Lao ngoài phổi ở trẻ dễ tử vong nếu phát hiện muộn
Các Website khác - 07/04/2005
Bệnh nhi Tấn Thành và bà nội
Bệnh nhi Tấn Thành và bà nội sáng 6/4. Ảnh: Lê Thanh

Nhập viện sáng 5/4 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP HCM, bé Nguyễn Tấn Thành, 19 tháng tuổi, quê Đồng Tháp đã phải thở máy, mắt lờ đờ gần như không còn ý thức. Bệnh nhi được chẩn đoán lao màng não, nếu chữa khỏi cũng chỉ sống thực vật.

Bà Hoa, bà nội của bệnh nhi buồn rầu cho biết, đây là lần thứ 2 bé Thành nhập viện. Lần đầu khám ở BV Nhi đồng 1, chuyển lên BV Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ chẩn đoán đã bị lao phổi dạng kê và lao hạch, điều trị 1 tháng rồi cho về uống thuốc tại nhà. "4 tháng sau, cháu sốt lại, co giật, ói mửa, gia đình đưa cháu lên đây để xét nghiệm chọc tủy sống mới vỡ lẽ bệnh đã chuyển thành lao màng não", vừa nhìn cháu nội qua 1 cơn gồng mình, mắt mở trân trân, bà Hoa vừa xót xa nói.

Trực tiếp thăm khám cho cháu Thành, bác sĩ Nguyễn Hữu Minh đánh giá đây là ca điển hình lao nhi thể nặng, khi nhập viện lần đầu tiên lượng đã khó có khả năng điều trị khỏi bằng thuốc đặc trị. Do đó, dù bệnh nhi đã uống thuốc đặc trị lao hơn 5 tháng, nhưng vi trùng vẫn theo đường máu di chuyển lên não, gây lao màng não. Thông thường, theo phác đồ 9 tháng, sau khi uống thuốc 1 tháng ở giai đoạn tấn công, vi trùng lao đã bị tiêu diệt hơn 70%. Thời gian sau là giai đoạn củng cố.

Hiện tại, Khoa nhi có 43 giường bệnh, trong đó 8 ca lao màng não. Bác sĩ Trưởng khoa Trần Ngọc Đường cho biết, không ít trường hợp đến khám quá trễ, bệnh đã chuyển nặng. Cũng vì nguyên nhân này mà riêng trong năm 2004 đã có 9/85 ca lao màng não tử vong. Các bệnh nhi khác nếu chữa khỏi cũng để lại biến chứng do tổn thương não, nhẹ là thần kinh yếu, mắt lé, liệt, nặng hơn còn dẫn đến mù, điếc, thậm chí mất trí khôn, sống thực vật.

Nguyên nhân những hậu quả đáng tiếc này, theo bác sĩ Đường, là do ngay từ đầu phụ huynh không kịp thời đem con mình đi khám, vì những triệu chứng ban đầu của lao sơ nhiễm chỉ là sốt, ho kéo dài; đổ mồ hôi trộm, chậm lên cân hoặc sụt cân, không đặc trưng nên rất dễ bỏ qua. Khi thấy bé ho khò khè vì lao sơ nhiễm có hạt trong phổi, bác sĩ cũng nghĩ trẻ chỉ bị suyễn. Đến khi đứa trẻ có những biểu hiện bất thường của lao màng não, như trẻ dưới 5 tuổi co giật, ói mửa, trên 5 tuổi có biểu hiện rối loạn tâm thần như tự nhiên lừ đừ, chậm chạp thay đổi tính nết, đau đầu... thì đã quá muộn.

Trong khi bệnh diễn biến phức tạp, thì ngành y tế cũng gặp khó khăn trong chẩn đoán chính xác. Bác sĩ Đường cũng thừa nhận, việc xét nghiệm lao trẻ em khó hơn người lớn vì không tìm được vi trùng lao trong phổi (BK (-)). Muốn biết trẻ có nhiễm lao hay không, bác sĩ phải thử phản ứng lao tố, chụp X quang phổi, dựa vào yếu tố dịch tễ có nguồn lây hay không trong gia đình. Tất cả những công đoạn này đều yêu cầu bác sĩ có chuyên môn sâu về lao và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, theo ông Đường, ở một số trường hợp đặc biệt, dù có phát hiện cũng không ngăn được hậu quả: khi bệnh nhi ở trong tình trạng suy dinh dưỡng, nhiễm HIV hoặc đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch corticoid mà nhiễm lao, bệnh rất dễ diễn tiến thành lao màng não, hoặc lan khắp phổi gây lao kê, lao phế quản phế viêm, lao màng phổi; xâm nhập vào cơ quan khác gây lao xương, lao cột sống... Đây đều là những thể lao nặng, tỷ lệ tử vong lớn.

Bác sĩ Đường khuyến cáo: Phụ huynh ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu tưởng chừng thông thường như ho, sốt kéo dài, sụt cân, cần đưa con đi khám lao tại các trung tâm quận, huyện.

Lê Nhàn