Mộng du không phải hậu quả của một chất (như rượu, ma túy) hay một bệnh thực tổn như mất trí, động kinh, tâm thần phân liệt... Để giảm ảnh hưởng xấu của nó, người bệnh cần được giải thích hợp lý, luyện tập và dùng thuốc an thần nhẹ.
Giấc ngủ là sự điều hòa và lặp đi lặp lại của một quá trình sinh lý bình thường. Nhu cầu ngủ của người bình thường khoảng 6-7 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ được chia làm 2 giai đoạn sinh lý: giai đoạn không vận động nhãn cầu nhanh (NREM) chiếm 75% thời gian ngủ, và giai đoạn vận động nhãn cầu nhanh (REM) chiếm 25% thời gian ngủ.
Mỗi đêm có 4 đến 5 chu kỳ ngủ. Giấc ngủ bảo đảm sự phục hồi chức năng hoạt động của não trong trạng thái thức tỉnh, có vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người. Rối loạn giấc ngủ thường là triệu chứng sớm nhất của các rối loạn tâm thần. Một trong những rối loạn giấc ngủ hay gặp nhất là mộng du.
Mộng du xảy ra ở giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ NREM. Bệnh nhân đi trong trạng thái vắng ý thức hoàn toàn: đang ngủ tự nhiên ngồi dậy, có thể có những hoạt động phức tạp như đi, mặc quần áo, nói, la hét, lái xe... Trong khi đi, nét mặt của người bệnh đơn điệu, không đáp ứng với lời nói của người khác, có thể tỉnh lại sau một kích thích mạnh từ bên ngoài. Các hành vi kết thúc khi bệnh nhân thức dậy sau một vài phút rối loạn ý thức, thường gặp nhất là quay lại giường ngủ tiếp. Mộng du hay xảy ra vào 1/3 đầu của thời gian ngủ trong đêm. Khi tỉnh lại, bệnh nhân chỉ nhớ vài chi tiết đã xảy ra. Bạo lực có thể xảy ra trong mộng du ở người lớn.
Căn bệnh này có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến chức năng xã hội, nghề nghiệp và các chức năng quan trọng khác của người bệnh. Tỷ lệ gặp mộng du ở hai giới là tương đương nhau, ở trẻ em là 10-30%, ở người lớn là 1-7%. Sau cơn mộng du, bệnh nhân không có rối loạn tâm thần vận động hoặc rối loạn hành vi mặc dù có rối loạn ý thức, rối loạn định hướng ngắn.
Để giảm ảnh hưởng xấu của mộng du, người bệnh cần được điều trị bằng giải thích hợp lý, luyện tập thư giãn và dùng thuốc an thần nhẹ. Để dự phòng rối loạn giấc ngủ nói chung, cần thường xuyên áp dụng vệ sinh tâm lý giấc ngủ, tạo thói quen đi ngủ đúng giờ. Tránh dùng các thuốc kích thích như chè, cà phê, thuốc lá, rượu, tránh căng thẳng cảm xúc. Chế độ làm việc, hoạt động, giải trí, rèn luyện thân thể phải hợp lý. Trước khi đi ngủ nên xoa bóp, tắm nước ấm, đi bộ, nghe nhạc nhẹ...
TS. Cao Tiến Đức, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Máu dây rốn chữa được bệnh máu trắng (26/11/2004)
▪ Những chuyện đáng giật mình về tai biến thuốc (26/11/2004)
▪ Cắt van niệu đạo bằng nội soi (26/11/2004)
▪ Đông y chữa hội chứng tiền mãn kinh (26/11/2004)
▪ Phòng bệnh mạn tính bằng chế độ ăn uống (26/11/2004)
▪ Điều trị hôi miệng bằng kỹ thuật laser (25/11/2004)
▪ Năm 2007 sẽ có vaccine chống cúm gia cầm cho người? (25/11/2004)