Thay đổi hành vi tình dục sẽ giảm lây nhiễm HIV/AIDS
Các Website khác - 06/02/2006

Sự thay đổi trong hành vi tình dục của giới trẻ ở Zimbabwe rất có thể là nguyên nhân dẫn tới mức giảm đáng kể số ca lây nhiễm HIV ở đất nước miền nam châu Phi này. Đây là kết quả một nghiên cứu được công bố tại Mỹ gần đây.

Theo nghiên cứu đó, chính nhờ giảm bớt các cuộc tình hờ, ngẫu nhiên ở nam giới, phụ nữ “từng trải” cũng như việc bắt đầu có quan hệ tình dục mà số ca nhiễm virus HIV đã giảm đáng kể.

Một đội nghiên cứu quốc tế gồm các nhà khoa học của Anh, Zimbabwe và Nam Phi đã tiến hành nghiên cứu về hành vi tình dục và tỉ lệ lây nhiễm căn bệnh thế kỷ của người dân Zimbabwe trong khoảng từ năm 1998 đến 2003. Từ nghiên cứu này họ nhận thấy tỉ lệ lây nhiễm HIV ở phụ nữ độ tuổi từ 15 – 24 đã giảm 49%.

Trong khi đó tỉ lệ nhiễm bệnh ở nam giới tuổi từ 17 đến 29 giảm 23%.

Đánh giá về điều này, nhà nghiên cứu Geoffrey Garnett thuộc đại học Imperial ở London cho biết: “Lý do chủ yếu dẫn tới mức suy giảm tích cực này vẫn phải là việc giảm bớt các quan hệ tình dục ngẫu nhiên mặc dù có thể trước khi nghiên cứu trên tiến hành thì việc giảm quan hệ tình dục và tăng hoạt động sử dụng bao cao su cũng góp phần đáng kể vào kết quả này”.

Tuy nhiên, bản báo cáo nghiên cứu được đăng tải trên ấn phẩm tạp chí Khoa học ngày 3/2 này cũng lưu ý tới các khó khăn khi gắn kết mức suy giảm về tỉ lệ lây nhiễm HIV với hành vi tình dục vì thời gian ủ bệnh trung bình tương đối lâu của virus HIV. Theo đó, các thay đổi hành vi tình dục có thể giúp dự đoán trước khá lâu về việc phát hiện xu hướng giảm lây nhiễm.

Do đó, báo cáo nghiên cứu lưu ý về trường hợp của Uganda. Tại quốc gia cũng thuộc châu Phi này, những năm 90 đã từng có sự suy giảm đáng kể số ca lây nhiễm sau khi diễn ra những thay đổi hành vi tình dục.

Báo cáo viết: “Các dữ liệu thu thập được của chúng ta cho thấy, những thay đổi trong hành vi đang có tại Zimbabwe rất giống với những gì đã giúp ổn định mức giảm lây nhiễm HIV tương đối lâu dài tại Uganda, chẳng hạn như giảm số trường  hợp có quan hệ tình dục lần đầu, giảm các quan hệ tình dục ngẫu nhiên, tăng sử dụng bao cao su trong các lần quan hệ tình dục ngoài chồng vợ”.

Rõ ràng kết quả của nghiên cứu nói trên là rất quan trọng, nhất là với tiểu vùng Sahara châu Phi, nơi có tỉ lệ lây nhiễm HIV cao nhất thế giới. Năm 2003, ở Zimbabwe có khoảng 1.8 triệu người trên tổng số 12 triệu dân nước này nhiễm HIV.

Một nghiên cứu khoa học độc lập khác công bố hôm thứ năm tuần này (5/2) cho biết, tại tiểu vùng Sahara châu Phi hiện có hơn 25 triệu người nhiễm HIV/AIDS, chỉ tính riêng năm 2005 đã có gần 5 triệu ca nhiễm mới căn bệnh thế kỷ.

Ông Richard Hayes và Helen Weiss, hai tác giả của nghiên cứu nói trên thuộc Trường vệ sinh và y học nhiệt đới, cho rằng: “Trước viễn cảnh khắc nghiệt của đại dịch HIV/AIDS, xu hướng suy giảm lây nhiễm đáng kể ở Zimbabwe là một chứng cứ rõ ràng cho thấy mức giảm lây nhiễm gắn bó chặt chẽ với việc thay đổi hành vi tình dục trong khu vực này của châu Phi”.

Theo hai nhà nghiên cứu, Zimbabwe có thể sẽ được bổ sung vào danh sách ngắn ngủi gồm các nước có tỉ lệ lây lan đại dịch giảm đáng kể bên cạnh hai quốc gia khác là Uganda và Thái Lan.

Thêm vào đó, họ cũng lưu tâm tới hiện tượng giảm lây nhiễm ở các nước như Kenya, Burkina Faso, Campuchia và Haiti.

Trong nghiên cứu tại Zimbabwe, các nhà nghiên cứu của đại học Imperial của London và Viện nghiên cứu và đào tạo y sinh học của Zimbabwe đã tiến hành xem xét trên 9,454 người tuyển được từ hai bảng điều tra dân số. Bảng điều tra thứ nhất được tiến hành trong thời gian 1998-2000, bảng thứ hai trong thời gian 2001-2003.

Họ phát hiện thấy, nhìn chung tỉ lệ lây nhiễm giảm từ 23 đến 20.5% trong thời gian 5 năm. Ở nam giới tuổi từ 17 đến 54, tỉ lệ lây nhiễm giảm từ 19,5 đến 18.2%, còn với nữ giới tuổi từ 15 đến 44, tỉ lệ lây nhiễm giảm từ 25.9 đến 22.3%.

Mức giảm thấp nhất là ở các đối tượng trẻ tuổi hơn, nhất là với các em còn đang đi học.

Bác sĩ Simon Gregson, chủ trì nghiên cứu thuộc đại học Imperial của London cho biết: “Mặc dù chúng tôi vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn, nỗi sợ hãi đại dịch HIV/AIDS cũng có thể đã gây ra những thay đổi hành vi tình dục, bên cạnh đó có thể là vì người dân Zimbabwe được giáo dục tốt, công tác tuyên truyền hiệu quả, cơ sở hạ tầng y tế đảm bảo, tất cả những yếu tố ấy có thể đã góp phần tạo nên hiệu quả đáng mừng mà nghiên cứu đưa ra”.

Đặng Dương theo http://news.yahoo.com