Ðậu đen, vị thuốc
Các Website khác - 25/11/2004
Ðậu đen tính bình, vị ngọt mặn, có tác dụng hoạt huyết lợi thủy, giải độc thanh nhiệt, sản hậu bị phong, chống phù thũng... Dưới đây là 14 cách dùng đậu đen để chữa các bệnh thông thường.

Ðậu đen còn gọi là hắc đại đậu, ô đậu, hắc đậu, đông đậu tử, hắc đại đậu. Là hạt mầu đen của cây đậu. Tính bình, vị ngọt mặn. Thành phần chính có: albumin, chất béo, cacbua hydro, cùng caroten, vitamin B1, B2, acid nicotic. Còn có aldehit đậu, acid chlorophyllic, acid chlorophyllic chưa no, vitamin B12, một số acid hữu cơ và acid amin khác.

Tác dụng : hoạt huyết lợi thủy, giải độc thanh nhiệt, trừ phong, trảo độc, sản hậu bị phong, giải độc thuốc, chống phù thũng.

Cách dùng: uống: đun thành thang hoặc phối hợp các vị thuốc khác. Dùng ngoài da: xay nhỏ đắp hoặc đun lấy nước mà bôi.

Kiêng kị: kiêng dùng cây Celtis, thầu dầu. Khi dùng tetracilin, tyrothrycin thì không nên dùng đậu đen.

Chữa trị:

1 - Bọng nước sưng độc: dùng 30 - 60g đậu đen, đun chín rồi uống nước, ăn bã.

2 - Thông đại tiện, trừ táo bón: lấy 30 g đậu đen đun nhừ thành hồ, ăn.

3 - Trẻ con mọc đơn độc, bị bỏng: Ðậu đen đun nước đặc đắp vào chỗ đau.

4 - Nổi mề đay: 150 g đậu đen đun nước thêm đường đỏ mà ăn.

5 - Thận hư, hay háo nước: phấn thiên hoa, đậu đen (rang) lượng bằng nhau, xay bột nhỏ, trộn với hồ mì hay gạo, viên thành hoàn bằng hạt ngô đồng, lấy 100 hạt đậu đen nấu thành canh để uống.

6 - Trẻ con nóng: 6 g đậu đen, 3 g cam thảo, 7 tấc bấc đèn, 1 lá tre gai sắc lên uống.

7 - Giải độc ba đậu: dùng nước đậu đen mà giải.

8 - Mồ hôi trộm: a/Ðậu đen, lúa mì ngậm sữa mỗi thứ 30 g sắc lên uống; b/ 9 g vỏ đậu đen, 10 g lúa mì ngậm sữa, sắc lên uống ngày hai lần.

9 - Kinh nguyệt không đều: 30g đậu đen (rang, giã bột), 12 g tô mộc, sắc lên sau cho thêm đường đỏ uống ngày 1- 2 lần.

10 - Yếu ốm sau khi đau, hay toát mồ hôi: Ðậu đen, lúa mì ngậm sữa mỗi thứ 30 g, táo tầu 5 quả, đun nước uống ngày hai lần.

11 - Bỏng: Ðậu đen 250 g, đun thành hồ đặc, đắp vào chỗ bị bỏng, vớt hạt đậu ăn.

12 - Ðau khớp do phong thấp: Ðậu đen ngâm nước thành giá đậu, sấy trong râm để dùng dần. Mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 60 - 90 g đun với nước mà uống.

13 - Kinh nguyệt không thông, bụng dưới lạnh đau: Ðậu đen 30 g, hoa hồng 6 g, đường đỏ 30 g. Ðem đậu đen và hoa hồng sắc lên, lấy nước bỏ bã, cho thêm đường đỏ. Mỗi ngày uống hai lần.

14 - Xơ gan cổ trướng: đậu đen, bột mì cũ, nhân hạt óc chó, táo tầu, phèn chua mỗi thứ 100 g. Ðem đậu đen và bột mì cũ đun chín, rang khô, nghiền thành bột nhuyễn, sau đó lấy táo tầu bỏ hột cùng nhân hạt óc chó và phèn xay nhuyễn, rồi trộn đều với nhau, luyện với mật làm viên, mỗi viên khoảng 9 g. Mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần 1 - 3 viên.

Theo sách "Thức ăn vị thuốc"
Viện Nghiên cứu và phổ biến kiến thức bách khoa