Củng cố hệ thống cộng đồng bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 21/12/2016
Với hỗ trợ của dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và các cơ quan chính phủ đã từng bước tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức xã hội thành lập hội và tiếp cận các nguồn lực giúp phát huy các hoạt động cộng đồng, tăng cao tính hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

.

 

Tổ chức CBO Glink tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Ảnh Glink cung cấp

 

PGS. TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định, phòng chống HIV/AIDS thông qua hệ thống tổ chức xã hội (CSO) ngày càng lớn mạnh, hiệu quả hoạt động ngày càng cao. Điều quan trọng để CSO hoạt động hiệu quả là phải có tổ chức.

Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) nhận định, vai trò của các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng (CBO) vô cùng quan trọng trong các nghiên cứu nhóm cộng đồng. Điển hình như nghiên cứu nhằm chấm dứt lây truyền HIV trong người tiêm chích ma tuý, nếu không có các CBO tại Hải Phòng thì nghiên cứu không thể thực hiện được. Đối với những người nghiện chích ma túy, việc theo dấu họ là rất khó do họ sợ bị bắt đi cai nghiện và bị bỏ tù. Tuy nhiên, các CBO đã tiếp cận được với những đối tượng này, tư vấn và vận động họ tham gia xét nghiệm HIV để sớm phát hiện, giúp họ điều trị HIV và hướng tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS trong tương lai.

Bà Khuất Thị Hải Oanh cho rằng, nếu muốn chấm dứt được HIV thì chúng ta phải đầu tư rất nhiều, nhưng hiện nay các CBO đang chấp nhận mức hỗ trợ rất thấp để làm công việc vất vả. Vì vậy, cần đầu tư tổng lực và CBO là những người làm hiệu quả với chi phí rất thấp.

Chia sẻ về những đóng góp tích cực của các CBO trong hoạt động thí điểm Bộ công cụ và quy trình giám sát dựa vào cộng đồng, Ths Đỗ Hữu Thuỷ, Trưởng phòng Truyền thông và huy động cộng đồng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, sau 6 tháng triển khai, các tổ chức CSO, CBO có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực trong phòng chống HIV/AIDS, từ vận động, hoạch định chính sách, cung cấp dịch vụ, giám sát, nghiên cứu…

Tuy nhiên, hiện nay việc giám sát dựa vào cộng đồng chưa được tham gia thường xuyên và có hệ thống do một số lý do: Thiếu văn bản pháp luật quy định giám sát của các CBO; các tổ chức này chưa được quan tâm đúng mức; năng lực CBO không đồng đều và còn hạn chế; việc hợp tác còn hạn chế vì nhiều cơ quan nghĩ là CBO làm sao giám sát được…

Ghi nhận sự đóng góp tích cực của CSO, CBO trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, bà Phạm Thị Thu Thuý, Phòng Truyền thông và Cộng đồng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP HCM cho hay, trong bối cảnh nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị giảm mạnh, mạng lưới giáo dục viên đồng đẳng giảm sút thì vai trò của các CBO rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu 90-90-90 từ giờ cho đến hết năm 2017.

Cuối năm 2016, TP HCM đạt được chỉ tiêu 30.000 người được điều trị thuốc kháng virus HIV. Nhưng để đạt được con số hơn 50.000 người nhiễm HIV được điều trị vào cuối năm 2017, thì Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm LIFE hỗ trợ cho các mạng lưới CBO tăng cường tìm kiếm các ca nhiễm mới, và hỗ trợ cho người nhiễm HIV tuân thủ điều trị, đặc biệt tìm các ca mất dấu bỏ trị.

Nguồn nhân sự CBO tại TP HCM đã phát triển rất mạnh trong những năm qua, dưới sự quản lý của Trung tâm LIFE được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, chiếm gần 2/3 toàn mạng lưới tại TP HCM. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP HCM là cơ quan điều phối luôn phối hợp với Trung tâm LIFE để có sự dồng thuận giữa CBO và các cơ sở y tế công thông qua các cuộc giao ban hàng quý, nhằm chia sẻ những khó khăn để giải quyết các vấn đề. CBO đăng ký với các cơ sở y tế công. Định kỳ hàng quý có rà soát dữ liệu giữa các CBO và các cơ sở y tế…

Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 1-9/2016, hơn 33.000 ca được xét nghiệm tại cộng đồng, tại các cơ sở y tê. Phát hiện 2.500 nhiễm mới, 2.286 ca được cấp thẻ, 2.175 ca kết nối điều trị.

 

Bàn tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS của CBO Glink. Ảnh Glink cung cấp

 

Trong các ca nhiễm mới thì nhóm CBO của Trung tâm LIFE đã phát hiện hơn 1.000 ca, chiếm 49% tổng chương trình tiếp cận cộng đồng. tính đến cuối năm 2016, CBO đã kết nối thành công chăm sóc điều trị, chuyển 1.128 ca (chiếm 45%) của chương trình tiếp cận cộng đồng. Đặc biệt, từ 12/2015 các CBO cung cấp dịch vụ xét nghiệm sang lọc tại cộng đồng nên tìm được nhiều ca ẩn mới vì họ ít xuất hiện và ngại sử dụng dịch vụ y tế công. Bên cạnh đó, các nhóm cũng đã có những hoạt động sáng tạo cho các hoạt động can thiệp giảm hại.

Những kết quả của các CSO, CBO trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua cho thấy những nỗ lực đóng góp không ngừng nghỉ của các tổ chức cộng đồng trong công tác này. Về mặt chính sách, các tổ chức xã hội đã có một số năng lực nhất định về vận động chính sách, tuy còn có nhiều thách thức như nhận tài chính từ nguồn công, thuế, quyền hoạt động theo dự thảo Luật về hội... và cần tiếp tục được củng cố để bảo đảm hệ thống cộng đồng bền vững. Với những thành tựu đã đạt được, vai trò của các tổ chức xã hội được khẳng định và được coi là không thể thiếu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Quốc gia.