Bệnh nhân M.T.T.L., 35 tuổi, ngụ tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, tử vong sáng 21/1, chỉ 10 tiếng sau khi vào Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, vừa được xác định do nhiễm cúm H5N1. Lúc nhập viện, tình trạng bệnh nhân đã không thể cứu vãn với hai phổi tổn thương gần như hoàn toàn, phải thở máy do suy hô hấp.
Trước đó, T.L. không làm thịt, ăn thịt gia cầm chết. Dấu hiệu dịch tễ duy nhất do người nhà kể lại là bệnh nhân đã tắm kênh có nhiều xác gia cầm chết. Khi nhập viện, người bệnh ở tình trạng nhiễm trùng nặng. Như vậy, khu vực phía Nam đến nay đã phát hiện 7 ca H5N1 và tất cả đều đã tử vong.
Tại miền Bắc, đã có 3 người số người được xác định nhiễm H5N1. Bệnh nhân thứ 3 là anh Nguyễn Mạnh Hùng, 36 tuổi, em trai của 2 người Thái Bình đã được công bố nhiễm H5N1 mấy ngày trước. Anh Hùng nhập viện ngày 21/1 ngay khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính, dù chưa hề có biểu hiện lâm sàng.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Thành Hưng.
Hôm nay, tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, bệnh nhân Hùng vẫn khỏe mạnh và không có các triệu chứng của người nhiễm H5N1, hình chụp phổi chưa thấy có tổn thương. Bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, Phó phòng Cấp cứu cho biết, tuy không có triệu chứng bệnh nhưng anh Hùng vẫn được điều trị và phải cách ly để phòng lây nhiễm cho người khác vì khả năng lây bệnh từ người sang người vẫn chưa được loại trừ. Khoảng một tuần sau, anh sẽ được làm lại xét nghiệm để xem còn virus H5N1 trong cơ thể hay không.
Còn bệnh nhân Hưng, anh trai của bệnh nhân Hùng, cũng đã khỏi bệnh. Anh không còn sốt, ho và khó thở, tổn thương phổi cũng đã hết. Anh sẽ được theo dõi mấy ngày nữa rồi xuất viện, sau đó sẽ tái khám hằng tuần. Đây là bệnh nhân H5N1 đầu tiên được phát hiện ở miền Bắc, cũng là ca đầu tiên trong cả nước được chữa khỏi trong mùa dịch này.
Giải thích về việc 2 bệnh nhân Hưng và Hùng đều tỏ ra khỏe khoắn trong khi anh ruột là Nguyễn Hữu Việt thì có biểu hiện nặng ngay khi nhập viện và tử vong dù được điều trị tích cực, bác sĩ Vân cho rằng đó là do sức đề kháng và mức độ tiếp xúc với mầm bệnh của mỗi người khác nhau. Anh Việt đã cao tuổi, bị suy sụp do con chết đuối, lại trực tiếp làm thịt ngan nên chỉ 3 ngày sau đó đã có biểu hiện suy hô hấp. Còn 2 người em còn trẻ khỏe nên thời gian ủ bệnh dài (với anh Hưng là 12 ngày, còn anh Hùng thì thậm chí chưa phát bệnh). Theo bác sĩ Vân, thời gian ủ bênh càng ngắn chứng tỏ virus có độc lực càng mạnh. Về hiện tượng các ca nhiễm H5N1 trong miền Nam đều đã tử vong, bác sĩ Vân cho rằng có thể do người dân phát hiện bệnh và đi khám quá muộn, khi các tạng đã bị tổn thương nặng nề.
Tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới hiện còn 2 ca nghi nhiễm H5N1 đang điều trị, sức khỏe đều đã bình phục. Trưa nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm của họ đều âm tính. Đó là anh Trần Văn Trường và Nguyễn Đức Hải, người Vĩnh Phúc. Hai bệnh nhân này sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Những ca viêm phổi khác đang điều trị tại viện đều đã được loại trừ khả năng nhiễm H5N1. Ngoài ra, viện cũng đang chờ kết quả xét nghiệm của một bệnh nhân tử vong hôm 22/1 sau khi nhập viện 4 giờ. Theo bác sĩ Vân, có khả năng bệnh nhân viêm phổi này không bị cúm A vì đã có biểu hiện sốc (chưa thấy ở bệnh nhân H5N1 nào).
Thanh Nhàn - Lê Nhàn
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ H5N1 và nỗi day dứt giữa sự sống, cái chết (23/01/2005)
▪ 50% học sinh cấp 1-2 nhiễm virus viêm gan B mạn (24/01/2005)
▪ Vị thuốc từ cây hoa thủy tiên (24/01/2005)
▪ Chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân (24/01/2005)
▪ Miền Bắc đã có 3 người nhiễm H5N1 (24/01/2005)
▪ Bia tốt cho phụ nữ (24/01/2005)
▪ Phụ nữ có thai không cần ăn quá nhiều (24/01/2005)