Suy dinh dưỡng ở trẻ - cách nhận biết và phòng tránh
Các Website khác - 12/11/2004
Tình trạng suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến thể lực và trí tuệ của trẻ. Chế độ ăn uống như thế nào để trẻ khỏe mạnh, thông minh, không bị suy dinh dưỡng... luôn là mối quan tâm của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con mình.

Dấu hiệu: Chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân. Trẻ biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt. Trẻ buồn bực, hay quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt. Các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần. Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng.

Theo các bác sĩ tư vấn thì trẻ dễ bị SDD nhất trong khoảng thời gian từ 6 đến 24 tháng tuổi. Đây là thời kỳ trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao, thời kỳ thích ứng với môi trường, thời kỳ nhạy cảm với bệnh tật; nhất là trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không đủ sữa, trẻ khi sinh ra nhẹ hơn 2,5 kg hoặc mẹ sinh đôi, sinh ba. Bên cạnh đó, trẻ ở gia đình đông con, điều kiện vệ sinh kém, gia đình không hòa thuận; trẻ đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp cũng dễ bị SDD.

Theo BS. Lê Thị Hải, Phó Trưởng phòng khám, để xác định trẻ có SDD hay không ngoài các dấu hiệu chủ yếu còn có các điều kiện chuẩn để so sánh trẻ nhẹ cân hay bị thấp còi. Cách thứ nhất là dựa vào cân nặng theo tuổi: Khi trẻ mới sinh nặng cỡ 3kg, sau 5 tháng tăng gấp đôi, 12 tháng tăng gấp ba; sau đó mỗi năm tăng thêm 2kg, khi bé 6 tuổi thì cân nặng phải là 20 kg. Nếu ở vùng sâu, vùng xa không có cân, có thể đo vòng cánh tay trẻ từ 1-5 tuổi. Trẻ bình thường 14 - 15 cm; nếu dưới 13 cm là SDD. Cách thứ hai là dựa vào chiều cao theo tuổi: Khi mới sinh trẻ dài 50 cm, 6 tháng - 65 cm, 12 tháng - 75 cm, 2 tuổi - 85 cm, 3 tuổi - 95 cm, 4 tuổi - 100 cm; sau đó mỗi năm chiều cao tăng thêm 5 cm, khi bé 8 tuổi phải cao 120 cm.

Thông thường các bà mẹ cho rằng trẻ nhỏ cần ăn ít, không nắm được trẻ ăn bao nhiêu trong ngày chứ không phải không có khả năng cung cấp đầy đủ cho trẻ ăn. Trung bình trẻ cần ăn từ 4 - 5 chén cháo đậu hoặc cơm nát mỗi ngày. Nhiều gia đình cho rằng trẻ đã lớn, ăn theo người lớn 2 - 3 bữa là đủ, trong khi dung tích dạ dày của trẻ có hạn nên ngoài ba bữa với gia đình, trẻ cần được ăn thêm 2 - 3 bữa phụ như sữa, cháo, chè, chuối... Các bà mẹ cũng nên tránh sai lầm vì cho rằng trẻ cần ăn cơm sớm để cứng cáp, vì sau hai tuổi trẻ mới có đủ răng sữa để nhai tốt.

Trẻ biếng ăn thường được khuyên là dứt sữa để ăn khá hơn, thực ra đây là sai lầm vì các trẻ này sau khi bị dứt sữa, tình trạng SDD càng suy sụp do trẻ vẫn biếng ăn lại bị mất đi 300 - 400 ml sữa mỗi ngày.

Chỉ nên ngưng bú khi trẻ đã ăn được khoảng 4 - 5 chén cháo mỗi ngày. Một số bà mẹ lại kiêng khem quá mức khi trẻ bị tiêu chảy, ban đỏ làm cho trẻ rơi vào tình trạng SDD rất nặng, thậm chí dẫn đến khô loét giác mạc gây mù lòa, trẻ cần tiếp tục cho ăn khi bị bệnh và ăn tăng cường sau mỗi đợt bệnh để lấy lại sức.

(Theo TTGĐ)