Xử nghiêm tình trạng gian lận tại một số điểm bán lẻ xăng, dầu
Các Website khác - 03/12/2005
Nước ta hiện có khoảng gần mười nghìn cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng, dầu, trong đó có khoảng hơn sáu nghìn điểm bán lẻ. Hiện đã xảy ra tình trạng pha trộn xăng với dầu lửa, dầu máy bay, thậm chí là thuốc trừ sâu để bán. Không ít cây xăng bị làm sai số giữa giá tiền và định lượng để thu lợi bất chính.
Những thủ đoạn gian lận tinh vi

Ông Vũ Thế Bằng, Chánh văn phòng, Thành viên Ban Chỉ đạo chống gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng, dầu (Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam) cho biết, hiện nay cả nước có khoảng mười cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp nhập khẩu xăng, dầu thuộc các ngành thương mại, công nghiệp, giao thông vận tải, quân đội và TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối tháng 10, nước ta có gần mười nghìn cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Trong đó, hơn hai nghìn cửa hàng là đơn vị trực thuộc mười đơn vị nhập khẩu xăng, dầu trực tiếp, số còn lại gồm nhiều thành phần kinh tế, và sự gian lận thương mại cũng xuất phát từ những điểm bán lẻ này. Có hai loại gian lận chính trong bán lẻ xăng, dầu, đó là chất lượng và định lượng.

Đối với chất lượng, một số cửa hàng bán lẻ vì lợi nhuận đã pha xăng lẫn với dầu lửa, hoặc pha xăng giá thấp với loại giá cao để bán giá cao hơn thu lời. Các đại lý bán lẻ xăng, dầu lợi dụng chủ trương của Nhà nước đối với dầu lửa là mặt hàng chính sách cung ứng cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng trên thực tế, nhiều vùng sâu, vùng xa hiện đã sử dụng điện để thắp sáng, số còn lại rất ít. Vì là mặt hàng chính sách được Nhà nước trợ giá, cho nên giá dầu thấp hơn nhiều so với xăng, đã khiến không ít điểm bán lẻ trộn với xăng để kiếm lời. Đáng chú ý, qua kiểm tra một số điểm bán xăng, dầu tại các tỉnh, thành phố phía nam, cơ quan chức năng còn phát hiện tình trạng pha xăng giá thấp (A83) để bán với xăng giá cao (A92) hưởng chênh lệch. Hiện nay, trên thị trường có bốn loại xăng: A83, A90, A92, A95; giá mỗi loại chênh lệch khoảng từ 200 đến 300 đồng/lít, đại lý thường lợi dụng để gian lận chất lượng. Hồi tháng 8, tháng 9 vừa qua, khi giá xăng, dầu lên cao, tại một số nơi thuộc các tỉnh biên giới phía nam có hiện tượng tư thương pha xăng A83 với... nước ruộng, bán thu lời bất chính. Tai hại hơn đã có trường hợp pha thuốc sâu với xăng A83 để giảm mầu, bán với giá cao.

Cùng với những mánh khóe pha xăng giá thấp bán giá cao, lợi dụng tính đặc trưng của mặt hàng là người bán bơm thẳng vào bình phương tiện người mua, không có điều kiện kiểm tra định lượng, không ít điểm bán lẻ xăng, dầu còn gian lận về định lượng hàng hóa. Đồng chí Phạm Ngọc Trân, Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nói: Về nguyên lý, khi bơm điện tử hoạt động, nhiên liệu được đẩy qua buồng đong. Khi buồng đong quay, mỗi vòng quay theo chu kỳ chuyển động của pít-tông sẽ tương ứng với một lượng nhiên liệu nhất định. Trục buồng đong được lắp với trục của bộ chuyển đổi (phát xung) khi buồng đong quay một vòng thì bộ chuyển đổi cũng quay một vòng tương đương một lượng xung nhất định được phát ra và truyền lên bộ chỉ thị điện tử. Bộ chỉ thị điện tử nhận được số xung từ bộ chuyển đổi sẽ tính toán theo chương trình đã lập sẵn và hiển thị giá trị thể tích và giá tiền tương ứng trên mặt hiển thị để thông báo cho khách hàng. Sai số của cột bơm điện tử là do chủ doanh nghiệp hiệu chỉnh một trong bốn bộ phận: hiệu chỉnh ở buồng đong, hiệu chỉnh ở bộ chuyển đổi, hiệu chỉnh bằng cách tăng số rãnh hoặc số răng từ của bộ chuyển đổi, hiệu chỉnh ở bộ điện tử.

Tháng 9-2005, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ khi kiểm tra 57 trạm kinh doanh xăng, dầu với 247 cột bơm, phát hiện 47 cột bơm không đạt tiêu chuẩn về định lượng. Còn ở tỉnh Phú Yên, qua kiểm tra 311 cột đo nhiên liệu thì có tới 39 cột bơm không đạt yêu cầu. Tỉnh Bình Dương kiểm tra 432 cột bơm thì 44 cột bơm không đạt yêu cầu về đo lường, trong đó, 13 cột của bảy doanh nghiệp sai non từ 2,3 đến 5,58% bị cơ quan chức năng đình chỉ để xử lý, 31 cột sai non từ 0,5 đến 0,9% đã hiệu chỉnh lại và cảnh báo với chủ doanh nghiệp.

Ở tỉnh Quảng Bình, những cột đo nhiên liệu do hãng SEEN chế tạo có nguyên lý chuyển đổi từ số vòng quay bộ chuyển lường thành chỉ thị lít trên màn hình điện tử. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu lợi dụng chức năng có thể thay đổi hệ số từ vòng quay để thành số lít thông qua bàn phím có PASSWORI bảo mật để điều chỉnh cột đo bằng cách thay đổi hệ số chuyển đổi và khi bị kiểm tra thì trở về vị trí ban đầu chỉ trong giây lát. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn gắn thêm bộ tạo xung hoặc thay đổi hệ số chuyển đổi bộ vi xử lý bằng công tắc đóng ngắt được điều khiển từ xa. Với thủ đoạn này, khi bơm hoạt động, ngoài xung chính của bộ lường đưa vào xử lý còn có các xung phụ khiến bộ đếm hoạt động sai.

Tại tỉnh Tây Ninh, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ còn phát hiện ba cột bơm mang nhãn hiệu UNIT (trong đó hai cột bơm xăng A92 và một cột bơm dầu DO) thấy một trong hai cột bơm xăng A92 có sai số đo lường là +5,26% cho dù các dấu tem, chì vẫn còn nguyên!

Cần chế tài đủ mạnh

Hậu quả của việc gian lận chất lượng và định lượng xăng, dầu là người tiêu dùng thường xuyên bị móc túi bởi hàng hóa không đạt tiêu chuẩn như cam kết. Mặt khác, việc pha trộn xăng tùy tiện sẽ dẫn tới động cơ mau hỏng, còn chủ doanh nghiệp thì thu lợi bất chính ngày một lớn. Qua kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, ở những vùng sâu thường xuất hiện tình trạng pha trộn xăng cấp thấp với loại cấp cao để bán giá cao thu chênh lệch. Còn những thành phố lớn, hay trung tâm tỉnh lỵ dễ có tình trạng bán xăng sai định lượng thông qua việc điều khiển bàn phím từ xa. Hơn nữa, việc gian lận chất lượng và định lượng xăng, dầu ảnh hưởng nhiều người theo kiểu mỗi người chịu thiệt một ít, cho nên khó phát hiện, nhưng về tổng thể thì chủ doanh nghiệp mỗi tháng, mỗi quý thu lợi nhuận lớn từ hành vi gian lận này.

Trước hết, để phòng ngừa việc hiệu chỉnh sai số của cột bơm nguyên liệu, nhất thiết phải tiến hành niêm phong (kẹp chì) buồng đong tại các vít hiệu chỉnh cũng như các vị trí có thể tháo lắp và can thiệp vào buồng đong. Niêm phong bộ chuyển xung và buồng đong sao cho không thay đổi được đĩa phát xung cũng như hành vi gắn thêm mạch lạ vào giữa bộ chuyển đổi xung và bộ chỉ thị điện tử. Niêm phong IC chương trình hoặc IC thông số trên mạch CPU của bộ hiển thị điện tử bằng cách dán tem kiểm định vào mạch CPU. Tốt nhất là toàn bộ buồng điện tử cũng phải được niêm phong, kẹp chì để không cho phép can thiệp vào các mạch chức năng của bộ chỉ thị. Chương trình của cột bơm nhiên liệu phải được đăng ký cụ thể với cơ quan quản lý đo lường và nêu rõ khả năng, phương pháp cụ thể hiệu chỉnh gây ảnh hưởng sai số của bộ chỉ thị điện tử. Khi hỏng hóc, hoặc sự cố xảy ra với bộ điện tử, người sử dụng cột phải thông báo cho cơ quan quản lý đo lường kịp thời kiểm tra và xác nhận tình trạng hiện tại của cột.

Tuy nhiên, cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng. Đồng chí Phạm Ngọc Trân cho rằng, một mình chúng tôi hoặc một mình ngành xăng, dầu không kiểm soát được hành vi gian lận của các điểm bán lẻ. Hơn nữa, chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Khi phát hiện, chúng tôi cũng chỉ biết phạt hành chính ba, bốn triệu đồng hoặc cao hơn là chục triệu đồng. Cái khó ở chỗ biết phạt bao nhiêu là vừa bởi không xác định được thời điểm gian lận của chủ doanh nghiệp - một tháng hay một năm? Mặt khác, nên nghiên cứu và điều chỉnh chính sách trợ giá dầu lửa đối với vùng xa, vùng sâu sao cho phù hợp tình hình hiện nay, tránh tạo kẽ hở trong cơ chế để doanh nghiệp lợi dụng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu phương án chỉ nên bán ra thị trường một loại xăng thông dụng (A92) còn đối với loại xăng cấp cao hơn (A95) thì cung cấp cho động cơ chuyên dụng theo ngành và theo nhu cầu sử dụng. Cần thường xuyên kiểm tra điểm bán lẻ xăng, dầu gắn trách nhiệm với lực lượng chức năng và vận động người tiêu dùng giám sát nhằm phát hiện kịp thời các thủ đoạn gian lận. Kiên quyết xử nghiêm những điểm bán lẻ xăng, dầu có hành vi gian lận bằng cách phạt tiền, thu giấy phép vĩnh viễn không cho kinh doanh, thậm chí truy tố trước pháp luật.

DUY KIÊN