"Con gái tôi 15 tuổi; 3 năm trước mắc bệnh hen. Sau đó cháu bị viêm tiết niệu, được cho uống 1 viên negram, 2 phút sau sốc phản vệ, may mà được cứu sống. Vừa rồi cháu bị viêm đường hô hấp trên và dùng paracetamol, sau đó nổi mày đay và ngứa khắp người. Có cách nào biết các thuốc gây dị ứng để tránh không?".
Trả lời:
Dị ứng thuốc là một trong những tai biến do dùng thuốc mà chúng ta hầu như không đoán trước được. Tỷ lệ dị ứng chiếm khoảng 10-15% các tai biến do dùng thuốc. Tai biến này xảy ra không phụ thuộc vào liều điều trị, không liên quan đến dược động học của thuốc mà liên quan đến đáp ứng miễn dịch của người được dùng thuốc. Dị ứng thuốc hay xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng (tức là có các bệnh dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng... hoặc trong gia đình có các thành viên mắc các bệnh dị ứng). Đặc biệt, những người đã từng bị dị ứng thuốc thì nguy cơ dị ứng khi dùng thuốc lần sau cao hơn hẳn so với những người bình thường.
Dị ứng thuốc tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể, tuy nhiên tổn thương da vẫn hay gặp nhất. Biểu hiện của phản ứng dị ứng thuốc rất đa dạng, từ nhẹ như mày đay, ban đỏ trên da, đến nặng như hội chứng Stevens Johnson, hội chứng Lyell, suy gan thận..., thậm chí có thể gây tử vong tức thì (như sốc phản vệ). Rất may mắn là cháu đã được các bác sĩ kịp thời cứu sống khi bị sốc phản vệ do dùng negram. Phản ứng dị ứng thuốc ít khi xảy ra trong lần đầu tiên dùng thuốc, tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã tiếp xúc với thuốc từ các nguồn khác nhau, từ thức ăn, nước giải khát... mà không biết, (ví dụ, penicillin trong sữa bò của những con bò trước đó bị viêm tuyến vú được điều trị bằng kháng sinh). Tất cả các thuốc đều có tiềm năng gây dị ứng, trong số đó, hay gặp nhất vẫn là kháng sinh (trong trường hợp của cháu là negram, cipro...), thuốc chống viêm giảm đau không steroid...
Con gái bạn có cơ địa dị ứng rất nặng và đã từng bị dị ứng thuốc nhiều lần, chính vì thế gia đình hết sức thận trọng khi cho cháu dùng thuốc. Tuyệt đối không được tự dùng thuốc, phải dùng theo đơn của bác sĩ. Gia đình cũng nhắc nhở cháu nên nhớ những thuốc đã từng bị dị ứng và khi đi khám nên nói với bác sĩ để bác sĩ không lựa chọn các thuốc nói trên, hoặc các thuốc có mẫn cảm chéo với thuốc mà cháu đã từng dị ứng.
Hiện nay, cơ sở tuyến cao nhất về điều trị và tư vấn dị ứng thuốc là Khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đó, các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm trên da người bệnh và một số xét nghiệm máu với các dị nguyên là thuốc để tìm ra kháng thể kháng lại thuốc hoặc chất chuyển hóa của thuốc. Trong một số trường hợp nhất định, các bác sĩ sẽ sử dụng một loại xét nghiệm có tính đặc hiệu chuyên khoa cao là xét nghiệm kích thích với thuốc. Tuy nhiên, xét nghiệm đó được chỉ định rất chặt chẽ và chỉ thực hiện ở các cơ sở chuyên khoa có đầy đủ trang thiết bị hồi sức cấp cứu, dưới sự giám sát của các bác sĩ có kinh nghiệm. Từ các kết quả xét nghiệm, thăm khám và khai thác kỹ tiền sử dị ứng nói trên, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp với trường hợp của cháu.
ThS Hoàng Thị Lâm, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Vỡ tử cung gây tử vong cả mẹ và con (18/06/2005)
▪ Các món canh giải nhiệt (18/06/2005)
▪ Hiểu được tiếng khóc của bé (18/06/2005)
▪ Theo dõi sức khỏe bằng... miếng dán (18/06/2005)
▪ Khó thở (18/06/2005)
▪ Sữa đậu nành giúp giảm cân và cholesterol (17/06/2005)
▪ Aspirin có ích cho người trên 50 tuổi (17/06/2005)
▪ Phòng tránh những nguy cơ từ các hồ bơi (18/06/2005)
▪ Mùa hè - mặc thế nào để bảo đảm sức khỏe tốt? (18/06/2005)
▪ “Sự tự tin làm nên vẻ quyến rũ của phụ nữ” (17/06/2005)