Giải pháp mới mở ra hy vọng cho người mù
Các Website khác - 01/02/2005

Khi cấy gene quy định việc sản sinh một loại protein vào tế bào mắt vốn không có chức năng tiếp nhận kích thích ánh sáng, các nhà khoa học Anh nhận thấy chúng hoạt động giống như các tế bào tiếp nhận ánh sáng thật sự.

Phát hiện này là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Imperial (Luân Đôn, Anh) và Đại học Manchester. Họ đã cấy loại gene quy định việc sản sinh protein melanopsin vào các tế bào mắt nói trên.

Phần sau của mắt người, võng mạc, có chứa các tế bào tiếp nhận ánh sáng giúp chúng ta nhìn thấy được vật thể khi ánh sáng phản xạ từ vật đi vào mắt. Phần lớn các trường hợp bị mù phát sinh từ những bệnh ở võng mạc, chẳng hạn như thoái hoá điểm vàng và viêm võng mạc. Khi mắc những bệnh này, tế bào tiếp nhận ánh sáng của người bệnh cũng bị phá huỷ. Hiện tại chưa có biện pháp điều trị. Một khi đã mất thị lực, người bệnh sẽ phải sống trong bóng tối suốt đời.

Cho đến tận thời gian gần đây, người ta cho rằng tế bào tiếp nhận kích thích ánh sáng chỉ tồn tại ở 2 dạng, đó là tế bào hình nón và hình que.

Nhưng các thử nghiệm trên những con chuột bị phá huỷ tế bào hình nón và hình que cho thấy các loại tế bào khác trên võng mạc cũng có phản ứng tiếp nhận ánh sáng nếu chúng có melanopsin. Các chuyên gia cho rằng melanopsin có vai trò quan trọng đối với khả năng "bắt sáng" của các tế bào đó.

Mặc dù việc làm cho tế bào mắt có khả năng tiếp nhận ánh sáng không thể chữa khỏi bệnh mù, song nhóm nghiên cứu đang cộng tác cùng các kỹ sư để chế tạo võng mạc giả có thể giúp những người bị rối loạn thị lực nhìn rõ hơn.

Từ trước tới nay, cấy ghép võng mạc từ người này sang người khác và cấy võng mạc điện tử là giải pháp phục hồi thị lực chủ yếu trong việc điều trị bệnh mù, song hiệu quả thực sự của cả 2 phương pháp này không đáng kể. Phát hiện mới đây có thể mở ra hướng điều trị mới hiệu quả hơn. Các chuyên gia cho biết họ có thể cấy các gene quy định melanopsin vào các tế bào còn nguyên vẹn trong võng mạc của bệnh nhân mù, biến chúng thành các tế bào tiếp nhận kích thích ánh sáng.

Tuy nhiên, phương pháp này có phục hồi hoàn toàn thị lực được hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Trước mắt, nếu nó thành công, rất có thể bệnh nhân chỉ có thể tiếp nhận được 2 màu đen và trắng. Nhưng bản thân kết quả khiêm tốn đó cũng là một sự khởi đầu rất tốt.

Chris Inglehearn, chuyên gia về mắt tại Đại học Leed, nhận định rằng kết quả nghiên cứu có ý nghĩa không chỉ với những người mù. Người ta có thể áp dụng phương pháp cấy gene quy định melanopsin để chữa trị cho những người mắc bệnh trầm cảm, mất ngủ và rối loạn tâm sinh lý theo mùa, những bệnh có liên quan đến tình trạng rối loạn nhịp sinh học của cơ thể. Các nghiên cứu gần đây chứng minh rằng melanopsin có thể phục hồi được tình trạng rối loạn này, giúp cơ thể trở về trạng thái cân bằng.

Việt Linh (theo BBC)