Giành sự sống từ tay tử thần H5N1
Các Website khác - 19/05/2005
Nguyễn Sỹ Tuân trước khi ra viện.

Ngày 13/5, Nguyễn Sỹ Tuân - bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A H5N1 nặng nhất từ khi có dịch - ra viện sau 82 ngày điều trị tích cực. Đây thực sự là bước tiến mới trong công tác điều trị bệnh nhân H5N1 của ngành y học Việt Nam.

Phòng bệnh 208 nằm lặng lẽ cuối dãy hành lang tầng 2 Khoa cấp cứu hồi sức tích cực, Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai - vốn im lặng, hôm đó ồn ào khác thường. Trong không gian chưa đầy 10m2 rộn tiếng cười nói và những đóa hoa tươi thắm, những lời chúc mừng anh Nguyễn Sỹ Tuân (21 tuổi, ở Thái Thụy, Thái Bình) - người vừa từ cõi chết trở về với cuộc sống. Đối với ông Nguyễn Sỹ Nhâm, bố của Tuân thì hôm nay là ngày vô cùng trọng đại. Nhìn từng bước đi còn chập chững vì nằm quá lâu ngày trên giường bệnh của Tuân, ông Nhâm nghẹn ngào: “Các thày thuốc nơi đây thực sự là những người sinh ra con tôi lần thứ hai..."

Còn Tuân, mặc dù sức khỏe vẫn chưa thực sự hoàn toàn bình phục, những bước đi còn đầy khó nhọc song nụ cười đã nở trên khuôn mặt vẫn còn hốc hác. Tuân vui vẻ khoe: “Em khỏe lên nhiều rồi. Các y, bác sĩ đã giúp em vượt qua được cái chết. Công lao này suốt đời em không quên...”.

Có lẽ ít ai biết rằng để giành lại cuộc sống cho Tuân, các y, bác sĩ nơi đây đã phải trải qua hơn 80 ngày đêm căng thẳng chiến đấu với tử thần H5N1. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực nhớ lại những ngày tháng đầy căng thẳng đó: Đêm 21/2, Tuân được đưa đến viện trong tình trạng sức khỏe rất nguy kịch, sốt cao, khó thở, mê sảng, phổi ran. Mặc dù được cấp cứu kịp thời và điều trị tích cực nhưng tình trạng sức khỏe của Tuân 3 ngày sau đó vẫn không có chuyển biến mà còn xấu đi. Bệnh nhân vẫn sốt, khó thở, tinh thần hoảng loạn, chụp phim cho thấy hai phổi đã bị tràn khí và tràn dịch màng phổi, các chỉ số về tiểu cầu, bạch cầu đều giảm rõ rệt.

Trước tình trạng trên, các bác sĩ đã phải mở màng phổi để dẫn lưu khí và dịch, cho thở máy, tăng cường các thuốc kháng sinh và chất dinh dưỡng nâng cao thể lực. Sau 10 ngày đêm điều trị theo phác đồ trên Tuân đã hết sốt, đỡ khó thở, tinh thần dần ổn định, phổi đã nở tốt sau dẫn lưu khí và dịch.

Lúc này, nhiều người đã nghĩ rằng sức khỏe của Tuân đang dần bình phục, song không ai có thể ngờ rằng, chỉ đến sáng ngày thứ 22 nằm viện, Tuân đột ngột lên cơn đau ngực, khó thở dữ dội, tràn khí dưới da và tràn khí màng phổi do tắc dẫn lưu màng phổi trái. Bệnh nhân lại rơi vào tình trạng hoảng loạn, và đặc biệt không chịu hợp tác thở máy. Trước tình trạng sức khỏe của Tuân trở nên vô cùng nguy kịch, sau khi hội chẩn và được sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã có những quyết sách táo bạo.

Tuân được mở khí quản sau đó đặt nội khí quản, cho thở máy áp lực cao, thay thế một số loại kháng sinh liều cao và tăng cường các chất nâng cao thể trạng như plasma, máu toàn phần, albumin. Đây là giai đoạn vô cùng căng thẳng đối với các y, bác sĩ của Khoa cấp cứu hồi sức tính cực, vì đối với bệnh nhân khi đặt nội khí quản đòi hỏi phải có sự theo dõi vô cùng chặt chẽ, chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể làm cho bệnh nhân tử vong.

Y tá Bùi Thị Kim Lan, một trong những người trực tiếp chăm sóc cho Tuân cho biết: Những ngày này luôn có 3-4 y tá, bác sĩ theo dõi Tuân 24/24 giờ, mọi công việc từ tiêm thuốc, thay băng, hút đờm, cho ăn, thay quần áo, ga giường, làm vệ sinh đều do các bác sĩ, y tá đảm nhiệm với sự cẩn thận, chi tiết ở mức cao nhất. Chỉ đơn giản như việc cho ăn qua xông nếu sơ suất một chút thôi để bệnh nhân sặc cũng có thể dẫn tới tử vong do tràn dịch phổi. Sau đúng 20 ngày đặt nội khí quản, sức khỏe của Tuân bắt đầu có những chuyển biến tích cực, bệnh nhân được chuyển sang một giai đoạn điều trị mới với việc rút dần máy thở, ống dẫn lưu màng phổi, ống mở khí quản và tiếp tục tăng cường các loại kháng sinh và dinh dưỡng nâng cao thể trạng. Cho đến ngày thứ 72, sức khỏe của Tuân đã gần như hoàn toàn bình phục. Từ lúc này cho đến ngày ra viện, ngoài việc theo dõi sát sao những diễn biến của phổi, các y, bác sĩ tập trung nâng cao thể lực và ổn định tinh thần cho Tuân.

Từ thành công đến kinh nghiệm

Nếu như trong những tháng đầu năm 2003-2004, Viện Y học lâm sàng cách bệnh nhiệt đới đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân SARS và cúm A H5N1 được thế giới khâm phục thì việc cứu sống được Tuân trong đợt dịch cúm A H5N1 thứ 3 diễn ra từ đầu năm tới nay có thể xem là một kỳ tích mới.

PGS Nguyễn Đức Hiền - Viện trưởng cho biết: Tại hội nghị quốc tế về cúm gia cầm vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều nước đã bày tỏ sự thán phục và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam khi điều trị thành công cho Tuân. Bởi đối với trường hợp bệnh nặng như Tuân khi đã phải đặt nội khí quản thì tỷ lệ tử vong là rất cao, như ở Thái Lan có 17 ca thì 12 ca tử vong.

Đánh giá về ca bệnh này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Trí Liêm nhấn mạnh: Bệnh nhân Tuân là một trường hợp viêm phổi do virus cúm A H5N1 điển hình và rất nặng. Qua việc điều trị thành công ca bệnh này có thể rút ra bài học kinh nghiệm rất lớn về phác đồ điều trị không chỉ cho ngành y tế Việt Nam mà còn cho nhiều nước trong khu vực. Đó là tinh thần phục vụ hết lòng vì người bệnh, theo dõi sát sao bệnh nhân, kịp thời xử lý các biến chứng, vận dụng linh hoạt phương thức điều trị, tích cực điều trị chống nhiễm trùng và nâng cao thể lực đã quyết định sự thành công. Ngoài ra, cũng phải kể tới sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa trong việc giải quyết các vấn đề chuyên môn và sự ủng hộ kịp thời về tài chính của các cơ quan chức năng vì chỉ riêng tiền thuốc điều trị cho Tuân cũng đã lên tới gần 200 triệu đồng.

(Theo Sức khỏe và Đời sống)