![]() |
Một bệnh nhân cúm gà ở Hà Nội. |
Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các quốc gia sẵn sàng đối đầu với một đại dịch cúm gia cầm, khi những nghiên cứu mới nhất ở Đông Nam Á cho thấy dấu hiệu truyền bệnh từ người sang người của H5N1 ngày càng rõ rệt.
"Chúng tôi tin là một đại dịch sẽ xảy ra, song không biết vào lúc nào", Trưởng bộ phận giám sát và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm của WHO, Guenael Rodier cho biết.
Cho đến nay, chủng H5N1 đã có khả năng nhảy từ động vật sang người, làm 37 người thiệt mạng ở Việt Nam, 12 ở Thái Lan và 4 ở Campuchia kể từ cuối năm 2003.
"Lượng thông tin ít ỏi mà chúng tôi có được đã chứng tỏ, virus và cách nó tiếp cận với con người đang biến đổi. Nếu thế giới cần một cảnh báo về đại dịch cúm gia cầm đang đến gần thì chúng tôi đã có", tiến sĩ Klaus Stohr, trưởng bộ phận cúm của WHO, cho biết. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy một đại dịch cúm gà tiềm ẩn chỉ cần 3 tháng để lan khắp thế giới.
Đầu tháng 5, WHO đã phân tích kết quả nghiên cứu từ Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và nhận thấy chủng virus gốc có thể đã đột biến qua nhiều năm, và bây giờ là lúc ra đời một biến thể có thể truyền bệnh từ người sang người, châm ngòi cho một đại dịch cúm trên toàn cầu.
"Các dẫn giải từ những kết quả nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học chưa đủ rõ ràng, song chúng đều chứng tỏ virus đang tiếp tục tiến hóa và đe dọa hình thành một nạn dịch", WHO nhận định.
Có nhiều ca bệnh cúm gia cầm được tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam hơn miền Nam, khiến các nhà nghiên cứu tin rằng virus ở miền Bắc lây nhiễm cao hơn và có nhiều khả năng truyền bệnh từ người sang người hơn. Tỷ lệ tử vong từ virus cúm gà ở miền Nam là 83,3%, ở miền Bắc là 34%, chứng tỏ biến thể mới có thể tấn công nhiều người hơn H5N1 gốc. Kết quả phân tích gene tại Việt Nam khác với những chủng ở nơi khác.
Theo WHO, quá trình biến đổi của H5N1 diễn ra theo nhiều bước nhỏ, và không có bước nào trong đó báo hiệu rõ ràng rằng một đại dịch bắt đầu. Trong khi đó, WHO tiếp tục khuyến cáo các quốc gia có dịch cần tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh trong gia cầm. Song vấn đề này không dễ dàng, vì "nếu hành động quá sớm thì sẽ có những biện pháp không cần thiết và tốt kém. Còn nếu trì hoãn cho tới khi có bằng chứng cụ thể rằng virus đã đủ khả năng truyền bệnh từ người sang người thì lại là quá muộn. Đây là một vấn đề tiến thoái lưỡng nan", WHO nhận định.
Trước thông tin của WHO đưa ra, ông Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, cho biết, hiện nay Việt Nam chưa loại trừ khả năng H5N1 biến đổi và lây nhiễm từ người sang người, và virus ở miền Bắc nguy hiểm hơn miền Nam, song tất cả mới chỉ là nhận định, vẫn cần có thêm bằng chứng khoa học.
Còn ông Phạm Ngọc Đính, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương, thì cho rằng nhận định của WHO mang tính chất cảnh báo, và đã là nguy cơ thì biên độ vô cùng. Việt Nam thừa nhận khả năng lây nhiễm của H5N1 gần đây có tăng lên, song chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy nguyên nhân là lây nhiễm từ người sang người. Ngoài ra, WHO cho rằng chủng virus ở miền Bắc độc hơn miền Nam, dựa vào việc miền Bắc có 8 chùm ca bệnh ở người, miền Nam có 3, và tỷ lệ chết/mắc ở miền bắc là trên 30 %, còn ở miền Nam là trên 80%. Thực tế là các nhà khoa học ở hai miền Việt Nam chưa cùng ngồi bàn luận xem chủng nào độc hơn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đính, Việt Nam vẫn tiếp tục nghiêm túc thực hiện các quy định giám sát dịch bệnh của WHO và Chính phủ, đặc biệt là những biến đổi về mặt kháng nguyên và di truyền. Ngoài ra, thường xuyên khuyến khích áp dụng 4 biện pháp phòng bệnh viêm đường hô hấp do virus trong cộng đồng là:
- Vệ sinh cá nhân
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh
- Tăng cường sức khỏe
- Khi có biểu hiện bệnh đi khám ở các trạm y tế kịp thời.
Mỹ Linh
▪ Vitamin E có thể chống bệnh Parkinson (19/05/2005)
▪ Bệnh viện nhi TP HCM chuẩn bị khám chữa miễn phí (19/05/2005)
▪ Giành sự sống từ tay tử thần H5N1 (19/05/2005)
▪ Cháo lá sen chống béo phì (20/05/2005)
▪ Phẫu thuật thay khớp gối (20/05/2005)
▪ Bệnh viện ở Anh tăng cường sử dụng "bác sĩ" robot (19/05/2005)
▪ Dùng thuốc trị tiêu chảy (18/05/2005)
▪ Cháo bổ dưỡng, giải nhiệt cho người cao tuổi (18/05/2005)
▪ Chế độ tiết thực cho người bị suy tim (18/05/2005)
▪ Mệt mỏi, sợ ánh sáng (18/05/2005)