Đái tháo đường trong thai kỳ: Nguy cơ chưa được quan tâm
Các Website khác - 21/11/2004

Thai kỳ ở người phụ nữ có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường khiến một số thai phụ có tình trạng tăng đường huyết bệnh lý và được gọi là bệnh đái tháo đường trong thai kỳ (ĐTĐTK). Trong số các trường hợp ĐTĐ chẩn đoán trong thai kỳ, có khoảng 10% đã có ĐTĐ từ trước khi mang thai (overt diabetes), đây là nhóm bệnh nhân có nguy cơ rất cao.


Những hậu quả đáng tiếc

Hiện nay, tần suất ĐTĐ ngày càng gia tăng trong thai kỳ, trong khi đó những nguy cơ của bệnh lý này chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức. Tháng 9/2003, khoa Sản BV. Hùng Vương đã tiếp nhận thai phụ D.T.A.L., 36 tuổi bị thai chết lưu ở tuần thai thứ 37, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ĐTĐTK. Còn thai phụ X. có chị ruột bị tiểu đường và bản thân đã từng một lần có thai chết lưu, nhưng khi đến khám ở phòng mạch tư, chị X. không được bác sĩ tầm soát chẩn đoán ĐTĐTK. Đến khi đau bụng sinh vào bệnh viện thì kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói lên đến 298mg% (trị số bình thường vào khoảng 80-110mg%). Chị phải sinh mổ và cho ra đời một bé trai nặng 3.950g nhưng... bị suy hô hấp và mắc bệnh tim bẩm sinh! Các bác sĩ điều trị cho rằng đó là do ảnh hưởng của tình trạng đường huyết cao ở thai phụ đã không được khống chế hiệu quả trong giai đoạn đầu thai kỳ.

Ở TP.HCM, một cuộc điều tra nghiên cứu vào năm 2001 tại quận 4 ghi nhận có đến 3,9% thai phụ trong loạt nghiên cứu được chẩn đoán ĐTĐTK. Đây là một con số không nhỏ, rất cần được cán bộ y tế cũng như cộng đồng quan tâm.

Hậu quả của ĐTĐTK

Trẻ bị dị tật nang thận do mẹ bị đái tháo đường

Nhiều báo cáo khoa học cuối thế kỷ XX cho biết vẫn còn không ít trường hợp thai phụ tử vong vì toan chuyển hóa hay do các biến chứng khác của ĐTĐTK không được điều trị tốt. Ngoài ra, ĐTĐTK còn kèm theo nhiều bệnh lý như cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa và làm suy giảm sức đề kháng, từ đó dẫn đến tình trạng bội nhiễm hay vết thương khó lành... ĐTĐTK không điều trị tốt có thể dẫn đến những nguy cơ nặng nề đối với thai nhi, đặc biệt khi ĐTĐ đã có từ trước mang thai. Các trường hợp ĐTĐTK không điều trị ổn định có tần suất thai nhi chết lưu trong bụng hay chết ngay sau sinh cao gấp 2-4 lần các thai phụ bình thường.

Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới còn ghi nhận rằng tần suất thai nhi bị dị tật bẩm sinh được sinh ra từ những thai phụ có đường huyết cao trong giai đoạn tạo cơ quan của phôi thai (từ 5-8 tuần sau kỳ kinh cuối) cao gấp 8 lần, đặc biệt là dị tật tim mạch cao gấp 18 lần và dị tật hệ thần kinh cao gấp 16 lần so với thai nhi của những thai phụ bình thường. Ngay cả trong các trường hợp đái tháo đường xuất hiện muộn trong thai kỳ (được gọi là đái tháo đường do thai kỳ - gestational diabetes), phôi thai thì những nguy cơ của thai nhi, như sang chấn lúc sinh hay suy hô hấp... cũng cao hơn nhiều lần so với các thai nhi của thai phụ bình thường. Nếu không kiểm soát đường huyết tốt, thai phụ bị ĐTĐ sẽ dễ bị sẩy thai, dễ sinh non và thai dễ chết lưu trước cả ngày có dấu hiệu sinh. Một số trường hợp thai chết lưu xảy ra trong những tuần lễ cuối của thai kỳ thường “không hề” có dấu hiệu báo trước, các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể do rối loạn thăng bằng kiềm-toan hoặc giảm máu nuôi thai nhi do phù gai nhau. Cuối cùng, các thai phụ cần biết, con của thai phụ ĐTĐTK không được điều trị tốt thường rất nặng cân nhưng lại dễ bị suy hô hấp, dễ bị chấn thương trong cuộc sinh, dễ bị nhiễm trùng và dễ mắc các bệnh lý hơn.

ĐTĐTK cần được tầm soát và quản lý một cách hiệu quả

Mặc dù ĐTĐTK là một bệnh lý rất nguy hiểm nhưng y học có thể làm giảm hoặc ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của nó nếu bệnh được phát hiện và quản lý tốt. Nghiên cứu của bác sĩ Kitzmiller (Mỹ) ghi nhận tần suất sinh con bị dị tật bẩm sinh ở những thai phụ có tiền sử bị ĐTĐ, được điều trị ổn định từ trước khi mang thai chỉ vào khoảng 1,2%; trong khi tần suất này lên đến 11% ở nhóm thai phụ ĐTĐ không được điều trị ổn định đường huyết. Tại các nước đang phát triển như nước ta, phát hiện và điều trị ĐTĐ trong giai đoạn trước khi mang thai còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do chưa có sự quan tâm đúng mức về tình trạng ĐTĐ trong cộng đồng.

Việc quản lý ĐTĐTK không chỉ cần sự hợp tác của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, sản khoa, dinh dưỡng và nhi khoa mà còn cần cả sự hiểu biết, hợp tác và tuân thủ yêu cầu điều trị của người bệnh. Theo chúng tôi điều này đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của điều trị.

Theo SK&ĐS