Các quy định tố tụng áp dụng với bị can vụ bán độ bóng đá
Các Website khác - 31/12/2005

Người hâm mộ cả nước sửng sốt trước trước việc một số cầu thủ tuyển U23 Việt Nam bị công an xác định tham gia cá độ như Văn Quyến, Quốc Vượng, Bật Hiếu, Quốc Anh. VnExpress đã trao đổi với Thạc sĩ luật Phạm Thanh Bình về những quy định tố tụng hình sự đã, đang và sẽ được áp dụng với những người này.

- Ông có thể cho biết trong trường hợp nào thì công an ra lệnh bắt khẩn cấp?

- “Bắt người trong trường hợp khẩn cấp” - gọi tắt là bắt khẩn cấp - là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Đây là trường hợp bắt người khi có căn cứ để cho rằng họ đang chuẩn bị thực hiện tội phạm nghiêm trọng hoặc có căn cứ để cho rằng sau đó họ có hành vi bỏ trốn, cản trở việc điều tra. Như vậy, bắt khẩn cấp là việc làm cấp bách, được áp dụng nhằm ngăn chặn ngay hành vi phạm tội và trốn tránh pháp luật của người đó, không để họ tiếp tục gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước và của công dân.

Trong chuyên án đấu tranh với tiêu cực bóng đá, biện pháp trên đã được áp dụng với Văn Quyến, Quốc Vượng, Bật Hiếu, Quốc Anh theo quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS).

- Theo quy định của pháp luật, thời hạn tạm giam để điều tra áp dụng với trường hợp các cầu thủ này như thế nào?

- Văn Quyến, Quốc Vượng, Bật Hiếu, Quốc Anh đã nhận lệnh tạm giam 4 tháng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 120 BLTTHS, thời hạn tạm giam bị can để điều tra là không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao gia hạn tạm giam. Theo đó, với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng. Tội phạm nghiêm trọng là 2 lần, lần thứ nhất không quá 2 tháng và lần thứ 2 không quá một tháng. Tội phạm rất nghiêm trọng là 2 lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng, lần thứ 2 không quá 2 tháng. Riêng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.

Như vậy, thời hạn tạm giam tối đa với tội phạm ít nghiêm trọng (kể cả trường hợp đã gia hạn) là 3 tháng. Thời hạn tạm giam tối đa với tội nghiêm trọng (kể cả trường hợp đã gia hạn lần thứ 2) là 6 tháng; tội phạm rất nghiêm trọng là 9 tháng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 16 tháng.

- 4 cầu thủ bị khởi tố về các tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Trong trường hợp này, việc áp dụng các biện pháp khác như bảo lãnh hoặc đặt tiền để được tại ngoại, được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Văn Quyến, Quốc Anh, Bật Hiếu và Quốc Vượng bị khởi tố bị can về tội đánh bạc (Điều 248 Bộ luật hình sự, có mức hình phạt cao nhất là 7 năm) thuộc loại tội nghiêm trọng. Riêng Quốc Vượng còn thêm tội tổ chức đánh bạc (Điều 249, có mức hình phạt cao nhất là 10 năm) thuộc loại tội rất nghiêm trọng. Như vậy, nếu không có sự thay đổi về tội danh thì Văn Quyến, Quốc Anh, Bật Hiếu có thể bị tạm giam tối đa là 6 tháng, Quốc Vượng có thể bị tạm giam tối đa là 9 tháng để phục vụ cho việc điều tra.

Tuy nhiên, nếu có các tình tiết giảm nhẹ như thái độ khai báo thành khẩn, số tiền thu lợi bất chính đã được thu hồi, có nhân thân tốt… thì họ có thể không bị tạm giam hết thời hạn tối đa nói trên mà có thể được cơ quan điều tra xem xét, cho áp dụng biện pháp ngăn chặn khác để thay thế việc tạm giam như cấm đi khỏi nơi cư trú, cho bảo lĩnh, cho đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm…

- Nhiều luật sư thể hiện quan điểm muốn bào chữa cho Văn Quyến. Trong trường hợp Văn Quyến đồng ý mời luật sư, việc họ có được tham gia ngay từ khâu điều tra ban đầu được quy định thế nào?

- Trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia (quy định tại các điều từ Điều 78 đến Điều 91 Bộ luật hình sự) và chỉ trong những trường hợp thật cần thiết để giữ bí mật điều tra thì người bào chữa mới tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra, còn mọi trường hợp, người bào chữa đều có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, nếu bị can yêu cầu hoặc do cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án yêu cầu. Hành vi của Văn Quyến, Quốc Vượng, Bật Hiếu, Quốc Anh không thuộc trường hợp các cơ quan tố tụng phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa nên họ phải tự mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình (nếu tự họ thấy là cần thiết). Cần lưu ý rằng việc "nhờ người khác bào chữa" phải do chính các bị can này thực hiện.

Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định, bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, thì họ và người đại diện hợp pháp của họ đều có quyền được lựa chọn người bào chữa. Bị can, bị cáo là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, thì chỉ có họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa.

Do đó, trong trường hợp người thân của các bị can hoặc người khác lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ thì cần phải có sự đồng ý (hoặc sự ủy quyền) của họ. Tường hợp thân nhân của họ mời luật sư nhưng chưa có sự đồng ý của các bị can này đều chưa hợp lệ. Cơ quan điều tra chỉ cấp giấy chứng nhận người bào chữa khi có sự đồng ý (hoặc ủy quyền) của người được bào chữa.

H. Hà thực hiện

Theo dòng sự kiện:
Phát hiện 40 triệu đồng trong tủ quần áo của Quốc Anh (31/12/2005)
Những thông tin đầu tiên về nghi án mua độ của SLNA (31/12/2005)
HLV Nguyễn Hữu Thắng bị triệu tập (30/12/2005)
CLB Đà Nẵng tìm luật sư cho Quốc Anh (29/12/2005)
Quốc Anh, Bật Hiếu đã bị lôi kéo và nhận tiền như thế nào (29/12/2005)
Xem tiếp»