Chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cũng có thể gây hại
Các Website khác - 21/02/2005

Loại sản phẩm này tuy không là thuốc nhưng không phải dùng thế nào cũng được. Khi dùng cùng với thuốc chữa bệnh, nó có thể gây những tương tác bất lợi, thậm chí nguy hiểm.

Nhiều chế phẩm dinh dưỡng có hình thức giống hệt thuốc.

Tại nhiều siêu thị, nhất là ở các nước tiên tiến, có nhiều mặt hàng với bao bì, chai lọ và hình dạng (viên nén, viên nang) giống hệt thuốc nhưng không được xem là thuốc. Đó là các chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” hoặc “bổ sung thực phẩm”. Các sản phẩm này khá phong phú, gồm loại bổ sung vitamin và chất khoáng (ở Việt Nam là thuốc bổ đa sinh tố), đặc biệt là các chất chống oxy hóa; loại có nguồn gốc dược thảo dùng lâu đời trong Đông y như nhân sâm, lá bạch quả hoặc vừa là dược thảo vừa là gia vị như tỏi, gừng, nghệ...; loại có nguồn gốc hoóc môn để chống lão hóa...

Những sản phẩm trên không được xem là thuốc nên không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý dược, không cần bán trong nhà thuốc mà bất cứ ai cũng có thể tìm mua trong siêu thị.

Khuynh hướng chung của thế giới hiện nay là trở về với thiên nhiên. Vì vậy, nhiều người thích dùng thuốc có nguồn gốc dược thảo, mà đa số chế phẩm “hỗ trợ dinh dưỡng” thuộc loại này. Thêm nữa, việc mua bán rất dễ dàng nên mức tiêu thụ ngày càng tăng.

Lưu ý khi sử dụng chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng

Những sản phẩm có nguồn gốc dược thảo thường an toàn, có tác dụng tích cực, đem lại hiệu quả bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây hại nếu người tiêu dùng không có những hiểu biết nhất định. Do không được quản lý như dược phẩm nên chúng thường bị lạm dụng (dùng khi không cần thiết hoặc quá liều lượng). Ngoài ra, do không được quản lý chặt trong khâu sản xuất và phân phối như thuốc nên nguy cơ giả mạo và kém phẩm chất của loại chế phẩm này rất cao.

Có trường hợp người bệnh đang dùng thuốc điều trị lại dùng thêm chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng bị tương tác thuốc bất lợi. Ở Mỹ, 70% bệnh nhân dùng chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng mà không thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ vì cho rằng chúng có nguồn gốc thiên nhiên, dùng sao cũng được.

Đã có trường hợp chế phẩm chứa tỏi làm tăng tác dụng gây xuất huyết của thuốc chống đông hay thuốc chống kết tập tiểu cầu uống; hoặc làm tăng tác dụng của thuốc insulin trị đái tháo đường một cách quá đáng. Chế phẩm chứa nhân sâm cũng có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết của các thuốc trị đái tháo đường loại uống nếu dùng chung. Phụ nữ dùng chế phẩm chứa phytoestrogen (chất tương tự oestrogen có trong thực vật) nếu được điều trị oestrogen thay thế sẽ bị triệu chứng thừa hoóc môn này như: buồn nôn, đầy bụng, tăng huyết áp, cương vú, phù. Vì vậy, các bác sĩ và dược sĩ ở Mỹ được khuyến cáo cần hỏi bệnh nhân có dùng chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng hay không trước khi chỉ định hay cung cấp thuốc.

Ở Mỹ, theo luật định, trên nhãn và bao bì của chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng không được ghi những thông tin liên quan đến bệnh và chữa bệnh. Ví dụ, sản phẩm tốt cho người bị cúm không được ghi: “Trị bệnh cảm cúm” mà chỉ được ghi: “Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể”. Hiện nay có một từ ghép khá thông dụng là “nutraceuticals” (thực phẩm-thuốc). Chúng cũng không được xem là thuốc.

Ở Việt Nam hiện có nhiều chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng được nhập khẩu với tên gọi mập mờ: thuốc -thực phẩm. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, chúng được thông báo là thực phẩm để không chịu sự kiểm soát của ngành y tế. Nhưng đối với người sử dụng, chúng lại được giới thiệu, quảng cáo là có thể trị đủ mọi thứ bệnh. Người tiêu dùng cần cảnh giác trước những quảng cáo kiểu này.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)