Một khảo sát trên hơn 9.000 người Việt Nam cho thấy, nhóm tuổi nhiễm viêm gan B mạn cao nhất là trẻ em cấp tiểu học và trung học cơ sở (50%). Những người mang mầm bệnh viêm gan B mạn có nguy cơ ung thư gan cao gấp 20 lần người bình thường; 40% trong số họ sẽ tử vong vì ung thư gan.
Giáo sư Hà Văn Mạo, Chủ tịch Hội Gan mật, cho biết, viêm gan B có khả năng truyền nhiễm gấp 100 lần HIV. Ước tính trên thế giới có khoảng 350 triệu người mang virus viêm gan B mạn tính. Ở Việt Nam, cứ 5-7 người dân thì có một người nhiễm. Virus B xâm nhập tế bào gan, biến chúng thành nơi sản xuất virus mới. Khi phát hiện ra sự bất thường này, hệ miễn dịch sẽ tấn công kẻ xâm lược. Nếu "cuộc chiến" thắng lợi, tế bào gan tổn thương sẽ được thay thế bằng những tế bào khoẻ mạnh và bệnh nhân sẽ phục hồi. Nhưng ở một số người, hệ miễn dịch không loại trừ được virus và họ trở thành người mang virus viêm gan B mạn tính. Khoảng 10% số người nhiễm virus B lâm vào cảnh này. Trong các trường hợp xấu nhất, các tế bào gan bị virus phá hoại bị thay thế bằng các mô sợi bất thường, dẫn đến ung thư gan và xơ gan.
Điều nguy hiểm là hầu hết số người bị viêm gan B không có triệu chứng trong nhiều năm, hoặc chỉ có biểu hiện giống như bệnh cúm (mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn), đau thượng vị và vàng da, vàng mắt. Do không biết nên họ có thể vô tình truyền bệnh cho người khác. Viêm gan B lây truyền qua sự tiếp xúc với máu và dịch thể có mầm bệnh (khi quan hệ tình dục, dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu hoặc mẹ truyền cho con qua rau thai).
Giáo sư Mạo khuyên rằng, những người chưa biết chắc mình có nhiễm viêm gan B hay không nên làm xét nghiệm tầm soát. Nếu chưa nhiễm thì nên tiêm vacxin phòng ngừa. Nếu đã có chẩn đoán viêm gan B mạn và virus đang nhân đôi thì cần điều trị sớm trong thời gian dài.
Tiến sĩ Cao Văn Viên, Viện phó Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới cho biết, mục tiêu điều trị viêm gan B là giảm tăng sinh virus, cải thiện triệu chứng lâm sàng, giảm quá trình hoại tử, viêm của gan để hạn chế nguy cơ xơ và ung thư gan. Hiện nhiều loại tân dược có hiệu quả cao trong điều trị bệnh này như interferon, thuốc tương đồng nucleotide và adefovir dipivoxil… Trong đó, interferon có nhược điểm là nhiều tác dụng phụ (sốt, chán ăn, giảm cân, rụng tóc), giá rất đắt, bệnh nhân lại phải đến cơ sở y tế để tiêm. Thuốc cũng không có hiệu quả trong một số dạng bệnh. Còn loại thuốc tương đồng nucleotide (như Lamivudine) tuy có chỉ định rộng hơn nhưng tỷ lệ đề kháng và tái phát cao.
Tiến sĩ Viên cho biết, loại thuốc adefovir dipivoxil có thể khắc phục các nhược điểm trên. Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã thử nghiệm biệt dược mới Hepsera của GlaxoSmithKline trên các bệnh nhân viêm gan B mạn tính và nhận thấy hiệu quả tương đương lamivudine trong việc làm ngừng sự nhân đôi virus, tỷ lệ kháng thuốc rất thấp và xuất hiện muộn. Hepsera có tác dụng với các trường hợp đề kháng với Lammivudin, không chỉ định hoặc không đáp ứng với interferon, có thể dùng cho bệnh nhân ghép gan hoặc đồng nhiễm HIV. Thuốc được bào chế dạng viên uống nên rất tiện lợi cho việc điều trị lâu dài của bệnh nhân. Giá bán của Hepsera tại Việt Nam là 107 USD/hộp 30 viên, uống trong 1 tháng.
Theo giáo sư Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội Gan Mật TP HCM, Hepsera đã được chứng minh về mặt lâm sàng là hiệu quả đối với bệnh nhân kháng những thuốc điều trị hiện tại, cụ thể là Lamivudine. Ở Việt Nam, một số bệnh nhân đã dùng adefovir với cơ số nhỏ, có đáp ứng thuốc. Tuy vậy, hướng điều trị đầu tiên vẫn là sử dụng Lamivudine vì thuốc này tác dụng nhanh, chống virus mạnh, giá rẻ hơn.
Thanh Lê
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ H5N1 và nỗi day dứt giữa sự sống, cái chết (23/01/2005)
▪ Bia tốt cho phụ nữ (24/01/2005)
▪ Phụ nữ có thai không cần ăn quá nhiều (24/01/2005)
▪ Nghề báo không tốt cho sức khỏe (24/01/2005)
▪ Thuốc dạng phối hợp cải thiện tốt triệu chứng hen (24/01/2005)
▪ Hoa mào gà đỏ làm thuốc (24/01/2005)
▪ 400 câu hỏi nữ giới cần biết (phần 241) (22/01/2005)