H5N1tái phát: dấu hiệu đột biến về sức sống của virus
Các Website khác - 16/06/2005

Các bệnh nhân nhiễm H5N1 đang được y tá kiểm tra sức khỏe tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Hà Nội. Ảnh: VIỆT DŨNG

TT - Sau nửa tháng có dấu hiệu tạm lắng, dịch cúm H5N1 lại bùng phát trở lại. Đến chiều qua 15-6, tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới còn trên dưới 10 bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm H5N1, trong đó có năm người dương tính với H5N1.

“Người lành mang virus”

Có mặt tại khoa cấp cứu Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới chiều qua, chúng tôi thấy mọi việc được tiến hành khá khẩn trương bởi số bệnh nhân gia tăng trở lại. Ngoài các buồng bệnh hiện có dành cho bệnh nhân H5N1, viện đã quyết định lập các “buồng đệm”, tương tự “khu cách ly” hồi diễn ra dịch SARS đầu năm 2003. Tuy nhiên tin vui trong ngày hôm qua là đã có 3/8 bệnh nhân được xác định dương tính với H5N1 trước đó đã có kết quả xét nghiệm lại là âm tính và được ra viện. Trong số năm bệnh nhân còn lại, chỉ có một người tiến triển bệnh khá nặng, còn lại diễn biến sức khỏe đều hết sức khả quan.

Điều làm nhiều người băn khoăn hiện nay là tại sao đang trong mùa hè (tức không phải mùa dịch H5N1, bởi thông thường mùa lạnh, ẩm thuận lợi cho virus phát triển hơn) nhưng bệnh nhân vẫn xuất hiện khá đều đặn và hiện nay gia tăng trở lại? Theo các bác sĩ, đã có dấu hiệu đột biến về sức sống của virus H5N1, virus đã có thể sống lâu hơn, tồn tại lâu hơn ngoài môi trường so với các phán đoán của chúng ta từ trước đến nay. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm virus này lại có dấu hiệu nhẹ đi về lâm sàng. Cụ thể là nhóm bệnh nhân H5N1 vào Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới từ tháng 4-2005 đến nay đều trong tình trạng bệnh nhẹ, chỉ có các biểu hiện sốt, khó thở nhẹ, đau ngực và xét nghiệm dương tính với H5N1, chưa có bệnh nhân nào phải can thiệp cho thở máy hoặc có biến chứng sang gan và thận nguy hiểm đến tính mạng.

Một vấn đề nữa khá phổ biến trong đợt dịch H5N1 thứ ba (từ 26-12-2004 đến nay) là hiện tượng “người lành mang virus”. Trong số này có ông ngoại bệnh nhân Nguyễn Sỹ Tuân ở Thái Bình (1/7 bệnh nhân nặng nhất trong mùa dịch này) vẫn sinh sống bình thường mặc dù được xác định dương tính với H5N1. Hai con gái của bệnh nhân Cao Thế Hải cũng dương tính với H5N1 nhưng đều có biểu hiện bình thường về sức khỏe... Giải thích hiện tượng này, các nhà chuyên môn cho rằng khi mới xuất hiện, H5N1 hoang dại khu trú lạc chỗ ở người với độc tính cao, sau gần hai năm “sống chung với lũ”, độc lực của virus giảm đi nhưng bù lại chúng tồn tại dai dẳng và lây lan nhanh hơn.

Singapore cảnh giác cao đối với cúm gia cầm

Gần như tất cả gà, vịt và ngỗng còn lại ở đảo Pulau Ubin của Singapore đã được gom lại để tiêu hủy trước khi lệnh cấm gia cầm có hiệu lực nhằm ngăn ngừa bệnh cúm gà, theo các quan chức nước này ngày 15-6. Với tình hình bùng phát cúm gia cầm gần đây trong khu vực, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 17-6.

Trong khi đó các nhà khoa học Úc vừa thông báo đã cải tiến được một loại xét nghiệm nhiều dòng virus cúm gia cầm chỉ trong một ngày so với ba tuần như trước đây. Xét nghiệm có thể phát hiện 15 dòng virus, trong đó có dòng được truyền sang người.

Q.HƯƠNG (Theo DPA)

Chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người

Bác sĩ Tường Vân, phó phòng cấp cứu Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, cho biết hầu hết các bệnh nhân dương tính với H5N1 đến nay đều có liên quan đến gia cầm: nuôi gà, thịt gà... “Những bệnh nhân dương tính với H5N1 nói không tiếp xúc với gia cầm thì phải điều tra dịch tễ lại. Bởi vừa qua có những bệnh nhân nặng nói vậy, nhưng khi điều tra kỹ lại thì thấy... có liên quan” - bác sĩ Vân cho biết.

Trả lời báo chí mới đây về nhận định “virus H5N1 có dấu hiệu lây từ người sang người thông qua những “chùm bệnh nhân” cùng gia đình ở VN”, đại diện Cục Y tế dự phòng đã khẳng định đến nay chưa có bằng chứng để chứng minh nhận định này. Tuy nhiên, trước hiện tượng rải rác xuất hiện người nhiễm H5N1 và thậm chí gia tăng trở lại ngay khi dịch cúm gia cầm đã được khống chế, các bác sĩ khuyến cáo phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là người dân không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm bệnh và khi giết thịt gia cầm không để máu và dịch bắn vào người.

Thông tin từ Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới cho biết hiện viện có đủ thuốc men và trang thiết bị, đồng thời đã có kế hoạch đáp ứng nhu cầu điều trị trong trường hợp bệnh nhân đông. Bộ Y tế cũng vừa công bố bản kế hoạch đối phó với H5N1 trong hai trường hợp xảy ra dịch lớn và vừa. Theo đó, nếu dịch lớn xảy ra tất cả các khoa lây của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đều phải thu dung, điều trị bệnh nhân (ngoài các bệnh viện T.Ư Huế, Bắc Thăng Long - Hà Nội, Bệnh nhiệt đới và Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới như hiện nay).

LAN ANH