![]() |
Ông Lường Văn Thắng vẫn đang phải thở máy. |
Ông Lường Văn Thắng (46 tuổi, quê Hòa Bình) bị giập gót chân trong một tai nạn giao thông. Ông không mấy quan tâm vì nghĩ đó chỉ là một vết thương nhỏ. Hơn 10 ngày sau, ông phải cấp cứu vì uốn ván và suýt nữa mất mạng.
Một tuần sau khi bị giập gót chân, ông Thắng bắt đầu thấy trong người khó chịu, đau cơ, hàm cứng khó nhai nên đến trạm y tế xã khám. Vài ngày sau, bệnh vẫn không đỡ, ông lên Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình để điều trị. Hai ngày tiếp theo, bệnh càng nặng hơn nên bệnh nhân được chuyển đến Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới ở Hà Nội. Lúc này, ông Thắng đã bị hôn mê sâu, người sốt cao, co giật từng cơn... Sau 21 ngày điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh đặc hiệu, mở khí quản thở máy, ông mới qua cơn nguy kịch.
Nằm cạnh giường ông Thắng là bệnh nhân Đỗ Văn Đuốc, 58 tuổi, quê Hà Tây, cũng trong tình trạng hôn mê, thở máy do uốn ván. Người đàn ông này có một vết thương nhỏ ở chân khi làm ruộng và không để ý đến nó. Đúng một tháng sau, ông Đuốc thấy trong người có biểu hiện đau mỏi, gáy cứng, thường xuyên nhức đầu, đổ mồ hôi. Gia đình nghĩ ông mệt do tuổi già, cứ nghỉ ngơi rồi sẽ khỏe. Đến khi ông Đuốc lên cơn co giật, hàm cứng, người lúc tỉnh lúc mê, gia đình mới vội vã đưa ông đi cấp cứu.
Những trường hợp uốn ván khác cũng bắt đầu từ những vết sây sát nhỏ trong tai nạn sinh hoạt, lao động và giao thông... Có những người nhiễm virus này chỉ vì xỉa răng bằng que bẩn, bị gà mổ vào tay mà không làm vệ sinh sạch sẽ. Bệnh nhân khi có các vết xước nhỏ thường "cho qua" mà không biết rằng nó có thể là khởi đầu cho một căn bệnh chết người.
Số người mắc bệnh uốn ván chiếm 30% tổng số bệnh nhân hằng năm của Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới. Có thời điểm, con số này lên đến 70-80%. Đầu tháng 12 này, có tới 12 bệnh nhân uốn ván trong tổng số 22 người đang điều trị. Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, trong mấy năm gần đây, số người mắc uốn ván không hề giảm. Nếu như trước đây đa số bệnh nhân là trẻ em thì gần đây là người lớn ở độ tuổi lao động. Họ đều không được tiêm phòng bệnh, sống chủ yếu ở nông thôn và không có hiểu biết về căn bệnh này.
Bệnh uốn ván bùng phát khi cơ thể bị nhiễm độc bởi độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani. Chúng hiện diện dưới dạng nha bào trong đất và phân súc vật. Khi xâm nhập cơ thể, các nha bào sinh sôi nảy nở ở các vết thương trên da. Các triệu chứng ban đầu của bệnh không rõ ràng. Thời gian ủ bệnh từ 5 ngày đến 1 tháng, thời gian này càng ngắn thì bệnh càng nặng. Những dấu hiệu của bệnh thường gặp lúc đầu là đau lưng, đau gáy, cứng gáy, nuốt sặc... sau đó tiến dần đến chân tay co cứng, hàm cứng rồi co giật, người cứng đơ như ván gỗ. Các biểu hiện trên diễn ra trong thời gian 24-48 giờ.
Việc điều trị uốn ván vừa rất khó vừa tốn kém. Bác sĩ Vân cho biết, để cứu sống một người uốn ván nặng độ 2-3, phải khống chế được các cơn co giật, không để bệnh nhân nhiễm trùng hoặc bội nhiễm qua các đường can thiệp thủ thuật như mở khí quản, đặt xông. Bệnh nhân phải dùng rất nhiều thuốc như an thần, kháng sinh, dịch truyền... Riêng thuốc kháng sinh phải dùng đến hàng triệu đơn vị mỗi ngày với chi phí 200.000 đến 1 triệu đồng. Một bệnh nhân uốn ván nhẹ nằm viện 3 tuần sẽ phải trả viện phí trung bình 2 triệu đồng; nếu là bệnh nhân nặng điều trị trong vài tháng thì số tiền phải lên tới hàng chục triệu. Với trường hợp ông Lường Văn Thắng, chi phí chữa chạy đã lên đến 11 triệu đồng mà mà bệnh vẫn nặng.
Tiến sĩ Cao Văn Viên, Phó Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới cho biết, uốn ván là căn bệnh đã tồn tại từ thế kỷ trước. Vậy mà đến nay ở nước ta vẫn có nhiều người bị; tỷ lệ mắc và chết vẫn cao dù việc đề phòng không khó. Hiện trẻ em và phụ nữ có thai đã được tiêm phòng căn bệnh này; còn đối tượng không sinh đẻ, đàn ông, người già thì hoàn toàn không được tiêm. Với hiệu quả miễn dịch 5-10 năm cho một đợt tiêm phòng 3 mũi, việc tiêm phòng đại trà có thể đẩy lùi uốn ván. Trong bối cảnh các loại tai nạn có thể xảy ra hằng ngày, nhất là tai nạn giao thông, việc tiêm phòng uốn ván là một việc làm rất cần thiết; nhưng ngành y tế gần như đã quên nhắc nhở người dân điều này.
(Theo Lao Động)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Người trẻ cũng bị sa sút trí tuệ (24/12/2004)
▪ Bệnh viện Hùng Vương:Ứng dụng nhiều nghiên cứu có giá trị (24/12/2004)
▪ 43 bệnh viện tỉnh, thành đã chữa trị được chấn thương sọ não (24/12/2004)
▪ Chế độ ăn cho người mắc bệnh ở mật (24/12/2004)
▪ Sun Ginseng ngăn chặn ung thư (24/12/2004)
▪ Hiểm họa tiềm ẩn từ... muối ăn (24/12/2004)
▪ Mổ thành công một ca u gan hiếm gặp (24/12/2004)