Toàn bộ cơ quan sinh dục của nam và nữ đều có thể bị bệnh lao. Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Đặc biệt, lao ở hệ sinh dục nữ còn gây lao bẩm sinh cho con cái bệnh nhân.
Tổn thương do vi khuẩn lao gây ra có thể chỉ riêng biệt một phần của bộ máy sinh dục hay nhiều phần, thậm chí còn phối hợp cả với lao bộ máy tiết niệu.
Bệnh lao của hệ sinh dục nam
Lao dương vật: Tổn thương có thể bắt đầu ngay từ lần đầu vi khuẩn lao xâm nhập, gây nên bệnh cảnh lao sơ nhiễm tại đây. Ở những bộ tộc châu Phi còn giữ tục lệ cắt bao quy đầu, do vệ sinh không tốt nên vi khuẩn lao đi vào qua vết cắt. Sau một thời gian, vết cắt đã lên sẹo thì sưng trở lại rồi vỡ ra để lại một ổ loét, hạch bẹn sưng to. Đó là phức hợp sơ nhiễm. Ở thân dương vật và bìu có thể gặp các hình thái của lao da: đám thâm nhiễm có vảy, nốt lao, ổ loét. Ngoài ra còn các tổn thương lao ở mào tinh hoàn hoặc tinh hoàn vỡ ra...
Lao ống dẫn, mào và túi tinh: Ở các phần này cũng có tổn thương lao như nốt, loét... Chúng bị xơ hóa thành sẹo, làm chít hẹp các cơ quan này, gây đau khi xuất tinh, tinh dịch có máu, mủ. Khám thấy mào tinh hoàn sưng to, đau...
Lao màng tinh hoàn: Gây bệnh cảnh tràn dịch màng tinh hoàn, có thể nhầm lẫn với các nguyên nhân khác. Khám thấy tinh hoàn to, căng, nặng, mất cử động, nếu dịch nhiều thì sờ không thấy mào tinh. Thực ra không phải là tinh hoàn to ra mà là do sự tràn dịch ở bìu, khi rọi đèn pin trong bóng tối sẽ thấy bóng tinh hoàn ở trong đám dịch này. Hiện nay, chỉ cần siêu âm là xác định được. Bệnh có thể nhầm lẫn với phù vùng da bìu trong bệnh giun chỉ.
Lao tinh hoàn: Tinh hoàn to, chắc, đau ít hoặc không đau, cần phải phân biệt với: viêm tinh hoàn cấp không do lao hoặc ung thư tinh hoàn...
Bệnh lao của hệ sinh dục nữ
Lao âm hộ: Cũng có 2 hình thái giống nam giới, gồm lao sơ nhiễm (hay gặp nhất ở người cắt âm vật) và lao da.
Lao âm đạo: Tổn thương là thâm nhiễm, nốt, loét; khí hư nhiều, có máu, mủ.
Lao cổ tử cung: Có thể nhầm lẫn với ung thư cổ tử cung.
Lao nội mạc tử cung: Gây các dấu hiệu thay đổi kinh nguyệt: đau bụng kinh, kinh nguyệt có lẫn chất hoại tử bã đậu. Lao nội mạc tử cung là một nguyên nhân dẫn đến lao bẩm sinh của trẻ mới đẻ.
Lao phần phụ: Tổn thương lao ở phần phụ là một nguyên nhân gây vô sinh do ống dẫn trứng bị hẹp, tắc. Có thể tổn thương riêng biệt, nhưng nhiều khi có cả một ổ áp xe lớn ở vùng tiểu khung.
Để chẩn đoán lao hệ sinh dục, ngoài các triệu chứng lâm sàng còn phải tìm vi khuẩn lao trong tinh dịch, kinh nguyệt hoặc mủ áp xe. Cần chụp X-quang có cản quang tử cung, vòi trứng; hoặc chụp cắt lớp vi tính, nội soi tử cung, sinh thiết... Cần thận trọng trong chẩn đoán vì có thể nhầm lẫn với chứng viêm do các nguyên nhân khác và ung thư.
BS Bình Lâm, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Tắc nghẽn van tim - mối nguy của người mang van nhân tạo (02/06/2005)
▪ Nước mơ - đồ uống lý tưởng trong mùa nóng (02/06/2005)
▪ Điều trị ung thư có thể gây rối loạn chức năng nhận thức (01/06/2005)
▪ Bị viêm gan B có thể sống như người bình thường? (01/06/2005)
▪ Những câu hỏi về phẫu thuật nâng ngực (01/06/2005)
▪ Tập thể dục giảm béo nhưng không tốt cho xương (01/06/2005)
▪ Dùng aspirin và ibuprofen quá liều làm tăng nguy cơ ung thư vú (01/06/2005)
▪ Rau diếp cá - vị thuốc đa năng (01/06/2005)
▪ Không nên dùng thuốc nhỏ mũi thường xuyên (01/06/2005)
▪ Xét nghiệm bệnh down thai nhi bằng Tripple test (01/06/2005)