1. Ngày hôm trước, gửi e-mail nhờ ông bác sĩ trả lời giúp mấy vấn đề chuyên môn. Sáng hôm sau, ông "reply". Ngoài vấn đề tôi cần tìm hiểu, chỉ có vỏn vẹn mấy dòng: "Đêm qua M.H đã "đi" rồi, tôi mệt quá nên sáng nay mới mở máy". M.H "đi" rồi à? Thẫn thờ. Cô là một trong những bệnh nhân nhiễm H5N1 vào những ngày đầu năm 2005. Trong những ngày lê la với người thân bệnh nhân để lấy tin, tôi được biết cô là người thứ 12 trong gia đình, mới lấy chồng năm 32 tuổi. Chồng cô cũng là người làm thuê như cô. Gặp rồi lấy nhau, rồi có đứa con trai, năm nay nó được 2 tuổi nhưng còn bú mẹ. Hai vợ chồng nghèo đến nỗi không có cục đất chọi chim. Cha mẹ vợ già nua (người 78, người 80 tuổi) thương tình cho mượn mấy sào đất để hai vợ chồng trồng dưa. Tiền giống tiền phân đều đi vay đi mượn. Ác nhơn, thằng cha hàng xóm tên T. có bầy vịt gần hai ngàn con, bữa nọ anh ta lùa vịt về đồng, nói xạo với người xung quanh vịt của anh ta có một mớ (khoảng 600 con) bị người ta thuốc chết (!). Những người quanh đồng thương tình, người phụ một tay làm mớ vịt chết này. Trong đó có M.H. Làm xong, anh ta biếu mỗi người vài con coi như trả công làm vịt. M.H. mang vịt về chế biến. Vợ chồng con cái đều ăn, nhưng rốt cuộc chỉ mỗi M.H nhập viện. Nguyên nhân nhiễm bệnh chỉ có thể xuất phát từ đây (vì tới nay đã có ai khẳng định được điều gì).
Xảy ra cớ sự, gia đình mới bật ngửa khi biết rằng anh chàng T. lừa bà con. Thực chất vịt anh ta bị nhiễm H5N1, có lệnh tiêu hủy, anh ta trốn lùa về đây. Khi nghe phong phanh M.H bị nhiễm bệnh và sáng mai xã sẽ vào kiểm tra đàn vịt, tối đó anh ta lùa vịt lên chiếc vỏ lãi dông mất. M.H bị bệnh, mười mấy anh chị em lo nhau chăm sóc và mượn tiền giùm em mình, mỗi ngày mỗi chóng mặt. Cái toa ghi bữa bảy tám trăm, bữa cả triệu. Mà sự thật là vậy, BS cho biết một ống thuốc giá trên 300.000 đồng, mỗi ngày phải xài 3 ống như vậy. Bữa đầu tôi vào, thấy người nhà của M.H mỗi người còn cầm được một hộp cơm riêng. Bữa sau, thấy có tới mấy bịch cơm trắng mà chỉ một bịch thức ăn mặn. Bữa sau nữa, tôi thấy họ gặm bánh mì. Mà bánh mì ăn nào có hết! Trong cái vườn hoa nho nhỏ trước khoa Nhiễm của bệnh viện, nơi họ hiện diện từ ngày sang đêm, chị dâu ngồi chống cằm nhìn xa vắng, chị ruột mệt mỏi gục đầu. Muốn bấm một kiểu hình để ghi lại khoảnh khắc này. Mà thấy chạnh lòng quá, lại thôi. Không thấy chồng M.H đâu, tôi hỏi, người chị dâu nghẹn lời: "Nó lo cho thằng con bị sốt đang nằm nhà thương ở dưới. Mà nó nói "thôi mấy chị lo cho vợ tui đi. Chứ lên mà thấy con vợ tui chết, tui chết theo thì ai nuôi thằng nhỏ..."
Số nợ cứ nhích dần theo ngày M.H nằm viện. 16, 17 rồi 18 triệu. Vị BS cũng hết cách, bữa trước bệnh viện đã miễn phí cho một ca ở Tây Ninh. Các BS, hộ lý đã bỏ thêm tiền túi ra để gọi là giúp người nhà ăn cơm. Những ca sau, ông có đề nghị cấp trên thật cao của ông có cách gì hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo đang nằm thoi thóp thở mà không được."Còn mấy trăm ngàn, thôi không đóng nữa, để dành lo ma chay cho nó, chứ hết nước rồi. Tay chân nó đã phù hết, mắt đứng tròng hết trơn. Lúc mới vô cầu trời cho nó ráng sống. Hôm nay thì cầu cho nó đi sớm, cho nhẹ nhàng" - những người chị em của M.H nói với tôi. Vậy mà khi hỏi tới người đàn ông có khả năng gieo rắc tai ương cho em mình, họ không một lời nặng nhẹ kể tội hay trách móc. "Thì chắc nó tiếc bầy vịt, mấy chục ngàn một con chứ ít gì. Cả bầy đó cũng khoảng mấy chục triệu. Tiêu huỷ thì còn cái gì". Đồng là nông dân, họ thông cảm cho nhau. Họ cũng không nghĩ rằng "sự sống" của người này có thể là cái chết của người khác.
2.
Mà đâu chỉ có ca M.H. Còn có ca B.T., ở Cai Lậy, Tiền Giang. Em chỉ có mới mười tám tuổi. Lúc mới nhập viện, em còn nói với mẹ "con ráng hết bệnh để về đi bán trái cây kiếm tiền Tết". Vậy mà em cứ lả dần, lả dần. Mẹ em lúc ra khỏi phòng cách ly sau gần chục ngày kề cận bên con, lúc đầu kể chuyện với mọi người, mắt bà ráo hoảnh. "Còn nước mắt nữa đâu để mà khóc". Vậy mà chút nữa bà cũng rớt nước mắt. "Nó hồi dương mấy bà ơi. Nhận ra tui, nó cầm tay tôi cứng ngắc, thỉnh thoảng đưa tay ra hiệu muốn nói chuyện". Rồi em cũng đi, để lại món nợ mười mấy triệu cho gia đình.Sau 2 ca trên, hầu như ngày nào cũng có ca nghi nhiễm H5N1 vào bệnh viện. Những người ở lại nuôi người nhà của mình luôn cầu mong đừng có thêm bệnh nhân nào nhập viện nữa, vậy mà mới nói tiếng trước thì tiếng sau có "người mới". Họ cũng từ những nơi xa xôi, từ những miền quê vô tư, hồn hậu được đưa đến, mà đa phần cũng là dân nghèo. "Bệnh nhiễm là bệnh của người nghèo mà" - vị BS có lần nói với tôi. Ừ nhỉ, người có tiền thì đâu có phải trực tiếp làm gà, làm vịt. Họ vào siêu thị, mua những con gà làm sẵn theo quy trình công nghiệp, có nhãn mác, có đóng dấu kiểm dịch đàng hoàng. Đâu có thấy tiếc con gà khi thấy nó có triệu chứng hơi "buồn buồn", hay đã chết bị bệnh dịch. Để rồi giết nó, ăn nó hay muối xả ớt, phơi khô để dành mà mang họa.
Tối thứ năm tuần này, vào bệnh viện, gặp người đàn ông đang hớt hơ hớt hải, chân không còn dép, quần ống thấp ống cao đi mua thuốc cho vợ mình. Chị bị nghi nhiễm H5N1, từ Đồng Tháp chuyển xuống. Nặng đến nỗi xe cấp cứu phải chạy vào tận Khoa. Anh chồng thất thần không thể trả lời nổi lấy một câu. Sáng thứ sáu, chị qua đời. Anh gào lên thống thiết, "Em ơi em chết bỏ anh lại một mình sao?" làm người đi nuôi bệnh phải tản mát, không dám đứng lại nghe. Họ kháo với nhau rằng: Sợ rồi, sợ con "dzi rúc" (lối phát âm Nam Bộ) này thiệt rồi. Anh ta không phải là người đàn ông duy nhất khóc ngất vì mất vợ.
3.
Trở lại với những cái chết vì cúm gia cầm. Phần lớn khi nghe tin dữ, tôi vào bệnh viện thì họ đã được mang đi thiêu rồi. Chỉ còn nghe những lời kể của người còn lại: "Sao cô không vô đây sớm một chút nữa, vô đây mà chụp mấy con "cò". Tôi nhíu mày ngạc nhiên. "Mấy thằng cò ma đó. Tổ cha nó, người ta chết mà nó còn bất nhơn". Nó gạ họ mướn xe, mua hòm của nó. Từ đây lên Bình Dương mà lấy mấy triệu bạc. Họ có biết gì đâu, nghe nó vẽ mà nghe theo, phải chạy thêm một mớ nữa". Tôi nghe mà chưng hửng, hòm hiếc bệnh viện lo hết mà! "Tụi nó dụ, cái gì nói không được". Tôi không có dịp kiểm chứng những lời này cũng như những lời kể của tất cả những người mà tôi gặp. Nhưng tôi tin là họ nói thật. Cái chết lúc này lại là sự sống, kiểu sống của người khác. Đau đớn thay, nhưng sự thật vẫn là sự thật!Noí như thế, nhưng cuộc đời không phải chỉ là một vệt màu tối. Vụ dịch năm ngoái, nhiều người đã trắng tay, bạc tóc khổ sở vì cúm gà. Họ chấp nhận thua lỗ hàng tỉ đồng, phải mang nợ ngân hàng. Trong đó, có nhiều người đã nghĩ đến sự tồn tại của mình và người khác. Họ lặng người, chảy nước mắt khi người ta đem "sự sống" hằng ngày, miếng cơm của mình đi tiêu hủy, để mong đem lại sự an toàn. Có một bà Năm Lệ, một trong những người giàu có nhất nhì ở huyện Bình Chánh, TP.HCM nhờ kinh doanh cám gạo và chăn nuôi gà, rưng rưng khóe mắt ngày tiêu hủy đàn gà bạc tỉ. Sau đó, trong nhà bà còn 4 con sống sót do lẩn trốn được, bà và người làm công không nỡ giết chúng vì thấy... tội nghiệp. Cái chết cho những con gà, thật dễ dàng. Nhưng họ không thể ra tay, dù điều này chưa hẳn là một quyết định đúng đắn trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Cũng có nhiều người, giấu gà rồi đồng ý cho lực lượng thanh niên tình nguyện giết gà, chỉ thiết tha một câu "Tụi bây nhẹ tay với nó một chút coi. Nó chỉ là loài gặp nạn chứ có tội tình gì đâu!”.
Mới đây, vị BS mà tôi quen, lại tiếp tục kêu trong một hội nghị về phòng chống dịch: Cần có một quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo nhiễm H5N1. Đồng ý với ông, một vị BS ở một BV nhi cũng lên tiếng: Nếu có một trận dịch nữa xảy ra, con người (nhân viên y tế - NV) thì bệnh viện còn có thể xoay sở được. Chứ kinh phí cho bệnh nhân nghèo và nặng thì quả là bài toán nan giải. Nên có một sự hỗ trợ...
Giữa sự sống, cái chết, có những cách ứng xử khác nhau như vậy đó. Con virút thì đời nào hiểu được nỗi khổ đau mà chúng mang đến cho con người?
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ 400 câu hỏi nữ giới cần biết (phần 241) (22/01/2005)
▪ H5N1 có thể bùng phát với qui mô lớn (22/01/2005)
▪ Đa số người nhiễm viêm gan siêu vi B không biết mình mắc bệnh (22/01/2005)
▪ Sỏi đường tiết niệu (22/01/2005)
▪ Nguy cơ tự tử cao ở người có trí năng thấp (22/01/2005)
▪ Kỹ thuật mini-open ngực trong mổ cột sống (22/01/2005)
▪ Những bất thường ở trẻ khi ngủ (22/01/2005)