Trong thực tế, nhiều người đã phải đến bệnh viện để điều trị các chấn thương như: Viêm khuỷu tay do chơi tennis, giãn dây chẳng, trẹo khớp chân vì đá bóng... Phần lớn các bệnh nhân khi đến bệnh viện đều ở trong tình trạng chấn thương nặng và dai dẳng, phải can thiệp bằng phẫu thuật, vừa tốn kém lại đau đớn. Nguyên nhân chính là do bệnh nhân thường chủ quan, chỉ nghỉ tập vài bữa, nên vết thương ngày càng nặng hơn.
Tập thể thao có tăng cân?
Ngoài cảm giác sảng khoái, tinh thần phấn chấn khi được thi đấu và tập luyện, các môn thể thao bóng đá, cầu lông, tennis, bóng bàn... còn mang lại niềm vui cho người chơi qua thú cá độ, ai thua phải trả tiền thuê sân hoặc một chầu nhậu. Sau nhiều cuộc vui như thế, đa số người chơi chẳng những không xuống cân, mà lại đẫy đà thêm. Anh Đinh Văn Dậu, 28 tuổi, chủ của hàng kinh doanh xe máy phố Huế Hai Bà Trưng, Hà Nội, từng có một thể hình khá lý tường than thở: Cứ mỗi buổi chiều, từ 18 đến 21 giờ, tôi cùng đám bạn chơi tennis. Mỗi trận, ai đánh cũng đều chung độ để tăng phần trách nhiệm và thi đấu hết mình. Sau mỗi trận, người thua chung độ và chúng tôi đi nhậu". Tại nhiều phòng khám, không ít bệnh nhân yêu cầu bác sĩ kê cho thực đơn giảm cân. Trong đó, không ít người thắc mắc vì sao càng chơi thể thao thì càng tăng ký. Có lẽ ho chưa hiểu rằng, tập thể thao làm tuy làm tiêu hao năng lượng, nhưng không phải vì thế sau khi tập thì có quyền ăn uống vô tư. Năng lượng nạp vào nhiều hơn năng lượng mất đi, lên cân là chuyện đương nhiên.
Tập không đúng kỹ thuật, có thể bị những tai nạn khó lường
Theo giới y học nhận định, điều quan trọng nhất trong tập luyện thể thao là phải chọn môn chơi phù hợp với giới tính, tuổi tác và thể trạng. Những môn tập đòi hỏi thể lực nhiều, liên tục như tennis, bóng đá, bóng chuyền... rất tốn sức, chỉ phù hợp với giới trẻ. Nhưng hiện nay, đơn cử như môn tennis, tầng lớp người chơi chủ yếu lại trung niên to béo, bụng phệ. Ở tuổi này, sự vận động quá sức đôi khi phản tác dụng, gây chấn thương, hoặc nặng hơn là dẫn đến tử vong.
Cùng lúc, việc tham gia hoạt động thể thao ở nước ta hiện thường theo ý thích cá nhân và tùy tiện. Hầu hết không ai nghĩ đến việc phải khám sức khỏe tổng quát trước khi tập luyện, đặc biệt là khám tim mạch. Không ít người gục trên sân tập vì nhồi máu cơ tim, một số khác thì than đau nhức vai, cánh tay và các khớp chân vì những chấn thương nhỏ xảy ra liên tục do chọn môn thể thao không đúng.
Tập giữa trưa nắng dễ dẫn đến say nắng, mất nước, rối loạn điện giải. Lâu dài, người chơi chẳng những không tăng thể lực, mà càng mệt mỏi thêm. Chưa kể rối loạn điện giải còn dẫn đến vọp bẻ, tổn thương cơ. Ngoài ra, sau khi vận động, cơ thể đổ nhiều mồ hôi gây mất nước và vitamin B, nếu uống rượu, bia không tốt cho sức khoẻ, vì chất cồn làm lợi tiểu, dẫn đến mất chất điện giải, gia tăng nguy cơ tổn thương.
Phương pháp luyện tập hiệu quả
Mỗi người, trước khi quyết định chơi một môn thể thao nào cần phải nắm được tình trạng sức khỏe của mình. Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ chấn thương trong tập luyện thể thao cao hơn, do vậy không nên tập dồn, mà cần tăng dần lượng vận động cho phù hợp.
Lựa chọn trang phục và dụng cụ tập luyện phù hợp cũng là một yếu tố cần chú ý. Trước khi tập, cần khởi động cẩn thận. Trong khi tập, cần chú ý đến khối lượng của bài tập. Sau khi tập, cần thả lỏng để cơ thể dần dần hồi phục lại bình thường. Đặc biệt là phải có chế độ dinh trong phù hợp với chế độ tập luyện... Đó là những yếu tố cần và đủ cho những người yêu thích tham gia các hoạt động thể thao.
|