Chilê: Tăng cường tuyên truyền về HIV/AIDS qua truyền hình
Các Website khác - 08/07/2005

Vào tháng chín năm nay, chính phủ Chilê sẽ tiến hành phát động chiến dịch tuyên truyền HIV/AIDS nhằm vận động phong trào sử dụng bao cao su trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, với dự kiến chỉ dùng các kênh hình làm phương tiện tuyên truyền duy nhất, các chuyên gia y tế tại nước này lo ngại, phải chăng như thế sẽ làm giảm bớt tính hiệu quả của phong trào?

Chính trị và HIV/AIDS

Những tranh cãi xung quanh chiến dịch mới này của chính phủ Chilê (chủ yếu từ phía quan điểm phản đối của các nhà thờ Công giáo bảo thủ) đã gây tác động rất lớn tới cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào tháng 12 của nước này. Bắt đầu từ năm 1993, cứ hai năm một lần, chính phủ Chilê đều đặn triển khai các chiến dịch tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân về HIV/AIDS thông qua các băng rôn quảng cáo, báo chí, tạp chí, phát thanh và truyền hình. Tất cả những thông tin đó thường xuyên được các điểm thuộc đại học Công giáo ở Santiago, Valparaíso và Mạng truyền hình tư nhân Megavisión kiểm duyệt.

Vào hôm 22/6, bộ trưởng bộ y tế Chilê, ông Pedro García cho biết: "Để cho chiến dịch tuyên truyền HIV/AIDS năm nay không bị "chính trị hoá", chính phủ Chilê quyết định sẽ triển khai nó trước ngày tổng tuyển cử 11/12 năm nay". Thế nhưng chỉ sau 48 giờ đồng hồ, chính ông này đã lại bất ngờ thay đổi thông báo đó, bất chấp sự phản đối của ba ứng cử viên tổng thống.

Nhà xã hội học Michelle Bachelet, ứng cử viên điều hành cho liên minh trung-tả Concertación por la Democracia đồng ý với hai đối thủ thuộc cánh tả là doanh nhân thuộc đảng tự do Sebastián Piñera và cựu bộ trưởng thuộc đảng bảo thủ Santiago Joaquín Lavín về quan điểm phản đối luận điệu của ông García. Họ cho rằng, quá trình bầu cử tổng thống sắp tới có thể sẽ dính dáng tới chiến dịch tuyên truyền về HIV/AIDS lần này.

Trước tình hình đó, hôm 24/6, ông García lại có thông báo lại rằng, chiến dịch sẽ được phát động vào khoảng trung tuần hoặc cuối tháng 9 năm nay. Ông cũng cho biết, trong chiến dịch sẽ không sử dụng các chương trình truyền hình để tuyên truyền mà chỉ có các thông điệp qua sóng phát thanh và những hoạt động khác để tránh rắc rối với các trạm phát sóng truyền hình.

Hôm 28/6, Bộ trưởng bộ nội vụ Francisco Vidal bổ sung thêm thông tin của ông García, theo ông này, mặc dù chiến dịch tuyên truyền không sử dụng các chương trình phát sóng trên tivi, nhưng vẫn phải có những thông báo ngắn gọn về các dịch vụ công cộng, các thông báo trên truyền hình này có thể ngắn gọn hơn những chương trình phát sóng bình thường. Ông kêu gọi các trạm phát sóng truyền hình cùng phối hợp phát sóng, hợp tác cùng chiến dịch.

Cũng trong ngày hôm đó, các nhà cầm quyền ở Chilê cũng đã kí xong một hiệp định với Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét của LHQ nhằm nới rộng thêm một hiệp định hợp tác đã được ký kết năm 2003, theo đó, đảm bảo sẽ gây thêm nguồn quỹ trên 24 triệu đô la cho tới năm 2008.

Tình trạng đại dịch tại Chilê

Năm 1984, Chilê ghi nhận trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên, từ đó đến nay, đã có trên 3000 người chết bởi căn bệnh thế kỷ trên quốc gia Nam Mỹ này.

Theo thống kê mới nhất của Uỷ ban phòng chống AIDS quốc gia (thành lập từ năm 2004), trên cả nước hiện có hơn 6000 người mắc AIDS và 6500 người nhiễm HIV chưa chuyển sang giai đoạn AIDS. Tuy nhiên, chính phủ Chilê ước tính, con số thực tế phải là 32,000 người, còn các tổ chức phi chính phủ thì cho rằng có đến 50,000 trên tổng số 15,9 triệu dân Chilê nhiễm bệnh.

Trong suốt năm năm qua, đại dịch bùng phát ở đất nước hình trái ớt này ở một mức đáng báo động, mỗi năm tỉ lệ lây nhiễm trong phụ nữ tăng 29,1% và 15% ở nam giới.

Hầu hết phụ nữ nhiễm bệnh đều là những người làm công việc nội trợ ở nhà, người lây bệnh cho họ không ai khác chính là những "đấng phu quân" yêu quý. Từ thực tiễn này, chiến dịch tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS lần này đã chủ động tìm mọi cách thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục, đặc biệt ở những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao như  những đối tượng có quan hệ ngoài hôn nhân hoặc có nhiều bạn tình.

Chiến lược đó đã được bác sĩ Alejandro Afani, trưởng khoa miễn dịch thuộc đại học y tế Chilê hết lời ca ngợi.

Ông Rodrigo Pascal, điều phối viên của tổ chức Vivo Positivo (Living Positive), một tổ chức lãnh đạo của liên minh giữa 30 tổ chức phi chính phủ cho biết: "Tôi không muốn bình luận gì về chiến dịch này trước khi nó được tiến hành trong thực tiễn. Nhưng từ những tính toán của cá nhân tôi và của tổ chức Vivo Positivo, chúng tôi đều cho rằng, khuyến khích sử dụng bao cao su là một hướng cần thiết thực hiện của chiến dịch".

Bác sĩ Enrique Accorsi, chuyên viên lập pháp của đảng Dân chủ đồng thời là cựu chủ tịch Hiệp hội y học Chilê thì nói: "Những gì chúng ta cần làm ngay chính là thông tin càng nhiều càng tốt tới giới trẻ các kiến thức về HIV/AIDS bởi có tới 45% thanh niên có quan hệ tình dục đã không sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn".

Cần nhần mạnh tác dụng của việc sử dụng bao cao su, tuyên truyền, giáo dục lợi ích của quan hệ một vợ một chồng chung thuỷ cũng như thái độ sống lành mạnh, tích cực. Điều quan trọng là phải chú trọng trên mọi công tác chứ không nhất thiết chỉ đi vào một vấn đề riêng biệt nào đó.

Theo ông Accorsi "trong bất cứ chiến dịch nào nhằm mục tiêu tuyên truyền, giáo dục đông đảo quần chúng thì truyền hình là một công cụ không thể thiếu". Ông cho biết, ông rất hy vọng những điều ông Vidal nói sẽ được thực thi hiệu quả, bởi không sử dụng truyền hình thì có khác nào đẩy chiến dịch đi đến thất bại hoàn toàn.

Và theo ông, nếu đã dùng truyền hình thì cũng cần phải có cách thức riêng biệt. Các chương trình đó phải thật cơ bản, tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền chiến dịch, ngôn ngữ dùng phải trong sáng, thẳng thắn, không lặp lại cách làm cũ trong quá khứ, tốt nhất là các chương trình tuyên truyền đó được thực hiện ở các quốc gia mà những chiến dịch kiểu này đã triển khai thành công/

Theo các chuyên gia về lĩnh vực truyền hình thì do những phản ứng gay gắt trước phong trào vận động dùng bao cao su của nhà thờ Công giáo, những cách thức tuyên truyền cũ đã tỏ ra hơi thái quá và nhiều khi đưa ra những thông điệp quá mù mờ về thông tin. Lý do này đã hạn chế hiệu quả tuyên truyền rất nhiều, khiến Chilê không thể thực hiên các chiến dịch thành công như ở Tây Ban Nha và Brazil.

Ông Pascal tin rằng, việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là truyền hình trong công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS là điều đặc biệt quan trọng. Theo ông, hoạt động đó cần được tiến hành và duy trì lâu dài, cần đặc biệt chú trọng hơn tới những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại những thời điểm cần thiết để có những kế hoạch tuyên truyền phù hợp.

Dương Kim Thoa dịch từ
http://insidecostarica.com