![]() |
Việc kết hợp quyết tâm chính trị, hệ thống y tế được điều phối tốt và chương trình giáo dục tích cực đã giúp quốc gia này có tỷ lệ nhiễm HIV thấp vào bậc nhất thế giới. Những nước tiên tiến có thể rút ra một số bài học có ích từ cách kiểm soát đại dịch AIDS ở đây.
Tỷ lệ nhiễm HIV ở Cuba chỉ là 0,03%, với khoảng 3.500 người bị bệnh. Tại Mỹ, tỷ lệ này cao gấp 10 lần với khoảng 0,3% (tức 1 triệu người) bị nhiễm bệnh. Trên những hòn đảo Caribe khác như Haiti, tỷ lệ nhiễm HIV cao gấp hàng trăm lần.
"Nước Mỹ có thể học được nhiều điều về HIV/AIDS từ Cuba " - bác sĩ Byron Barksdale, chuyên gia bệnh lý tại bang Nebraska (Mỹ), Giám đốc Dự án Chống AIDS Cuba nói. Đây là một tổ chức phi chính phủ, làm nhiệm vụ cung cấp thuốc, các phương tiện chẩn đoán và hỗ trợ nhân đạo cho đảo quốc này. Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hội vì Tiến bộ Khoa học Mỹ tổ chức vào tháng trước, ông Barksdale cho biết, yếu tố then chốt có thể du nhập từ Cuba tới Mỹ là chính sách tích cực giáo dục những người mới được chẩn đoán nhiễm HIV.
Tại Cuba, những người này được tập trung 6-8 tuần tại trại điều dưỡng. Ở đó họ được điều trị bằng thuốc chống retrovirus sản xuất tại Cuba. Người bệnh được giảng giải: AIDS là gì, nó ảnh hưởng thế nào tới người nhiễm bệnh, làm thế nào một người có thể ngăn không cho bệnh lan sang những người khác, cách thực hành quan hệ tình dục an toàn (trong đó có sử dụng bao cao su đúng cách và sự tiết chế).
Bác sĩ Barksdale nói: "Tôi không rõ 6 hoặc 8 tuần có phải là những con số kỳ diệu không, nhưng chắc chắn nó dài hơn thời gian được dành cho người có chẩn đoán này ở Mỹ. Họ chỉ được giáo dục trong khoảng 5 phút".
Ông Barksdale cho biết, chính phủ Cuba đã áp dụng những biện pháp sau:
- Phụ nữ có thai bắt buộc phải làm thử nghiệm tìm HIV. Nếu kết quả dương tính, họ sẽ được dùng thuốc chống retrovirus để ngăn bệnh lây sang thai nhi. Họ cũng được mổ đẻ để làm giảm nguy cơ truyền bệnh. Kể từ năm 1985, chỉ có 12 trẻ nhiễm HIV ra đời tại Cuba
- Người nhiễm HIV phải cung cấp tên của tất cả các bạn tình trong vòng 6 tháng trước đó và những người này bắt buộc phải thử HIV.
- Những người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục phải kiểm tra tìm HIV.
- Khuyến khích việc tình nguyện làm xét nghiệm tìm HIV.
Bác sĩ Barksdale nhận xét: "Tại Mỹ, quyền con người được đặt lên trên hết, còn tại Cuba, mọi người được mong đợi làm những điều cần thiết để bảo vệ cộng đồng xã hội. Vì vậy, người dân ở đây tự nguyện vén cao tay áo và không phản đối việc thử nghiệm tìm HIV".
Từ 1985-1994, chính phủ Cuba đã cách ly tất cả những người được phát hiện nhiễm HIV. Họ được phép rời trại điều dưỡng sau khi hoàn thành các khóa đào tạo. Khu điều dưỡng cung cấp tất cả các dịch vụ: thực phẩm, nhà ở, thuốc và những dịch vụ xã hội khác nên sau thời gian học tập, 1/2 số bệnh nhân quyết định ở lại đây. Khi rời trại, bệnh nhân phải tuân thủ việc sinh hoạt tình dục an toàn, nếu vi phạm họ sẽ bị cách ly vĩnh viễn.
Việc tìm ra vacxin để phòng và chữa HIV/AIDS không phải là chuyện ngày một ngày hai. Hiện tại phòng ngừa sự lan tràn của bệnh vẫn là vũ khí duy nhất và phụ thuộc vào hành vi của mỗi người. Bác sĩ Monica Ruiz, Viện Dị ứng và Bệnh nhiễm trùng Quốc gia bang Mariland (Mỹ), nhận xét rằng, cuộc chiến chống AIDS tỏ ra hiệu quả ở Cuba và Uganda, nơi việc giáo dục và không bêu xấu những người nhiễm AIDS đã trở thành mục tiêu của nhà nước. Tại Uganda, các quan chức chính phủ luôn bàn luận về AIDS trong những bài phát biểu của mình. Mặc dù AIDS tiếp tục lan truyền trên phần lớn khu vực hạ Sahara châu Phi, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh của Uaganda đã giảm trong vài năm gần đây.
▪ UNDP và Australia giúp đỡ Việt Nam phòng chống HIV/ AIDS (03/04/2002)
▪ E-vonne, trang web đầu tiên cho người đồng tính (09/02/2002)
▪ Xa đi, sida (17/06/2001)
▪ Xa đi, siđa! (03/05/2001)
▪ Việt Nam dẫn đầu các nước đang phát triển về xoá đói giảm nghèo (18/12/2002)
▪ Ethiopia: Chiến dịch phòng HIV/AIDS đạt hiệu quả bất ngờ (17/02/2003)
▪ Anh: Tất cả người nhập cư phải làm xét nghiệm tìm HIV (14/02/2003)
▪ Bị nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ được hưởng phụ cấp (08/02/2003)
▪ Bill Gates tiếp tục làm từ thiện (27/01/2003)