Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản
Các Website khác - 16/06/2005
Mùa hè, số bệnh nhi viêm não Nhật Bản lại tăng nhanh chóng. Cách phòng tránh quan trọng nhất là tiêm phòng vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi theo đúng quy định của Bộ Y tế. Nên tích cực diệt muỗi, tránh muỗi cho trẻ...
Những ngày này tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi T.Ư (BV Nhi T.Ư) luôn đầy chặt bệnh nhi. 50 chiếc giường nhưng có tới 129 bệnh nhân điều trị. Tất cả đều là bệnh nhân bị viêm não. Trong số đó có tới 70% là bị viêm não Nhật Bản (VNNB). Chỉ riêng tuần trước đã có 37 bệnh nhi nhập viện.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc – Phó giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, từ đầu mùa dịch viêm não (1-5-2005) đến nay đã có 1 cháu bé tử vong do VNNB. Ngoài ra còn 4 trường hợp người nhà xin bệnh viện (BV) cho bệnh nhân về nhà do tình trạng bệnh quá nặng. Hầu hết bệnh nhân đến từ các tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tây, Vĩnh Phúc...

Theo thống kê của BV, trong đợt xét nghiệm thứ nhất vào đầu mùa dịch có 26/92 bệnh nhi được xác định mắc VNNB. Như vậy tỷ lệ VNNB chiếm 30% số ca mắc viêm não. Tuy nhiên chỉ trong hai tuần gần đây, kết quả xét nghiệm đợt hai cho thấy số trẻ bị VNNB đã tăng lên thành 70% (31/49 trẻ bị VNNB). Bác sĩ Lộc cho biết, 30% bệnh nhi còn lại chưa xác định được nguyên nhân gây viêm não.

Hiện BV Nhi TƯ đang đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ phối hợp tìm nguyên nhân gây viêm não có phải do virus sởi, quai bị, thủy đậu, ESPEC (một trong những họ gây bệnh Zona)... Nhiều ý kiến cho rằng đây là những loại virus có khả năng gây viêm não. Hầu hết những bệnh nhi mắc VNNB đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh VNNB. Số ít còn lại bị bệnh do tiêm không đủ liều hoặc tiêm vaccine không đạt chất lượng. So với cùng kỳ năm 2004, số bệnh nhi mắc VNNB cao tương đương, tập trung chủ yếu vào lứa tuổi từ 3-15 tuổi. Theo nhận định của các bác sĩ, giữa tháng 6 là thời điểm dịch bệnh VNNB lên tới đỉnh điểm nên trong thời gian tới, sẽ có nhiều trẻ em mắc VNNB.

VNNB hay viêm não mùa hè là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn. Virus truyền vào người khi bị muỗi Culicinae đốt. Loại muỗi này thường sinh sản nhiều vào mùa nắng nóng, thích hút máu gia súc. Khi mắc bệnh, trẻ thường có những biểu hiện sốt cao, đến 39 - 40 độ C, xuất hiện những cơn co giật nửa người hoặc toàn thân theo kiểu động kinh nhiều lần trong ngày, mắt trợn ngược, thở khò khè nhiều đờm nhớt, nôn mửa và mê man, để lại nhiều di chứng và có tỷ lệ tử vong cao do suy hô hấp, trụy tim mạch. Có đến 80% trẻ khỏi bệnh bị những di chứng thần kinh - tâm thần. Dù được cứu chữa kịp thời và tích cực, những di chứng cho trẻ rất nghiệt ngã với nhiều mức độ như bại liệt, cấm khẩu, mất trí nhớ, cử động dị thường ngoài ý muốn, run rẩy, uốn éo, lắc lư, gồng cứng người, động kinh...

BS Lộc khuyên người lớn không nên đưa trẻ ra ngoài trời nắng, tích cực diệt muỗi, nhà cửa cần được vệ sinh, sắp xếp ngăn nắp, sạch thoáng. Nên mặc quần dài, áo tay dài cho trẻ, bắt trẻ ngủ màn, kể cả ban ngày để tránh muỗi truyền bệnh VNNB đốt gây bệnh.

Do chưa có thuốc đặc trị bệnh VNNB, các bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng cho bệnh nhân như hạ sốt, chống co giật, phù não bằng liệu pháp truyền dịch, sử dụng kháng sinh nếu có bội nhiễm. Biện pháp phòng tránh vẫn là tiêm phòng vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi theo đúng quy định của Bộ Y tế. Theo đó, 2 mũi đầu tiêm cách nhau 1 - 2 tuần. Mũi thứ 3 cách mũi thứ nhất một năm. Sau đó, mỗi năm tiêm nhắc lại 1 lần để duy trì khả năng bảo vệ cho trẻ. BV Nhi TƯ đã mở phòng tiêm chủng cho trẻ em với rất nhiều loại vaccine phòng bệnh, trong đó có vaccine phòng bệnh VNNB.

Theo Tiền phong