Chiều nay, Chính phủ có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ cho phép TP HCM thí điểm mô hình quản lý tập trung 2-3 năm kèm với học nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Thực chất việc này sẽ tước một số quyền tự do con người, vì vậy Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng phải để Quốc hội quyết.
Theo đề án của TP HCM, sau thời gian cai nghiện bắt buộc 2 năm, học viên sẽ vào các cơ sở giải quyết việc làm cho người cai nghiện trên tinh thần tự nguyện. Họ sẽ tiếp tục được cách ly khỏi nơi ở - vốn dễ tiếp xúc ma tuý - nhưng không hoàn toàn tách rời khỏi cộng đồng. Trong thời gian này, người sau cai tham gia các hoạt động giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm, và chịu sự quản lý tập trung trong và ngoài giờ làm việc theo nội quy đơn vị quản lý họ.
Về việc làm, đề án đưa ra 4 phương thức, với điểm chung là không cho người sau cai trở về gia đình:
- Làm việc tại các cụm công nghiệp đặc biệt: Thành phố đang triển khai 2 cụm công nghiệp và khu dân cư ở Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) và An Nhơn Tây (Củ Chi) với chính sách ưu đãi đặc biệt thu hút đầu tư. Giai đoạn 2003-2003, hai nơi sẽ tạo việc làm cho khoảng 24.000 người, trong đó có 13.500-16.000 người sau cai. Khả năng ngay trong quý III tới, khu Nhị Xuân sẽ tạo 400-500 chỗ làm cho người sau cai.
- Làm việc và định cư tại cơ sở cai nghiện: Thành phố sẽ triển khai các khu xưởng trường nhiều ngành nghề tiếp nhận người sau cai có nguyện vọng và đủ điều kiện ở lại làm việc, định cư lâu dài. Từ năm 2006, khi thành phố cơ bản giải quyết được tệ nạn ma tuý thì các cơ sở này từng bước chuyển thành trang trại – nông lâm trường.
- Làm việc trong các đội lao động tình nguyện: Phương thức này phù hợp với tính chất xung kích của thanh niên, có thể giải quyết 4.000-4.500 việc làm. Năm 2002, thành phố đã thử nghiệm đưa học viên đi xây dựng tuyến đường Rừng Sác - Cần Giờ, thấy hiệu quả tốt.
- Làm việc tại các hợp tác xã, cơ sở sản xuất do gia đình người cai nghiện và các tổ chức, cá nhân khác thành lập: Phương thức này gắn tình cảm, trách nhiệm gia đình, của cộng đồng với người sau cai, có thể giải quyết 2.500-3.000 việc làm
Người sau cai làm việc tạo ra của cải vật chất được hưởng lương và chế độ bảo hiểm xã hội. Sau thời gian học tập, lao động 2-3 năm, họ mới được tái hòa nhập hẳn với cộng đồng. Nếu tái nghiện, họ có thể bị xem xét xử lý hình sự.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài, đề án được đưa ra trong tình hình tệ nạn ma tuý lan tràn khắp nơi. Thành phố đã áp dụng mọi biện pháp có thể từ cai nghiện bắt buộc 3 tháng – 1 năm, và hiện là 2 năm. Tuy nhiên trên 90% những người này khi về gia đình lại tái nghiện. Rất nhiều người đã 13 lần vào trại cai nghiện.
Sau 2 năm thực hiện Luật Phòng chống ma tuý, thành phố đã thu gom và đến nay đang tiến hành cai tập trung bắt buộc cho gần 25.000. Trong số này 90% ở độ tuổi 18-40, hơn 11% mù chữ, học vấn dưới lớp 9 tới 88%, không có nghề nghiệp trên 52%, số có việc làm chủ yếu là lao động phổ thông bấp bênh. Cuối năm nay đợt học viên đầu tiên, khoảng 4.000 người, sẽ kết thúc giai đoạn cai bắt buộc 24 tháng. Theo tinh thần Luật Phòng chống ma tuý và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì những người này sẽ được về với gia đình. Và trong thực tế tệ nạn xã hội phức tạp hiện tại, hầu hết họ sẽ lại tái nghiện.
Tham gia ý kiến về đề án này, đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lương Phan Cừ cho rằng đề án của TP HCM đã được chuẩn bị công phu nhưng mới hợp tình mà chưa hợp lý.
Về tình, đề án sẽ dạy nghề, tạo việc làm cho số học viên cai nghiện; giải quyết trước mắt những khó khăn nếu để hàng vạn đối tượng có tiền sử nghiện hút về cộng đồng ngay sau 2 năm cai bắt buộc (bởi gần 60% đối tượng hình sự, 40% số vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người nghiện ma tuý); tạo điều kiện thuận lợi làm sạch môi trường xã hội, truy quét triệt để các tổ chức tội phạm ma tuý.
Về lý, việc cưỡng bức cai nghiện 2 năm đã gây tâm lý đã rất nặng nề với các học viên, và đa số họ đều khát khao trở về hòa nhập cộng đồng. Nếu tiếp tục tập trung quản lý 2-3 năm sau đó thì sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do công dân, quyền cư trú, quyền lựa chọn việc làm của học viên. Về bản chất, đề án áp dụng biện pháp lao động tập trung - vấn đề pháp luật hiện hành chưa quy định. Điều kiện hồi hương sau giai đoạn cai nghiện bắt buộc rất khắt khe, có nghĩa là đa số học viên sau cai nghiện bắt buộc sẽ bị quản lý thêm 2-3 năm nữa. Điều này không đúng với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra việc đồng loạt bắt buộc cai nghiện trong 2 năm như hiện nay cũng chưa phù hợp pháp lệnh, bởi quy định hiện nay là chấp hành xong 1/2 thời hạn, nếu có tiến bộ học viên cai nghiện đã có thể được hồi gia.
Cùng quan điểm trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết các công ước quốc tế hiện nay mà Việt Nam tham gia quy định cấm cưỡng bức lao động dưới mọi hình thức. Ngoài ra khi thực hiện đề án, sẽ phải tính đến những hậu quả pháp lý phức tạp khác, như trong thời gian quản lý đó xảy ra chết người, lây lan dịch bệnh, HIV... “Làm như thế có nghĩa là người nghiện sẽ bị tước một phần tự do tới 5 năm. So với biện pháp hình sự, phạt tù 5 năm là tương đương với phạm tội nghiêm trọng”, ông Thuận nói thêm.
Ủy ban Thường vụ thừa nhận tệ nạn ma tuý ở TP HCM rất nghiêm trọng, cần có biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên vì tính phức tạp, vượt ra ngoài thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ, nên các ủy viên cho rằng Chính phủ cần tổng kết toàn bộ 2 năm thực hiện Luật Phòng chống ma tuý, trên cơ sở đó trình Quốc hội cho phép TP HCM thí điểm đề án quản lý sau cai nghiện. Các tỉnh, thành phố khác sẽ rút kinh nghiệm, triển khai ở địa phương mình.
▪ UNDP và Australia giúp đỡ Việt Nam phòng chống HIV/ AIDS (03/04/2002)
▪ E-vonne, trang web đầu tiên cho người đồng tính (09/02/2002)
▪ Xa đi, sida (17/06/2001)
▪ Xa đi, siđa! (03/05/2001)
▪ WB trăn trở chống đói nghèo (16/04/2003)
▪ Thuốc men cho các nước nghèo: vấn đề kinh tế hay đạo đức? (15/04/2003)
▪ Đoàn thanh niên sẽ quản lý cai nghiện (14/04/2003)
▪ Học viên cai nghiện tốt được trở về gia đình (14/04/2003)
▪ Tiêu diệt HIV bằng sóng cực ngắn (05/04/2003)
▪ Nhà thờ Ấn Độ dạy học cho trẻ nhiễm HIV (04/04/2003)