Hỏi: Xin ông nhận định về tình hình dịch Rubella đang diễn ra hiện nay? Những yếu tố nào làm bệnh dịch xuất hiện?
TS. Nguyễn Trần Hiển: Trước hết cần phải nhấn mạnh, bệnh Rubella không phải là một bệnh mới mà là loại bệnh đã lưu hành thường xuyên từ trước tới nay ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ đầu năm 2005 đến nay, theo báo cáo của các trung tâm y tế dự phòng một số tỉnh, dịch bệnh Rubella đã xảy ra tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bến Tre v.v... Theo thống kê chưa đầy đủ hiện có khoảng hơn 1.000 người mắc bệnh.
Sự gia tăng báo cáo các trường hợp dịch Rubella có thể được giải thích bởi một số lý do sau: Thứ nhất, về mặt lâm sàng, khó phân biệt giữa bệnh sởi và bệnh Rubella, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Trong những năm gần đây, do có sự triển khai rộng rãi tiêm vaccine phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, số trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi đã giảm đáng kể. Thứ hai là việc giám sát các trường hợp trẻ em mắc bệnh và nghi ngờ mắc bệnh sởi được tăng cường bao gồm cả việc chẩn đoán huyết thanh học nhằm phát hiện bệnh sởi và Rubella. Theo một kết quả giám sát dịch tễ học mới đây của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, 86,7% các trường hợp sốt phát ban có phản ứng huyết thanh dương tính với virus Rubella. Thêm vào đó là hệ thống giám sát, báo cáo bệnh được tăng cường và ý thức về bệnh tật của người dân đã tăng lên. Thứ ba, bệnh Rubella là một bệnh lưu hành thường xuyên từ trước tới nay ở Việt Nam, nay gặp điều kiện thuận lợi làm cho sự lây truyền tăng lên (nhiều người chưa mắc bệnh bao giờ và chưa được tiêm vaccine phòng bệnh Rubella, sự tiếp xúc nơi đông người đã làm tăng cơ hội lây truyền virus Rubella qua đường hô hấp).
Hỏi: Bệnh Rubella ảnh hưởng tới sức khỏe chúng ta thế nào, ai là người dễ bị nhiễm bệnh và có những biến chứng nguy hiểm gì?
Ông Nguyễn Trần Hiển: Bệnh Rubella là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra, xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và thường gây bệnh nhẹ ở trẻ nhỏ. Nó thường xảy ra vào mùa lạnh và ẩm như cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Chu kỳ dịch thường là khoảng 5–9 năm. Trước khi áp dụng việc tiêm chủng vaccine Rubella rộng rãi, đa số các trường hợp mắc bệnh Rubella là ở trẻ nhỏ lứa tuổi 6–12 tại các nước phát triển và từ 2–8 tuổi tại các nước đang phát triển. Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ mang thai thay đổi tùy theo tình hình dịch tễ học và kinh tế xã hội của từng nước, tỷ lệ này rất khác nhau từ 5–60%.
Virus Rubella lây truyền theo đường hô hấp, khi vào cơ thể sẽ sinh sản và nhân lên ở mũi họng và các bạch huyết. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 12–23 ngày, trung bình là 18 ngày. Virus Rubella có thể tìm thấy ở dịch nhày mũi họng một tuần trước khi nổi ban và sau đó hai tuần. Việc chẩn đoán bệnh Rubella đòi hỏi phải có khẳng định về mặt xét nghiệm huyết thanh học. Khi bắt đầu bị bệnh, bệnh nhân sẽ có cảm giác mệt mỏi, sốt nhẹ, biếng ăn, viêm kết mạc, sổ mũi, viêm hạch và buồn nôn. Sau đó phát ban dạng sởi, trên da có những nổi mẩn màu hồng. Có thể sưng hạch sau tai hoặc ở dưới cằm, ở người lớn có hiện tượng đau các cơ, khớp. Cũng có nhiều người bị nhiễm virus Rubella nhưng không nhận thấy các biểu hiện trên hoặc thấy rất nhẹ. Thực chất những người này là người lành mang virus và làm phát tán bệnh rất nhanh và rộng. Khi mắc bệnh cơ thể sinh ra kháng thể kháng lại virus để không mắc bệnh lại nữa. Bệnh hiếm khi gây biến chứng viêm phổi, viêm não dẫn đến tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên, tác hại lớn nhất của Rubella là đối với phụ nữ có thai. Nếu phụ nữ khi mang thai mắc bệnh Rubella sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, gây sảy thai, đẻ non, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh ở não, tim, mắt và tai. Hội chứng dị dạng bẩm sinh do Rubella là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiểu năng nghe, nhìn và chậm phát triển tinh thần ở các nước có bệnh dịch Rubella phổ biến. Mặc dù hội chứng này không được mô tả và báo cáo đầy đủ ở nhiều nước, người ta ước tính khoảng 100.000 trường hợp đã xảy ra tại các nước đang phát triển hằng năm. Việc chăm sóc các trường hợp bệnh này là rất tốn kém vì nó tồn tại suốt đời, không có khả năng chữa trị hoặc phục hồi. Miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh là miễn dịch bền vững suốt đời, ít khi mắc lại.
Hỏi: Theo ông , những đối tượng nào cần phải được tiêm vaccine phòng bệnh. Khuyến cáo của những người làm dịch tễ học gửi tới cộng đồng trước dịch bệnh này là gì?
Ông Nguyễn Trần Hiển: Vaccine có hiệu lực bảo vệ cao và không gây phản ứng phụ. Tiêm vaccine phòng Rubella có ý nghĩa rất lớn về mặt giá thành – hiệu quả, đặc biệt khi phối hợp với vaccine sởi. Việc tiêm phòng rộng rãi vaccine Rubella trong thập kỷ vừa qua đã làm giảm đáng kể hoặc loại trừ Rubella và các di chứng của Rubella ở nhiều nước phát triển và một số nước đang phát triển. Vaccine Rubella thường được tiêm cho trẻ em 12 – 15 tháng tuổi, nhưng có thể tiêm cho trẻ em ở 9 tháng tuổi. Ở hầu hết các nước, việc xác định tuổi tiêm chủng vaccine thường dựa trên tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, vaccine cũng có thể được tiêm cho trẻ lớn hơn, người trưởng thành, sinh viên, người chăm sóc trẻ em, cán bộ y tế, bộ đội, thiếu nữ, phụ nữ ở tuổi sinh đẻ.
Về mặt lý thuyết, không nên tiêm vaccine Rubella cho phụ nữ mang thai bởi vì nó có thể gây nên nguy cơ quái thai. Tuy nhiên, không có trường hợp hội chứng Rubella bẩm sinh nào xảy ra ở trẻ sơ sinh khi tiêm vaccine cho 1.000 phụ nữ khi mới mang thai. Do đó không cần làm xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm có thai trước khi tiêm vaccine. Nếu dự định có thai, cần phải theo dõi một tháng sau khi tiêm vaccine Rubella. Tiêm vaccine Rubella khi mang thai không phải là chỉ định phá thai. Không nên tiêm vaccine cho những người có suy giảm miễn dịch tiến triển, bao gồm rối loạn miễn dịch bẩm sinh, bệnh ung thư và điều trị ức chế miễn dịch. Tuy nhiên vẫn có thể tiêm vaccine cho những người nhiễm HIV không triệu chứng. Không tiêm vaccine cho bệnh nhân lao cho đến khi được điều trị. Trước tình hình dịch Rubella hiện nay, trẻ nhỏ, thiếu nữ và những phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nên đến các cơ sở y tế để hỏi và tiêm vaccine phòng Rubella. Khi nghi ngờ bị bệnh, nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định và được cách ly điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.
Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu khác giống như phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân, súc miệng bằng các loại nước sát khuẩn mũi - họng, tăng cường thông khí trong phòng, mang khẩu trang, hạn chế tụ tập nơi đông người, cách ly, hạn chế tiếp xúc với người bệnh...
Hỏi: Vaccine phòng bệnh Rubella có ở Việt Nam có những loại nào và hiệu quả phòng bệnh của vaccine này trong thời gian bao nhiêu lâu?
Ông Nguyễn Trần Hiển: Tiêm phòng vaccine Rubella là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất hiện nay. Vaccine Rubella được sử dụng với hai mục đích: dự phòng dị dạng bẩm sinh cho trẻ sơ sinh bằng tiêm vaccine dự phòng cho phụ nữ và thiếu nữ ở tuổi sinh đẻ; loại trừ Rubella bằng việc tiêm vaccine rộng rãi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Vaccine Rubella được dùng phổ biến hiện nay trên thế giới là vaccine sống giảm độc lực. Vaccine này an toàn và có hiệu quả phòng bệnh rất cao. Kết quả nghiên cứu của các thử nghiệm lâm sàng cho thấy 95-100% trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên được tiêm vaccine có kháng thể kháng virus Rubella 3-4 tuần sau khi tiêm vaccine. Vaccine tạo được miễn dịch trong một thời gian rất dài. Một nghiên cứu cho thấy 97% trẻ em sau khi tiêm vaccine 15 năm vẫn còn có kháng thể.
Hiện nay ở Việt Nam, vaccine Rubella chưa được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, vaccine này vẫn có trên thị trường và được nhiều cơ sở y tế cung cấp. Vaccine đang lưu hành trên thị trường ở Việt Nam là vaccine sống giảm độc lực. Loại vaccine kết hợp ba loại vaccine: Rubella, sởi và quai bị (vaccine Trimovax Merieux hay ROR của hãng Aventis Pasteur), được tiêm cho trẻ em lúc 12 tháng tuổi sau đó nhắc lại lúc 3-6 tuổi. Đối với người lớn nên tiêm vaccine Rubella riêng.
Xin cảm ơn ông.
|