Cần bảo đảm cơ hội để kết thúc bệnh AIDS
Báo Tiếng chuông - 03/09/2016
Việt Nam đang có cơ hội kết thúc bệnh AIDS. Đặc biệt, thông qua việc đẩy mạnh truyền thông, cũng như thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại như: phát bơm kim tiêm miễn phí, cung cấp thuốc thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone miễn phí...
Ảnh minh họa

 

Bà Kristan Schoultz, Giám đốc Chương trình phối hợp về HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tại Việt Nam đã nhận xét như trên tại Hội thảo Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội do Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và UNAIDS tổ chức, ngày 31/8.

Theo đánh giá của bà Kristan Schoultz, thời gian gần đây, Việt Nam đã trở thành quốc gia có số lượng ca nhiễm HIV mới giảm nhanh nhất trên thế giới. Đây là mẫu hình cho nhiều quốc gia khác học tập. Tuy nhiên, dù tình hình dịch bệnh HIV/AIDS đang “yên ả”, không phải lo lắng như giai đoạn trước, nhưng vẫn tồn tại ở Việt Nam, nên Việt Nam cần  kiểm soát tốt để tránh sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.

Theo khuyến cáo của bà Kristan Schoultz, Việt Nam nên quan tâm đầu tư sớm để chấm dứt khi dịch bệnh này đang được kiểm soát hiệu quả như hiện nay, thay vì đầu tư muộn vào lúc dịch đã lan ra cộng đồng sẽ tạo gánh nặng lớn hơn cho nhà nước và người dân.

Bà Kristan Schoultz nhấn mạnh, Việt Nam cần đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở phát huy công suất triển khai hiện có. Đồng thời, tập trung trọng điểm nhằm sử dụng “khôn ngoan” hơn nguồn kinh phí dành cho công tác này.

Mục tiêu tăng, kinh phí giảm

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, các nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người nhiễm HIV được chẩn đoán và điều trị bằng thuốc ARV; 90% số người điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Các mục tiêu này cao không phải vì chạm đến gần ngưỡng tuyệt đối, mà còn cao khi so sánh với kết quả thực hiện đến nay (49% số người HIV đã phát hiện được điều trị; cung cấp thuốc điều trị thay thế methadone đạt 57,3% chỉ tiêu).

Tuy nhiên, việc trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp khiến các nhà tài trợ lớn bắt đầu giảm tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, kinh phí cho thực hiện phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách trung ương cũng bị cắt giảm từ năm 2013 đến nay. Tác động của việc cắt giảm kinh phí này, quan ngại nhất là do giảm kinh phí truyền thông về HIV/AIDS (được xác định là quả đấm thép để phòng, chống HIV/AIDS), nên tỷ lệ người hiểu biết đầy đủ về HIV hiện giảm nhiều so với trước đây.

Ngoài ra, dù đã đến quý III, song kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 chưa được phân bổ (vốn đã được thông qua tại một quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ). Kết quả là Cục Phòng, chống HIV/AIDS phải đi mượn thuốc của địa phương này cung cấp cho địa phương khác, nhằm bảo đảm cơ hội tiếp cận dịch vụ chữa bệnh như nhau giữa các bệnh nhân.

Tạo cơ chế phù hợp để huy động sự tham gia của cộng đồng

Phòng, chống HIV/AIDS không đơn thuần là ngăn chặn một dịch bệnh thông thường, mà là dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe người dân, tạo gánh nặng chi phí rất lớn cho ngân sách cũng như người bệnh vì buộc phải chữa trị cả đời. Do tầm ảnh hưởng rộng lớn và cơ hội lớn sắp đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS, nhiều đại biểu cho rằng, cần tăng đầu tư từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương cho công tác này.

Bên cạnh việc bố trí tăng kinh phí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các chính sách liên quan để phù hợp hơn với tình hình mới, khi nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm.

Trong đó, cần chú ý đưa ra cơ chế phù hợp để huy động có hiệu quả sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp vào công tác này, tiến tới xã hội hóa cung cấp một số dịch vụ đối với người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra, quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp cần tăng cường giám sát để kịp thời ngăn chặn và chấn chỉnh các hành vi sai trái trong quá trình thực hiện, nhằm bảo đảm nguồn kinh phí được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả cao nhất.