Phụ nữ và bệnh ung thư
Các Website khác - 24/11/2004
Phẫu thuật điều trị ung thư vú tại BV Ung bướu TP.HCM.

Có một hiện tượng mà các nhà chuyên môn đang nghiên cứu để lý giải: trong khi phụ nữ (PN) tại TP.HCM bị ung thư (UT) cổ tử cung (CTC) rất nhiều, thì tại Hà Nội, loại UT này rất ít; ngược lại, UT vú chiếm số đông ở Hà Nội thì tại TP.HCM lại ít hơn hẳn!


Các loại bệnh ung thư thường gặp

Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM cho biết, trong số những PN bị UT đến khám tại BV Ung bướu thì thường gặp nhất là UT CTC và UT vú, nhưng loại UT thường gặp nhất ở PN tại TP.HCM là UT CTC, bình quân mỗi năm có từ 28 - 30 người bệnh mới được phát hiện/100.000 PN (trong khi PN ở Hà Nội rất ít bị loại UT này - chỉ khoảng 6/100.000 PN). Từ tháng 10.2003 đến tháng 10.2004, BV Ung bướu TP.HCM tiếp nhận đến 2.000 ca UT CTC mới. 60% người bệnh đến BV khi bệnh ở giai đoạn I và II, giai đoạn III và IV chiếm 40%, tuổi thường mắc phải từ 35 - 65. Theo ghi nhận trước đây của giới chuyên môn, phần lớn PN bị UT CTC là ở các nước nghèo, có điều kiện kinh tế, môi trường, vệ sinh kém, sinh đẻ nhiều... Hiện nay các nhà khoa học còn phát hiện thêm nguy cơ cao dẫn đến UT CTC là do nhiễm vi-rút HPV. Hiện thế giới đang nghiên cứu sản xuất ra loại vắc-xin phòng loại vi-rút này.

Nhằm giúp phụ nữ trên địa bàn TP.HCM phát hiện sớm hai căn bệnh UT thường gặp là UT cổ tử cung và UT vú, từ cuối năm 2002, BV Ung bướu TP.HCM đã triển khai chương trình tầm soát UT ở các quận, huyện (tất cả các phụ nữ tham gia chương trình được miễn phí hoàn toàn việc thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán...), đến nay chương trình đã được thực hiện ở 8 quận, huyện. Chương trình sẽ tiếp tục triển khai ở những quận, huyện còn lại trong thời gian tới để hình thành mạng lưới phòng chống UT trên toàn thành phố.

UT vú chiếm tỷ lệ cao hàng thứ hai ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Riêng tại TP.HCM, bình quân có 17 trường hợp UT mới/100.000 PN (ở Hà Nội tỷ lệ này là 21/100.000). Từ tháng 9.2002 đến tháng 9.2004, BV Ung bướu TP.HCM tiếp nhận điều trị cho 2.357 ca bị UT vú mới. Trong số các bệnh nhân UT nhập viện tại BV, số ca ở giai đoạn I (giai đoạn sớm) chiếm 10%, giai đoạn II chiếm 60%, giai đoạn III chiếm 25% và giai đoạn IV (giai đoạn cuối) chiếm 5%, PN từ 35 - 55 tuổi là đối tượng thường mắc phải. Phần lớn chị em tự phát hiện khi thấy có một cục lạ nổi cộm trong vú nhưng không thấy đau, hoặc qua việc khám sức khỏe tổng quát. Hiện nay, nguyên nhân gây nên UT vú vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ là: PN trên 35 tuổi, PN sống độc thân, có ít con hoặc có con đầu lòng sau 30 tuổi; người béo phì; có mẹ hay chị em bị UT; PN có kinh sớm (lúc 12, 13 tuổi) hay mãn kinh muộn (sau 55 tuổi)... Các nhà khoa học còn ghi nhận rằng có khoảng 5 - 10% PN bị UT vú là do có gen di truyền (BRCA1, BRCA2). Theo bác sĩ Chấn Hùng, tỷ lệ 10% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là con số lớn hơn so với trước đây, đó là nhờ việc khám bệnh tổng quát định kỳ.

UT buồng trứng cũng là bệnh phổ biến đối với PN; tại TP.HCM trung bình mỗi năm có 5/100.000 PN mắc bệnh. Trong 10 tháng đầu năm 2004, BV Ung bướu tiếp nhận 250 ca UT buồng trứng. Mặc dù tỷ lệ thấp hơn so với UT vú và UT CTC, nhưng phần lớn loại UT này được phát hiện trễ, diễn tiến bệnh xấu, khả năng điều trị hạn chế. Kế tiếp là UT tuyến giáp trạng (mặc dù không phải là bệnh riêng của PN, nhưng PN là đối tượng thường mắc loại UT này với bình quân 4/100.000 PN mỗi năm tại TP.HCM).

Phòng ngừa: Cực kỳ quan trọng

Các bác sĩ cho rằng việc phòng ngừa cũng như phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng đối với căn bệnh UT. Chẳng hạn, để phòng UT CTC cần điều trị dứt điểm nếu bị viêm nhiễm ở bộ phận này. PN trên 30 tuổi, đã có gia đình thì nên khám phụ khoa hằng năm, dù chưa có triệu chứng gì cũng cần thử tế bào âm đạo (tại nhiều nơi có thử tế bào này). Mặc dù UT CTC là bệnh thường gặp, nhưng lại có thể phát hiện sớm (ở giai đoạn 0) bằng việc thử tế bào âm đạo, dễ phòng ngừa, hiệu quả điều trị cao. Nếu bệnh còn ở giai đoạn 0, điều trị đúng thì kết quả khỏi bệnh là 100%, giai đoạn I điều trị tốt thì kết quả đạt 80 - 90%, giai đoạn II cho kết quả khoảng 70 - 80%, giai đoạn III từ 30 - 50%.

Đối với UT vú, nếu bệnh còn ở giai đoạn I và II thì còn nhiều cơ may điều trị khỏi. Cụ thể, giai đoạn I, nếu được điều trị đúng, tích cực thì kết quả điều trị lành bệnh đạt từ 80 - 90%, giai đoạn II có khả năng lành bệnh từ 70 - 80%. Còn ở giai đoạn III, việc điều trị khó khăn hơn nhưng vẫn có khả năng điều trị dứt. Đối với giai đoạn IV là đã có di căn xa, thường kết quả điều trị sẽ hạn chế, tuy nhiên nhờ những tiến bộ y học hiện nay, việc điều trị cho kết quả khá hơn so với trước đây; vì vậy cần đi khám sớm khi thấy u ở vú.

Để phát hiện sớm UT buồng trứng, PN (kể cả còn trẻ) khi khám sức khỏe định kỳ cần siêu âm vùng bụng và siêu âm phụ khoa để sớm phát hiện những bất thường ở buồng trứng. Còn UT tuyến giáp, ngay cả với các bé gái trên 15 tuổi, nếu thấy có cục hay hột ở tuyến giáp thì phải cảnh giác, nên đi siêu âm. Đây là loại UT dễ điều trị, tuy nhiên, thường đa số PN tưởng rằng là bướu cổ thông thường nên không điều trị sớm.

Thanh Tùng