Ngăn chặn mại dâm là giảm áp lực chống ma túy
Báo Tiếng chuông - 05/12/2016
Thực tế cho thấy, nhiều người bán dâm bị nghiện ma túy hoặc liên quan đến tệ nạn ma túy. Điều này đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội nhưng chưa có giải pháp can thiệp đồng bộ. Vì vậy, ngăn chặn mại dâm là góp phần giảm áp lực cho phòng, chống ma túy.

Thực trạng đáng báo động

Hiện nay, rất khó thống kê số lượng người bán dâm, nhất là người bán dâm nghiện ma túy. Theo số liệu gần đây của cơ quan chức năng, nước ta có hơn 30.000 người bán dâm. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước khoảng 100.000 người. Một số tổ chức xã hội ước số lượng lớn hơn. Cách đây hơn 10 năm, theo một nghiên cứu của Hà Nội, cứ 3 người bán dâm thì có hơn 2 người (80%) nghiện ma túy. Tỷ lệ này, theo một số nghiên cứu gần đây là trên dưới 50%.

Như vậy, cứ theo các con số trên, hiện nay, có khoảng 16.000-50.000 người bán dâm sử dụng và nghiện ma túy, tức 10-32% tổng số người người nghiện thống kê được, lớn hơn nhiều so tỷ lệ 3,8% người nghiện ma túy là nữ trong tổng số người nghiện mà Bộ Công an công bố năm 2014. Các con số chênh lệch này một lần nữa nói lên sự khó tiếp cận để hỗ trợ can thiệp đối với người bán dâm.

Có nhiều ngả đường để mại dâm và ma túy đồng hành, như từ nghiện ma túy dẫn đến bán dâm (do bạn bè rủ rê, ham vui, nhẹ dạ, thiếu hiểu biết,thích khám phá, mê cuộc sống hưởng lạc, hoặc vì ở quê hoàn cảnh khó khăn lên thành phố tìm việc làm trong quán bar, cà phê, mát-xa, không loại trừ mắc bẫy của bọn buôn bán ma túy kiêm chủ chứa, môi giới…nhiều cô gái nghiện ma túy lúc nào không hay. Càng về sau, nghiện càng nặng, số tiền chi cho ma túy càng lớn, chỉ có thể bù đắp từ tiền bán dâm hàng ngày). Hoặc từ bán dâm đến ma túy (sống trong một môi trường đầy phức tạp (tội phạm, bạn bè “cùng hội cùng thuyền” có nhiều người nghiện; bạn tình, chủ chứa có nhiều người nghiện, mua bán ma túy; vũ trường, quán bar… là nơi nguy cơ đậm đặc về ma túy…), tâm trạng, cảm xúc nhiều tiêu cực (khủng hoảng, chán nản, muốn thù đời, lo sợ, ốm yếu, nhu cầu chi tiêu… rất dễ lôi kéo các cô gái bán dâm vào ma túy. Từ đây, ma túy và mại dâm đồng hành).

Có người phải dùng ma túy kích thích để chiều lòng khách hoặc phải có ma túy để tăng sức chịu đựng nếu bán dâm hàng chục lượt/ngày. Dưới sức ép bóc lột thân xác chị em càng nhiều, càng nhanh càng lợi nhuận của bọn chủ chứa, đồng thời, bắt người bán dâm hoàn toàn gắn chặt với chúng qua các khoản nợ không bao giờ trả được và từ nhu cầu tăng thu nhập của chính chị em, một số người vừa nghiện ma túy, vừa bán dâm, vừa bán ma túy.

Ngọc, một sinh viên ngành nghệ thuật tại Thái Nguyên kể: “Được bố mẹ chiều chuộng, em lao vào cuộc sống chơi bời thỏa thích trong các nhà hàng rồi nghiện ma túy lúc nào không biết. Bố mẹ lo lắng, đau khổ, cho em đi cai nghiện, rồi lấy chồng gần nhà. Nhưng không may chồng em mất do tai nạn. Từ đó, em chìm trong lối sống trụy lạc với men rượu, ma túy rồi thành gái gọi thường xuyên”.

 Lê Ngọc Mỹ, Trưởng một nhóm Tự lực tại TP HCM kể lại: Từ vùng quê nghèo miền Tây Nam Bộ lên TP HCM làm nhân viên bán quần áo với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Không đủ sống, Mỹ chuyển sang bán cà phê tại một nhà hàng. Một người bạn mang heroin về dùng, vốn tò mò, cô không từ chối được lời mời dùng thử và thành nghiện, rồi thành người bán dâm. Cô tâm sự: “Đời ca ve” bị bóc lột đủ đường, tất cả mảnh đất làm ăn đều bị bọn xã đen cai quản, mỗi lần đi khách, chi cho nhà nghỉ, bảo kê mất 60%, chưa kể phải phục vụ miễn phí cho bảo kê, các loại nhân viên quản lý, không thì không yên được với bọn chúng. Một quãng đời dài chìm trong túng thiếu, ma túy, bán dâm.

Một số nghiên cứu quan tâm đến khía cạnh giới với những giả thuyết liên quan đến phụ nữ bán dâm. Trong đó, ma túy được đánh giá như một phương tiện để kiểm soát và duy trì mạng lưới xã hội trong các dịch vụ ăn theo hoặc nhờ vào gái mại dâm. Ma túy được nhìn nhận trên hai phương diện nguyên nhân và kết quả. Khác với nam giới, đa số phụ nữ tiêm chích ma túy luôn có hoạt động tình dục. Tỷ lệ này ở Hà Nội là 75% và ở TP HCM là 92%. Trong đó, 63% phụ nữ tiêm chích ma túy ở Hà Nội và 30% ở TP HCM coi mại dâm là nguồn thu nhập chính.

Vì nhiều lý do, người nghiện ma túy có xu hướng lôi kéo bạn bè vào ma túy. Với người bán dâm, mặc nhiên xu hướng này có sức “lan tỏa” lớn hơn vì hàng ngày họ quan hệ với nhiều khách hàng, “ chung chia” khoái cảm của ma túy, kéo theo là lây nhiễm HIV. Ma túy, bán dâm, cuộc sống thác loạn đã nhanh chóng tàn phá cơ thể và cuộc sống của người bán dâm. Hơn ai hết, sự tàn phá này với xã hội không hề nhỏ với nhiều hệ lụy lớn. Các chương trình can thiệp hiện nay chưa có nhiều hiệu quả.

Để giảm áp lực cho chương trình phòng, chống ma túy

Giảm số người bán dâm nghiện ma túy chính là giảm áp lực cho công tác phòng, chống ma túy. Không những vậy, nó còn mang lại nhiều giá trị thiết thực cho công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh xã hội, phòng chống mua bán người… Đây là công việc khó khăn, phức tạp, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ ở các cấp độ khác nhau…

Trước hết, muốn giảm người bán dâm nghiện ma túy thì cần giảm người bán dâm. Đây là nhiệm vụ và tác động của các chương trình cấp quốc gia như cần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự…

Riêng về phòng chống mại dâm, cần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ những người có nguy cơ cao phải bán dâm và những người bán dâm nay muốn chuyển đổi hành vi để hoà nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, để giảm người bán dâm nghiện ma túy cần giảm bạo lực trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; phát triển các cơ sở cai nghiện tự nguyện tiện ích và đội ngũ cán bộ tiếp cận cộng đồng; tăng cường hoạt động thanh kiểm tra liên ngành, trong đó có việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên; cung cấp bao cao su, bơm tiêm sạch…; hỗ trợ cai nghiện cho những người từ bỏ bán dâm.