Cẩn thận với bệnh viêm não cấp trẻ em
Các Website khác - 12/11/2004
Các cháu viêm màng não đang
điều trị tại Khoa Nhiễm thần kinh
- BV Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh.
Viêm não cấp là bệnh nặng ở trẻ em, nguy cơ tử vong cao, có thể để lại những di chứng nặng nề cho trẻ như yếu tay chân, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, thậm chí sống đời sống thực vật. Thời điểm tháng 10, 11 hoặc tháng 3-5 hằng năm, mắc bệnh này lại tăng lên .

Ngày 3-11, cháu N.V.T.A, 15 tháng tuổi, ngụ tại Tân An (Long An) đã tử vong sau 7 giờ nhập viện BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh vì bệnh viêm não cấp (VNC). Trước đó, A. bị lở loét miệng, nổi bóng nước ở tay, chân. Sang ngày thứ 5, em trợn mắt, co giật, hôn mê, lúc này người nhà mới đưa em tới bệnh viện thì mọi chuyện đã quá muộn.

Trẻ mắc bệnh tăng cao

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm –Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, cho biết: “Như đã thành chu kỳ, cứ vào thời điểm giữa năm và cuối năm số trẻ mắc bệnh VNC lại tăng lên. Chỉ tính riêng Khoa Nhiễm- Thần kinh BV Nhi Đồng 1, trong tháng 10 - 2004 đã có 24 trẻ VNC nhập viện, đa số đều dưới 3 tuổi và một số đã tử vong trong 24 giờ đầu nhập viện. Ngày 3-11, tại đây có 11 trẻ nằm điều trị bệnh VNC với 4 trường hợp nặng”. Tương tự, tại BV Nhi Đồng 2, theo bác sĩ Trần Thị Việt, Trưởng Khoa Nhiễm, từ đầu tháng 10 đến nay khoa đã nhận điều trị cho 5 trẻ mắc bệnh VNC, trong khi các tháng trước đó đều không có ca nào.

Bác sĩ Khanh nhận xét: Năm nay số trẻ tử vong do VNC giảm hơn so với năm trước vì nhiều bà mẹ đã biết triệu chứng bệnh, nên đưa trẻ đến nhập viện sớm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trẻ vào viện trong tình trạng nặng. Những trường hợp diễn tiến bệnh nhanh, tử vong trong 24 giờ đầu nhập viện không phải là hiếm gặp.

Tỷ lệ tử vong: 15% - 20%

Ba điều lưu ý về viêm não cấp

1. Đưa trẻ đến BV ngay khi nghi ngờ trẻ bị VNC.

2. Nếu triệu chứng chưa rõ ràng và chưa có điều kiện đưa trẻ đi khám thì có thể điều trị tại nhà bằng cách hạ sốt trẻ (lau mát, uống thuốc Paracetamol), cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu và chia thành nhiều bữa.

3. Không phải mọi trường hợp VNC được phát hiện và điều trị sớm đều trở lại cuộc sống bình thường, tuy nhiên nếu phát hiện và điều trị sớm thì khả năng cứu sống sẽ cao hơn và giảm thiểu những di chứng có thể xảy ra.

(Ghi theo ý kiến của bác sĩ Trương Hữu Khanh)


VNC thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao (39oC - 40o C), có thể kèm theo ho, ói, tiêu chảy. Ngoài ra, còn một số triệu chứng đáng nghi ngờ như co giật, thay đổi tri giác. Những triệu chứng này có thể dễ hoặc khó phát hiện tùy vào mức độ biểu hiện. Trẻ co giật, hôn mê, bị kích thích đau nhưng không khóc hoặc không nuốt được thì gia đình còn dễ phát hiện, chứ khi có những biểu hiện không rõ như run chi, giật mình thoáng qua, hoảng hốt, khóc nhiều, ngủ li bì thì rất dễ bị bỏ qua. Bác sĩ Khanh cho biết VNC là một bệnh viêm nhiễm não bộ. Đây là loại bệnh nặng, với tỷ lệ tử vong là 15% - 20%, di chứng 30%-35%, khoảng 50% trở lại cuộc sống bình thường. Trẻ VNC nặng có thể tử vong trong 24 giờ đầu nhập viện, còn đa phần hôn mê sâu trong 4 -5 ngày rồi hồi phục. Sau hồi phục, trẻ có hoặc không để lại di chứng. Một số di chứng thường gặp là sống đời sống thực vật, yếu tay chân, động kinh, chậm phát triển trí tuệ.

VNC do nhiều loại virus khác nhau gây ra, xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc qua da (từ muỗi chích). Sau đó một số siêu vi lên não gây viêm não, còn đa số chỉ gây bệnh thông thường như sốt, cảm cúm, sổ mũi hay tiêu chảy. Virus chỉ tấn công vào não gây bệnh khi đó là virus có độc tính mạnh hoặc cơ thể có sức đề kháng yếu.

Bác sĩ Khanh lưu ý, với những trẻ có triệu chứng loét miệng, nổi bóng nước tay, chân (triệu chứng của bệnh tay chân miệng), các bậc cha mẹ nên theo dõi trẻ mặc dù bệnh này có tỷ lệ biến chứng viêm não rất ít. Nếu thấy trẻ có biểu hiện lơ mơ phải đưa trẻ đến BV điều trị ngay.

Tiêm ngừa và giữ vệ sinh cho trẻ

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết hiện nay VNC vẫn chưa có thuốc đặc trị, nên việc phòng ngừa là rất quan trọng. Tại Việt Nam, 40% số trẻ mắc bệnh viêm não là viêm não Nhật Bản, một số do Enterovirus, số còn lại chưa xác định được tên của virus. Vì vậy, trẻ trên 1 tuổi nên được tiêm vắc- xin phòng viêm não Nhật Bản, đặc biệt là trẻ sống ở vùng nông thôn, vùng trồng lúa và nuôi heo. Tuy nhiên, trẻ đã chích ngừa viêm não Nhật Bản vẫn có thể bị VNC vì bệnh do nhiều loại virus gây ra. Ngoài tiêm ngừa, tránh để muỗi đốt trẻ bằng cách diệt muỗi, cho trẻ ngủ mùng, giữ vệ sinh trong ăn uống (rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ăn thức ăn chín). Viêm não do Enterovirus lây truyền qua đường miệng và phân, do vậy không để trẻ lê la dưới đất, tiếp xúc với các đồ chơi, dụng cụ dính đất, phân.

Chích ngừa viêm não Nhật Bản ở đâu?

Sơ chủng tiêm ba liều, liều 2 cách liều 1 từ 7-10 ngày, liều 3 sau liều 2 một năm.

Tái chủng: Nhắc lại sau 3-4 năm.

Một số địa chỉ tiêm chủng viêm não Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh:

- Viện Pasteur: Dưới 3 tuổi: 13.000 đồng/liều, trên 3 tuổi: 26.000 đồng/liều.

- BV Nhi Đồng 1: Dưới 3 tuổi: 12.000 đồng/liều, trên 3 tuổi: 22.000 đồng/liều.

- BV Nhi Đồng 2: Dưới 3 tuổi: 13.000 đồng/liều, trên 3 tuổi: 23.500 đồng/liều.


Theo Người lao động