Xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy: Còn nhiều bất cập
Báo Tiếng chuông - 25/08/2016
Bộ Tư pháp vừa báo cáo Chính phủ về việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 6 tháng đầu năm 2016, trong đó có nêu rõ những khó khăn, bất cập trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy.
Hoạt động thể thao tại một Trung tâm cai nghiện. Ảnh Nhật Thy

 

Bộ Tư pháp cho biết, một số quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường, thị trấn; Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa được hướng  dẫn và còn nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tiễn.

Tại Khoản 3, Điều 18, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định: Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được mời tham gia cuộc họp và phát biểu ý kiến về việc áp dụng biện pháp. Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp không tham dự được, thì có thể gửi ý kiến bằng văn bản. Như vậy, trong trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tham dự cuộc họp và cũng không gửi ý kiến bằng văn bản thì cuộc họp Hội đồng tư vấn có được tiến hành hay không thì Nghị định chưa quy định rõ.

Đối với Nghị định số 221/2013/NĐ-CPtrình tự, thủ tục lập hồ sơ người nghiện ma túy để chuyển sang Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có quá nhiều biểu mẫu, quá phức tạp. Cụ thể: Muốn lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy đã bị xử phạt vi phạm hành chính vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cấp xã phải áp dụng cùng lúc 02 biện pháp là: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc bắt buộc tại gia đình, cộng đồng; đối với người sau cai nghiện vừa trở về từ các trung tâm bị phát hiện tái nghiện cũng phải lập hồ sơ lại như ban đầu.

Việc áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn rất nhiều khó khăn việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có “giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng…” trong khi đó tại Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT BLĐTBXH-BYT-BCA quy định điều kiện được cấp “giấy chứng nhận” hoàn thành thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Trong thực tế khi lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hầu hết đều thiếu loại giấy xác nhận này.

 

Về thành phần hồ sơ đề nghị định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gửi tòa án, trong Nghị định số 221/2013/NĐ-CP không quy định trong thành phần hồ sơ gửi tòa án phải có loại giấy tờ như: tài liệu chứng cứ về các hành vi vi phạm pháp, bản tóm tắt lý lịch của đối tượng có xác nhận của Công an nơi người bị áp dụng có hộ khẩu thường trú để làm căn cứ xét nhân, hoặc yêu cầu có trích lục tiền án, tiền sự và những tài liệu chứng minh người nghiện là con gia đình chính sách, người có công với cách mạng để khi áp dụng những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ…nhưng căn cứ tại Khoản 1 Điều 12 và Điều 14 Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân có quy định Thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung các loại giấy tờ trên, dẫn đến khó khăn trên thực tế thực hiện.

 

Điều 4 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định thời hiệu lập hồ sơ là 03 tháng kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép lần cuối bị phát hiện và lập biên bản. Quy định này chưa phù hợp vì có những trường hợp người nghiện sử dụng ma túy trái phép bị phát hiện và lập biên bản 2-3 lần nhưng chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Kể từ lần phát hiện cuối cùng họ mới bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 3-6 tháng. Sau đó, họ vẫn tiếp tục tái nghiện nhưng không bị bắt quả tang và lập biên bản được, muốn lập hồ sơ đưa đối tượng này vào cơ sở cai nghiện không thực hiện được vì không đảm bảo thời hiệu.199

 

Điều 8, Điều 9 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định về hồ sơ và trình tự lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: đều quy định về việc phải lập biên bản về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người bị lập hồ sơ. Quy định này là cần thiết để đảm bảo tính khách quan của việc lập hồ sơ, song việc triển khai trên thực tế lại rất vướng mắc vì những lý do sau: thông thường việc đưa đối  tượng nghiện đi cai nghiện bắt buộc được tiến hành theo từng đợt chứ không tiến hành riêng lẻ từng đối tượng. Thực tế, có những đối tượng nghiện mà gia đình, cộng đồng và chính quyền đều biết rõ song khi có thông tin sắp có đợt đưa đi cai nghiện bắt buộc là bỏ trốn, trong khi lực lượng công an xã rất mỏng, dân cư sống rải rác, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn rừng núi rất khó khăn cho việc theo dõi, bắt quả tang và lập biên bản về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người nghiện…