Ẩn hoạ từ thức ăn không đảm bảo chất lượng Xuân Long Còn 15 ngày nữa là đến Tết dương lịch, các đơn vị, cơ sở sản xuất đang chuẩn bị hàng hoá cung ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại nhiều đơn vị, cá nhân vì lợi nhuận coi rẻ sức khoẻ cộng đồng. Những con số mà Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra trong một tháng khiến nhiều người phải giật mình.
Từ ngày 15.11 - 15.12, Đội quản lý thị trường chống hàng giả tiến hành kiểm tra 10 cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn thành phố Hà Nội, tập trung chủ yếu ở đường Minh Khai, Bạch Mai, Trương Định... Qua phát hiện và kiểm tra các cán bộ quản lý thị trường, đã xử lý 9 cơ sở vi phạm. Nội dung vi phạm chủ yếu là chất lượng sản phẩm thực tế thấp hơn chất lượng mà cơ sở đã công bố. Ngoài ra, trong nhiều loại nước mắm có thành phần đường hoá học, nhãn mác hàng hoá vi phạm theo Quy định 178. Qua đấu tranh, các cơ sở sản xuất bước đầu khai nhận: Do nguyên liệu đầu vào được nhập nên thành phần đạm trong sản phẩm có thể thay đổi theo từng lô. Xử lý từ các cơ sở vi phạm, cơ quan quản lý thị trường đã tịch thu hơn 1.000 chai nước mắm các loại. Để nghiêm khắc xử lý đối với những cơ sở vi phạm, ngoài phạt hành chính, toàn bộ số lượng hàng hoá trên đã bị tiêu huỷ. Các cơ sở sản xuất nước mắm vi phạm đã ký cam kết không tái vi phạm. Kết quả kiểm tra cho thấy, đây là mặt hàng khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Việc kiểm tra của cơ quan y tế thường tiến hành định kỳ, chất lượng sản phẩm không có cơ quan giám sát thường xuyên. Dự kiến, cơ quan quản lý thị trường sẽ tiếp tục tái kiểm tra đối với những cơ sở vi phạm. Bánh, nước giải khát cũng đều... có vi phạm Trong ngày 8.12, Đội quản lý thị trường số 14 tiến hành kiểm tra Công ty TNHH bánh kẹo Nam Hương. Tại nơi kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu giữ 5 thùng bánh ống nhân càphê. Qua kiểm tra bước đầu, sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng hàng hoá. Hiện nay, mẫu bánh đã được gửi đến cơ quan kiểm nghiệm để làm rõ chất lượng sản phẩm. Cùng ngày, cơ quan quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra hai cửa hàng trên phố Hàng Giầy và phố Nguyễn Siêu, phát hiện và thu giữ 82 thùng bánh quy vi phạm sở hữu công nghiệp của một đơn vị đã đăng ký được bảo hộ. Theo nhận định của Ban chỉ đạo 127 thành phố Hà Nội: Những tháng giáp Tết, hoạt động kinh doanh, buôn bán diễn ra sôi động. Bên cạnh đó hành vi gian lận thương mại cũng tăng lên và có khả năng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những vi phạm này tập trung vào nhóm hàng hoá phục vụ Tết như: Đồ uống đóng chai, đóng lon, bánh mứt kẹo, điện tử cao cấp... Bắt đầu từ tháng 12, các đội quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra mặt hàng phục vụ Tết. Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tăng mạnh Ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14 cho biết: "Qua kiểm tra cho thấy, số lượng các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồ ăn, đồ uống, hàng hoá phục vụ cho Tết bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 11, đầu tháng 12. Hành vi vi phạm tăng, diễn biến phức tạp hơn nhiều so với những năm trước. Thủ đoạn vi phạm tinh vi, nội dung vi phạm chính là chất lượng, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoa...". Ngày 6.12, Đội quản lý thị trường chống hàng giả giao cho tổ công tác điều tra, trinh sát các cơ sở sản xuất chế biến mặt hàng thực phẩm ăn uống phục vụ trong dịp Tết. Tổ công tác số 3 nắm tình hình đã phát hiện cơ sở Hồng Loan - địa chỉ tại Kim Lũ, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội chuyên kinh doanh chế biến các loại hạt dưa tiêu thụ mạnh trong dịp Tết và trong mùa cưới. Xác định ban đầu, số hạt dưa phần lớn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tại địa chỉ trên, cơ sở thường xuyên sấy, tẩm và nhuộm màu. Số hàng hoá nhập khẩu có hoá đơn chứng từ và giấy kiểm dịch thực vật, tuy nhiên cơ sở đã sử dụng loại phẩm màu công nghiệp không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 294kg hạt dưa thành phẩm đã được sấy tẩm và nhuộm màu cùng 2,1kg phẩm màu dùng để nhuộm hạt dưa và 3 can nhựa loại 1,5l dùng để pha phẩm màu. Qua đấu tranh, chủ cơ sở Lê Thị Hồng Loan đã khai nhận số phẩm màu trên không phải là phẩm màu thực phẩm, toàn bộ hạt dưa cơ quan chức năng thu giữ được nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp. Cơ quan quản lý thị trường đã tạm giữ toàn bộ số hạt dưa trên và gửi mẫu xét nghiệm. Trong 11 tháng của năm 2004, hơn 85% số hàng hoá về thực phẩm, đồ ăn, đồ uống được các cơ quan kiểm tra gửi mẫu kiểm nghiệm đều có kết quả không đảm bảo chất lượng, chất lượng thực tế không đúng với chất lượng đã công bố, vi phạm về nhãn hiệu hàng hoá, hàng giả. Những con số này đáng báo động về tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đây chính là những ẩn hoạ từ thực phẩm mà người tiêu dùng và cả cơ sở sản xuất chưa lường hết được. |
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Sóc Trăng: nhiều mẫu huyết thanh dương tính virus H5 trên đàn vịt đẻ (16/12/2004)
▪ Vụ “mổ nhầm” tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội: Thai nhi vẫn an toàn (16/12/2004)
▪ Hà Nội: lần đầu tiên điều tra sức khỏe sinh sản bằng máy tính (16/12/2004)
▪ Nhà thuốc sẽ tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản (16/12/2004)
▪ Nên cho các bác sĩ đi tham quan xí nghiệp dược (16/12/2004)
▪ Phát hiện ra gen chống ung thư ruột kết (16/12/2004)
▪ Selenium có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột (15/12/2004)