Đề phòng ngộ độc cá nóc
Các Website khác - 07/01/2005
Cá nóc là loại có độc tố cao, bền, chứa nhiều trong buồng trứng, gan, tụy, máu, mang và đầu, dễ gây ngộ độc và nguy hiểm tới tính mạng. Khi nạn nhân bị ngộ độc cá nóc, cần phải gây nôn bằng cách cho uống mùn thớt, than hoạt tính... rửa dạ dày sớm nhằm hạn chế sự hấp thụ của độc tố trong đường tiêu hóa.
Cá nóc là loài cá sống ở biển, có nhiều họ và loài khác nhau. Ở vùng biển Việt Nam đã xác định được một số họ cá nóc sau:

Họ cá nóc tetraodontidae: là họ cá nóc có nhiều loài độc nhất, vây các loài cá này biến thành gai nhỏ, thân mềm. Cá trưởng thành, có chiều dài khoảng 85cm, răng cá thành tấm cứng, có nhiều loại màu sắc khác nhau, khi bị kích thích bụng cá phình to như quả bóng.

Họ cá nóc hòm (ostraciontidae: loại cá này có lớp vảy liên kết thành một khối hộp xương vững chắc dạng chiếc hòm, thường sống ở tầng đáy biển, cá trưởng thành có chiều dài khoảng 50cm.

Họ cá nóc nhím (diodontidae: họ cá này chỉ có một loài, vây biến thành gai dài khoảng 10mm - 20mm nhọn và sắc như lông nhím, khi bị kích thích cá sẽ phình to bụng như quả cầu gai để tự vệ, cá trưởng thành có chiều dài khoảng 90cm.

Họ cá nóc ba răng (triodontidae: chỉ có một loài thường ít gặp, bình thường bụng cá đã phình to như cái vợt, có 3 răng cứng, cá trưởng thành dài khoảng 8 - 34cm.

Các nhà khoa học đã phân tích độc tố ở các loài cá nóc, trong đó độc tố chiếm chủ yếu là tetrodotoxin. Ngoài ra còn có độc tố hepatoxin chiếm tỷ lệ thấp. Độc tố cá nóc đã được phân tích, xác định rõ cấu trúc là một hợp chất phức tạp có công thức chung là C11 H1708N3, có nhiều trong buồng trứng, gan, tụy, máu, mang và ở đầu. Độc tố cá nóc rất bền vững, đun sôi ở nhiệt độ 100oC trong 6 giờ mới giảm đi 1/2, nếu ăn khoảng 10g cá nóc có độc tố thì sẽ bị ngộ độc.

Để tránh ngộ độc cá nóc ảnh hưởng đến sức khỏe cần tuyệt đối không được sử dụng cá nóc làm thực phẩm, không được phơi khô cá nóc với các loại cá khác, không được làm bột cá nóc và nước mắm cá nóc.

Khi có người bị ngộ độc cần phải tiến hành gây nôn bằng cách cho nạn nhân uống mùn thớt, than hoạt tính, rửa dạ dày càng sớm càng tốt nhằm hạn chế sự hấp thụ của độc tố trong đường tiêu hóa, khẩn cấp vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị.

Hiện nay điều trị ngộ độc cá nóc chưa có thuốc chống độc đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng như: cho thở ôxy để chống suy hô hấp và sử dụng một số loại thuốc chống trụy tim mạch.

BS. Minh Ngọc
Theo Theo Sức khỏe đời sống