịt con”. Càng ngẫm nghĩ tôi càng không thể giải thích nổi vì sao Bảo, Hưng, Thân - những người cậu, người dượng khả kính kia lại có thể lợi dụng lòng tin của một đứa cháu ruột rồi đẩy nó đến chỗ chết. Phải chăng là vì lòng tham tột cùng của họ. Quả vậy, trước khi lao vào con đường phạm pháp, Hoàng Trọng Hưng là chủ một cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đang ăn nên làm ra, đang có dự định mở thêm nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành phố. Lòng tham đã đưa Hưng, Bảo, Thân vào con đường phạm tội mù quáng, không điểm dừng. Điều đọng lại trong những người tham dự phiên tòa không chỉ là thái độ nhận hết tội lỗi về mình để đỡ tội cho người thân, mà còn ở lời nói cuối cùng của bị cáo: “Tôi xin hiến nội tạng cho người nghèo”. Lời nói muộn màng như một ánh sao chợt lóe trong đêm tối, đem lại cho mọi người một sự an ủi, một niềm tin vào chất người vẫn còn trong một con người phạm trọng tội. Cái chất người ấy giá mà trước đây nó luôn được dưỡng nuôi, khơi gợi...
Kết thúc phiên xét xử vụ án Trần Xuân Hà và đồng bọn buôn bán 78kg heroin, ngày 30-12, hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trần Xuân Hà và bảy đồng phạm khác là Trương Thị Thu Vân, Trần Huy Công, Trần Xuân Báo, Hoàng Trọng Hưng, Lê Quang Dũng Lâm, Trần Văn Thân và Lê Thị Hiếu mức án tử hình về tội "mua bán trái phép chất ma túy". Chín bị cáo lãnh mức án trung thân là Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Yến Anh, Nguyễn Hoàng Vũ, Phạm Thị Ngọc Dung, Phan Khắc Trung, Trần Thái Sơn, Nguyễn Văn Nhơn, Trương Thị Mỹ Dung và Đỗ Anh Sơn về tội "mua bán trái phép chất ma túy". Các bị cáo còn lại lãnh mức án từ 5-20 năm tù về tội "mua bán trái phép chất ma túy". Hội đồng xét xử cũng đã tuyên phạt các bị cáo phải nộp từ 5-500 triệu đồng.
|
|