Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) là muỗi Aedes aegypti, là loại muỗi nhỏ (khoảng 5mm) có màu đen, trắng có sọc ở chân và lưng (còn gọi là muỗi vằn). Chỉ có muỗi cái đốt người và thường sống trong và quanh nhà. Muỗi cái đẻ trứng ở tất cả những nơi có nước sạch, trong đọng lại như thùng, bể, phuy, chậu, lọ hoa, chai bỏ đi, ống bơ, lốp xe, hốc cây và cả ở khay hứng nước từ tủ lạnh,... Sau từ 7-10 ngày trứng trở thành muỗi trưởng thành và bắt đầu đốt người. Chúng đốt dai dẳng (đốt nhiều lần đến khi no), đốt chủ yếu ban ngày, thường vào khoảng 7-9 giờ sáng và 5-6 giờ chiều. Muỗi vằn thường đậu trên quần áo, màn, bàn, ghế, tủ và ít khi đậu ở tường. Nhiệt độ thuận lợi cho đàn muỗi phát triển là trên 26oC (11-18 ngày), ở nhiệt độ cao hơn: 32-35oC chỉ cần 4-7 ngày. Muỗi vằn có thể bay xa vài trăm mét và có thể theo các phương tiện vận chuyển di chuyển đi các vùng khác nhau. Với khả năng đó muỗi vằn dễ dàng làm cho SXH tăng nhanh.
Muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) chủ yếu là muỗi Culex tritaeniarhynchus . Muỗi Aedes cũng có thể truyền bệnh này. Muỗi sản mạnh vào mùa hè, nhất là từ tháng 3 đến tháng 7. Muỗi bị nhiễm virut VNNB có thể mang virut suốt đời, chúng được bảo vệ trong mùa đông và truyền cho thế hệ sau qua buồng trứng. Sự phát triển của chúng phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ bên ngoài, với nhiệt độ 27-30oC chúng có thể hoạt động quanh năm, nhưng tăng mạnh vào mùa nóng. Loại muỗi này lại hoạt động mạnh vào lúc chập tối, thường đậu bên ngoài nhà, bờ bụi cây, cống rãnh, vườn ao và ruộng lúa đến tối vào nhà đốt người hoặc đốt gia súc. Muỗi Culex tritaeniarhynchus truyền bệnh VNNB – căn bệnh rất nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao.
Muốn chủ động phòng chống các bệnh nguy hiểm do muỗi truyền, cần phải loại bỏ nơi muỗi đẻ bằng các cách. Một là đậy kín đồ chứa nước để muỗi không thể đẻ trứng vào đó. Nếu nắp đậy không kín, muỗi có thể bay vào đẻ trứng rồi thoát ra. Hai là che kín hố rác và hố thấm để muỗi không thể đẻ trứng vào đó. Ba là hủy rác quanh nhà có thể làm nước mưa đọng lại, cần chôn hoặc đốt. Bốn là hủy bỏ các vật chứa nước quanh nhà như lọ vỡ, bình, ống bơ, lốp xe,... để muỗi không có nơi đẻ trứng. Năm là có thể dùng các chất diệt bọ gậy an toàn và dễ sử dụng do y tế hướng dẫn.
Phòng chống muỗi đốt: Mọi người có thể tự bảo vệ mình tránh bị muỗi đốt bằng cách đốt hương, hoặc phun thuốc trừ muỗi. Nằm màn khi ngủ bất cứ vào thời gian nào trong ngày, nhất là trẻ em.
Khi có dịch SXH hoặc VNNB xảy ra thì phải tiến hành những biện pháp diệt muỗi bằng cách sử dụng thuốc diệt côn trùng phun dạng sương mù hoặc dạng dung tích cực nhỏ. Biện pháp này góp phần làm giảm số lượng muỗi trưởng thành truyền bệnh để giảm khả năng lây lan dịch. Khi nhân viên y tế phun thuốc, các gia đình cần mở cửa sổ và cửa ra vào để cho thuốc có thể bay vào diệt muỗi sống trong nhà.
Ngoài ra, tiêm phòng vacxin viêm não Nhật Bản B là cách dự phòng chủ động và có hiệu quả nhất cho các cháu chưa có miễn dịch.
Vacxin tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến 15 tuổi với liều lượng 0,5 ml dưới da cho trẻ dưới 3 tuổi và 1ml cho trẻ trên 3 tuổi (36 tháng), tiêm 2 mũi cách nhau từ 1-2 tuần. Mũi thứ 3 sau 1 năm. Cứ 3 năm nhắc lại 1 lần để bảo đảm miễn dịch được bền vững.
BS. Trần Văn Lạng
|