Với sáu điểm tiến bộ, Nghị định 109 được xem là một điểm mốc rất quan trọng, xác định rõ hơn vị thế của BHTGVN trong hệ thống tài chính quốc gia. Nghị định 109 đã bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Cùng với việc mở rộng đối tượng được bảo hiểm (ngoài cá nhân như trước đây nay thêm gồm hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh), mức chi trả bảo hiểm cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã tăng lên 50 triệu đồng (gần 70%), thay vì chỉ 30 triệu đồng như quy định cũ.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng đã cho phép có thể áp dụng mức phí bảo hiểm tiền gửi phải nộp khác nhau giữa các tổ chức nhận tiền gửi thay vì một mức phí đồng hạng 0,15%/năm tính trên số dư tình quân đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG. Việc xác định nức phí khác nhau sẽ dựa trên mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của tổ chức nhận tiền gửi của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (bao gồm NHNN và BHTGVN).
* Vậy bao giờ thì BHTGVN sẽ công bố đánh giá, phân loại phí bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tham gia BHTG?
- Tại Nghị định 109, chỉ nói là sẽ áp dụng còn khi nào thực hiện thì phải do Ngân hàng Nhà nước và BHTGVN quy định khi có đủ điều kiện. Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng quy định này để báo cáo Thống đốc NHNN trong khoảng thời gian hai năm sẽ hoàn thành và đi vào thực hiện.
Trong lúc chờ đợi ban hành quy định này, tháng 10 vừa qua, BHTGVN đã ban hành một quy trình về hệ thống giám sát từ xa và cảnh báo sớm đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, khi đã được cảnh báo mà tổ chức tham gia BHTG vẫn không khắc phục được dẫn đến chất lượng hoạt động kém thì chúng tôi có trách nhiệm thông báo cho đơn vị đó để các tổ chức đó có những biện pháp tích cực và thông báo cho Ngân hàng Nhà nước cùng phối hợp xử lý.
* Thưa ông, làm thế nào để có thể xác định được mức phí BHTG phân biệt giữa các tổ chức tham gia BHTG?
- Để có thể xác định được mức phí phân biệt giữa các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN phải có hệ thống thông tin giám sát và phương pháp đánh giá, phân loại các chỉ tiêu liên quan đến rủi ro để xác định, đánh giá biết được chất lượng hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, trên cơ sở đó làm căn cứ cho việc tính phí. Hiện nay BHTGVN đã xây dựng lộ trình dài hạn đến năm 2015 với mục tiêu đưa vào áp dụng thu phí bảo hiểm theo mức độ rủi ro trong thời gian gần nhất. Năm 2006, các tổ chức tài chính quốc tế đã cam kết hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng hệ thống giám sát xếp hạng rủi ro và xếp hạng tổ chức tín dụng.
* Với mức chi trả bảo hiểm tối đa tăng lên gần 70% so với mức cũ, liệu năng lực tài chính của BHTGVN hiện nay có bảo đảm cho việc chi trả khi xảy ra rủi ro mang tính chất hệ thống của các tổ chức tín dụng không?
- Chúng tôi nghĩ rằng, điều đó buộc BHTGVN phải có một năng lực tài chính đủ mạnh và tương ứng với số tiền được bảo hiểm. Nguồn lực này chủ yếu bao gồm Vốn điều lệ và các quỹ được tích luỹ từ nguồn thu phí. Hiện nay, BHTGVN đang đề nghị NHNN và Bộ tài chính trình Chính phủ bổ sung vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2006, 10.000 tỷ đồng vào năm 2010. Mặt khác, trong Nghị định 109, Chính phủ đã cho phép BHTGVN chủ động nâng cao năng lực tài chính để hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG thông qua việc cho phép đi vay các tổ chức tài chính quốc tế hoặc phát hành trái phiếu. Đồng thời, BHTGVN cũng đang xem xét nghiên cứu để đưa vào dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi, theo đó các tổ chức có nhận tiền gửi từ các cá nhân tự nguyện đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi bắt buộc.
|