Lây cúm gia cầm cho người: Nguy cơ rất lớn!
Các Website khác - 20/01/2005

TT - Báo cáo tại hội nghị giao ban phòng chống dịch khu vực phía Nam 2004-2005, ngày 19-1-2005, PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết: trong năm 2004 có 14 ca viêm phổi dương tính H5N1, 10 trường hợp tử vong.

Thế nhưng, chỉ trong vòng hơn nửa tháng 1-2005 tại khu vực phía Nam đã có sáu ca viêm phổi do H5N1, với năm ca tử vong (chưa tính ca ở Tiền Giang chết hồi 18g ngày 19-1). Các ca dương tính đều có biểu hiện lâm sàng sốt trên 38OC, ho, khó thở, tiêu chảy, X-quang phổi bất thường... Hầu hết bệnh nhân bị viêm phổi do H5N1 đều có làm và ăn gà (vịt) bệnh, chết; ôm gà đá, có người nhà làm gà ăn. Điểm khác biệt với năm trước là năm nay dịch không khu trú mà có tính chất lan rộng ở nhiều nơi.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho biết từ đầu năm 2005 đến nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị bốn ca viêm phổi nghi ngờ liên quan đến cúm gia cầm. Hiện đã có hai ca xét nghiệm âm tính với H5N1, còn hai ca chưa có kết quả xét nghiệm.

Cũng tại hội nghị này, ông Đồng Mạnh Hòa - giám đốc Trung tâm Thú y vùng - cho rằng chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà dịch cúm gia cầm đã lan rộng ra 21 tỉnh thành. Đây là một nguy cơ rất lớn và ở mức báo động đỏ. Đặc biệt năm nay số gia cầm bệnh, chết phải tiêu hủy không nhiều bằng năm trước nhưng mức độ lan rộng rất nhanh do xảy ra nhiều ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chính vì thế, nguy cơ lây bệnh cho dân chúng nhiều hơn đợt dịch đầu năm 2004 và sắp tới số ca mắc trên người có thể sẽ còn. Ông còn cho biết thêm hiện nay những hố chôn gà bệnh của đợt dịch năm trước đang trong tình trạng ô nhiễm rất lớn, rất cần sự phối hợp của hai cơ quan y tế, thú y xử lý lại...

Để phòng chống cúm H5N1 lây lan rộng, Viện Pasteur đề nghị phía cơ quan thú y phải cung cấp thông tin dịch cúm gia cầm cho y tế; xử lý sớm, triệt để các ổ dịch gia cầm; lập vùng “đệm”; tăng cường các chốt kiểm dịch gia cầm ra, vào; qui hoạch vùng giết mổ và có qui chế an toàn vệ sinh về giết mổ, phân phối và tiêu thụ gia cầm.

* Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm tại hội nghị về biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm tại TP.HCM vào ngày 19-1, sau 14 tháng (từ tháng 12-2003 đến 16-1-2005) đã ghi nhận có ba đợt dịch cúm A H5N1, mỗi đợt cách nhau khoảng bốn tháng, với tổng số 33 trường hợp mắc bệnh. Trong đó có 25 trường hợp tử vong.

Tất cả các trường hợp mắc cúm A tại nước ta đều có liên quan dịch tễ đến cúm gia cầm. Thứ trưởng Liêm khẳng định sự lây truyền virus cúm A từ gia cầm sang người theo đường hô hấp trực tiếp hoặc gián tiếp là đường lây truyền chính hiện nay, nhưng chưa có bằng chứng virus H5 lây truyền từ người sang người.

Về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên người, Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, sở y tế tổ chức giám sát, phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, nhất là tại các địa phương có gia cầm chết hàng loạt. Cũng theo Thứ trưởng Liêm, hiện ngành y tế gặp nhiều khó khăn vì những hiểu biết chưa đầy đủ về dịch tễ học bệnh cúm, đặc biệt là phân type lây từ gia cầm sang người như H5N1 còn hạn chế, văcxin phòng bệnh, thuốc điều trị đặc hiệu chưa có.

Triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch viêm phổi do virus cúm A H5N1

Trước tình hình bệnh viêm phổi do virus cúm A H5N1 đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, Bộ Y tế, thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp SARS - cúm thông báo và yêu cầu ban chỉ đạo các cấp thực hiện các biện pháp sau:

1. Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp SARS các cấp tăng cường hoạt động chỉ đạo bao vây dập tắt dịch tại địa phương.

2. Các cơ sở y tế đã được phân công phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các cấp tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, tổ chức cách ly, điều trị kịp thời ca bệnh, không để bệnh nhân tử vong.

3. Ủy ban nhân dân các cấp cần thông báo đến từng hộ gia đình việc phòng chống dịch, phát hiện dịch cúm gia cầm để địa phương kịp thời dập tắt dịch. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh.

4. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời.

5. Dùng Chloramine B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm, các cơ sở thu dung và điều trị bệnh nhân viêm phổi do virus.

6. Ban chỉ đạo quốc gia yêu cầu ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố tập trung ưu tiên chống dịch triệt để trong mùa đông xuân 2005 và thường xuyên báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo quốc gia - Bộ Y tế.

TTXVN

LÊ THANH HÀ - MINH LUẬN