Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây một lần nữa khuyến cáo, để phòng chống cúm gia cầm H5N1 vốn có tỷ lệ tử vong rất cao, một trong những cách rất quan trọng trong hoàn cảnh hiện nay là phòng chống các bệnh cúm thông thường.
Tại những nước có nền y học cổ truyền phát triển như Việt Nam, Trung Quốc..., không ít bài thuốc và vị thuốc dân gian tỏ ra khá hiệu nghiệm với cúm.
Lương y Vũ Quốc Trung - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm KHCN Bảo quản thuộc Cục Dự trữ quốc gia, cho biết: Khi nhiễm cúm, phải nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt, hết mệt và chữa các triệu chứng như uống thuốc chống ho, uống thuốc an thần, uống thêm các loại vitamin B1, C, ăn nhiều trái cây và rau xanh.
Cúm là một bệnh hô hấp cấp tính do virus với triệu chứng đặc trưng là sốt, sổ mũi, ho, nhức đầu, khó chịu và viêm niêm mạc hô hấp. Bệnh thường xảy ra như một trận dịch vào mùa đông. Các trường hợp nặng có thể gây kiệt sức, viêm phế quản, xuất huyết, viêm phổi và nhiều khi tử vong. Bệnh nhân mắc cúm có các triệu chứng sốt cao (39 - 40oC), mệt lả, ủ rũ, rét run, đau lan toả và nổi rõ như nhức đầu, đau hố mắt, đau cơ, đau khớp, đau mỏi sống lưng, viêm long đường hô hấp với biểu hiện bằng đau họng, thanh quản, khó nuốt và đôi khi khản tiếng. Ho là một biểu hiện thường xuyên.
| Theo y học cổ truyền, cúm là bệnh cảm mạo thời khí hay xuất hiện về mùa đông vì hàn tà nhiều, chính khí kém. Bệnh có tính cấp tính, phát nhiệt, sợ lạnh, đầu mình đau, mệt mỏi, ngạt mũi, chảy nước mũi, mắt đỏ, ngứa họng, ho hen, họng khô ráo đau nhức, đôi khi tiết tả, lợm giọng buồn nôn.
Bệnh có thể là phong hàn và phong nhiệt. Với thể phong hàn, triệu chứng điển hình là sốt nhẹ, sợ lạnh, không có mồ hôi, nghẹt mũi, nước mũi trong, đờm loãng, họng ngứa, ho hen, rêu lưỡi trắng mọc, mạch phù. Thể phong nhiệt có triệu chứng điển hình là sốt cao, hơi sợ gió, đau đầu, ra mồ hôi, nghẹt mũi, chảy nước mũi vàng đặc, đầu nặng đau, khát nước, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch nhanh.
Lương y Vũ Quốc Trung với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền đưa ra mấy bài thuốc sau:
Với cúm thể phong hàn, có thể dùng một trong các cách như ăn cháo nóng với hành, tía tô, gừng, thêm hạt tiêu, lòng đỏ trứng gà, ăn nóng. Ăn xong trùm kín chăn cho ra mồ hôi. Hoặc dùng gừng tươi bằng cách lấy một củ gọt sạch vỏ, giã nát, cho 200 ml nước đun kỹ, chắt ra cho thêm đường vừa uống, uống lúc nóng.
Cũng có thể dùng 1 trong 2 bài thuốc sau.
Bài một: Lá tía tô 15g, kinh giới 10g, hương nhu 10g, vỏ quýt 10g, cúc tần 10g, gừng tươi 3 lát.
Bài 2: Tử tô (hạt tía tô) 12g, cam thảo dây 12g, vỏ quýt 12g, củ gấu 12g, hành tăm 8g, gừng tươi 8g. Nếu đầy bụng nôn oẹ thêm hậu phác, hoắc hương, bán hạ mỗi thứ 10g. Nếu đau đầu nhiều, thêm mạn kinh tử 12g, bạch chỉ 8g.
Với cúm thể phong nhiệt, có 2 bài thuốc đáng chú ý. Bài 1:Cỏ chỉ thiên 20g, lá cối xay 20g, lá bạc hà 10g, cam thảo đất 10g, gừng tươi 3 lát. Bài 2: Kim ngân hoa 16g, lá tre 16g, lá bạc hà 8g, cam thảo đất 12g, kinh giới 8g. Mỗi bài thuốc trên cho 300 ml nước đun sôi trong 15 - 30 phút chắt ra uống lúc nóng.
Lương y Trung lưu ý, với cả hai thể phong nhiệt và phong hàn, có thể xông lá xả, lá tía tô, kinh giới, lá bạc hà, lá bưởi, mỗi thứ một nắm, đun sôi kỹ, xông trong 5 - 10 phút.
|